Đại dịch diễn ra trong một thời gian dài gây ra những tác động tiêu cực đến toàn xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Tuy vậy, đó cũng là cơ hội để giáo dục châu Á vươn lên cạnh tranh với những cường quốc phương Tây.

Số lượng du học sinh châu Á lựa chọn du học trong khu vực, thay vì đến Anh, Mỹ tăng nhanh, là động lực để các trường đại học phương Đông tiếp tục khẳng định giá trị trong thời gian tới.

Liên tục góp mặt trên trường quốc tế

Những năm qua, ngày càng nhiều đại diện châu Á góp mặt trong các bảng xếp hạng trường đại học tốt trên thế giới do các tổ chức giáo dục hàng đầu bình chọn như Times Higher Education (THE), QS,… Các bảng xếp hạng được thực hiện bởi hơn 22.000 học giả trên khắp thế giới nhằm đưa ra cái nhìn mạnh mẽ về tình trạng chuyển dịch của nền kinh tế tri thức trên thế giới.

Bức tranh năm 2021 nhìn chung tương đối rõ ràng. Ước tính, số trường đại học châu Á góp mặt trong bảng xếp hạng của THE tăng từ 1/4 vào năm 2016 lên 1/3 vào năm 2021. Dữ liệu gần đây của THE cũng cho thấy, các trường đại học trẻ, năng động nhất thế giới tập trung nhiều ở khu vực Đông Á.

Trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt trên thế giới nhiều năm trở lại đây, các quốc gia phương Tây đang dần mất vị thế trong khi phương Đông đang vươn lên. Năm 2016, chỉ hai trường đại học tại Trung Quốc đại lục lọt vào tốp 200 thế giới.

Nhưng đến năm 2021, con số này là 7. Dẫn đầu là Trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đứng vị trí thứ 16 trong tốp 20 trường tốt nhất thế giới do THE bình chọn vào năm 2021.

Cùng thời gian, Hồng Kông đã tăng số đại diện từ 3 lên 5 trường, Hàn Quốc tăng từ 4 lên 7.

Singapore, quê hương của một trong những trường đại học phát triển nhanh nhất thế giới, gây ấn tượng khi có Trường Đại học Công nghệ Nanyang xuất hiện trong tốp 50 trường tốt nhất thế giới do THE bình chọn.

Ngoài ra, dữ liệu của THE công bố vào tháng 6/2021 cũng cho thấy các trường đại học trẻ, năng động và thú vị nhất thế giới đang tập trung nhiều ở Đông Á. Sang năm 2022, những trường này sẽ thu hút đông đảo du học sinh châu Á và quốc tế đến học với mong muốn được trải nghiệm nền giáo dục sáng tạo, tân tiến.

Theo THE, các trường đại học trẻ, chỉ các tổ chức giáo dục dưới 50 năm tuổi, đang là ngôi sao sáng trên “sân khấu” giáo dục thế giới và cạnh tranh với các trường đại học lâu đời, uy tín hàng nhiều thế kỷ. Dẫn đầu danh sách này là Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, được thành lập vào năm 1991. Trong tốp 10 có ba đại diện khác gồm Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan, thành lập 14 năm và hai trường khác ở Hồng Kông.

Còn báo cáo của tổ chức giáo dục Top Universities dự đoán rằng sinh viên châu Á sẽ theo đuổi giáo dục đại học tại các trường châu Á trong những năm tới, kéo theo đó là sự thay đổi làn sóng du học sinh từ Đông sang Tây. Hiện nay, 5 điểm đến du học hàng đầu đối với sinh viên châu Á là Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản và Australia. Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc lọt vào tốp 10.

Tăng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học

Trong nhiều thập kỷ, du học phương Tây gần như là mục tiêu hàng đầu của nhiều sinh viên Trung Quốc và châu Á có tham vọng và tài năng. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người ở lại các quốc gia phương Tây. Không chỉ mang lại nguồn lực kinh tế, họ còn hỗ trợ hệ sinh thái nghiên cứu của các tổ chức phương Tây.

Điều này đã thay đổi trước đại dịch, đặc biệt khi Trung Quốc tìm cách thu hút các nhân tài từ cộng đồng quốc tế và là du học sinh Trung Quốc tại nước ngoài đến nước này. Mô hình chuyển đổi đã được thúc đẩy bởi Covid-19.

Khi các trường đại học phương Tây vật lộn với khó khăn ngân sách do học phí bị giảm, tài chính tổng thể giảm thì việc đầu tư vào nghiên cứu đại học ở Đông Á vẫn tiếp tục phát triển. Ví dụ, ở Trung Quốc đại lục, sau nhiều thập kỷ đầu tư cho các trường đại học, ngân sách giáo dục đại học đã tăng thêm 12% từ năm 2019 đến năm 2020.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu huy động nguồn vốn khổng lồ, 10 nghìn tỷ yên vốn cho một trường đại học, quỹ nghiên cứu vào năm 2022. Tại Malaysia, 20% toàn bộ ngân sách quốc gia vào năm 2021, tương đương 64,8 tỷ MYR, sẽ được dành cho giáo dục.

Mới đây, Indonesia đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học quốc gia. Trong tương lai, bức tranh giáo dục đại học tại Indonesia được đánh giá là tương đối lạc quan, có thể đứng vào hàng ngũ của các nước láng giềng như Singapore, Malaysia.

Ông Xin Xu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế, Trường Đại học Oxford, chỉ ra rằng, Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ về số lượng các ấn phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về kỹ thuật. Chất lượng nghiên cứu của các trường đại học xứ tỷ dân cũng đang tăng lên nhanh chóng.

Dữ liệu gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng sang năm 2022 và thời gian tới, lĩnh vực khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, sẽ là lĩnh vực học thuật được thanh thiếu niên đặc biệt quan tâm. So với phương Tây, các trường đại học phương Đông đã nhanh chóng đón đầu xu hướng này.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các trường đại học châu Á vào tháng 6/2021, ông Rocky Tuan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Kông cho biết: Dòng chảy nhân tài đến phương Tây đang phải đối mặt với sự suy thóai rất nghiêm trọng.

Lý do phổ biến là những hạn chế về việc đi lại cũng như những tác động kéo dài của tâm lý bài ngoại và chống châu Á đang gia tăng ở phương Tây cùng những cơ hội dồi dào ở phương Đông. Điều này sẽ khiến nguồn nhân tài tập trung về phía Tây Thái Bình Dương.

Đối với sinh viên Malaysia, đại dịch Covid-19 đã trực tiếp thay đổi quyết định nộp đơn vào các trường đại học. Một nghiên cứu khảo sát điểm đến du học của tổ chức quốc tế Cambridge cho thấy sinh viên Malaysia hiện thích học đại học trong nước thay vì ra nước ngoài. Anh và Australia lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong khi mục tiêu du học Mỹ giảm dần.

Singapore cũng ghi nhận những đánh giá tương tự. Năm 2021, Chính phủ Singapore đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh để hỗ trợ học sinh có dự định du học nhưng chuyển hướng ở lại nước. Số lượng học sinh lớp 12 năm nay tại Singapore muốn tiếp tục học trong nước cũng tăng cao nên dự đoán năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục tăng chỉ tiêu.

Tiếng nói suy giảm

Thực tế, các nước phương Tây sở hữu nền kinh tế tri thức lâu đời hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Tây Âu vẫn chiếm ưu thế cả về vị trí xếp hạng lẫn số lượng đại diện. Nhưng kể từ năm 2016, khi Đông Á đang trỗi dậy, Anh đã đánh mất 5 cơ sở giáo dục trong tốp 200 thế giới còn Mỹ mất 3 trường đại học.

Theo các chuyên gia, du học sinh người châu Á ngày càng chuyển sự chú ý về khu vực bởi nhiều yếu tố. Trong đó phổ biến nhất là lĩnh vực giáo dục đại học ở châu Á đang bùng nổ với nhiều khóa học đổi mới, phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực của các nền kinh tế mới nổi như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, các điểm đến du học truyền thống đang mất dần sức hút trong mắt sinh viên châu Á. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, tại các quốc gia phương Tây, chủ nghĩa bài châu Á trở nên nghiêm trọng với nhiều vụ tấn công nhắm vào công dân người châu Á.

Điều này đe doạ tính mạng lẫn sự an toàn của người châu Á nói chung và du học sinh nói riêng nên nhiều gia đình người châu Á không muốn con cái du học phương Tây vào thời điểm này.

Riêng Anh, khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đã kéo theo các trường đại học phải rút khỏi những chương trình trao đổi, hợp tác giáo dục với EU như Erasmus, Erasmus+; từ đó, cản trở du học sinh học hỏi, giao lưu đa văn hóa. Trong khi đó, đây là một trong những mục tiêu du học hàng đầu.

Du học vẫn là mong muốn cháy bỏng của học sinh, phụ huynh tại Trung Quốc nhưng thay vì chọn Anh, Mỹ, họ có xu hướng lựa chọn những trường “an toàn” hơn.

Khái niệm “an toàn” này bao gồm quốc gia hạn chế tối đa bài xích người châu Á, khả năng kiểm soát dịch tốt, gần với Trung Quốc để dễ dàng di chuyển… Khi đó, Australia, Canada, Singapore… trở thành điểm đến được phụ huynh Trung Quốc quan tâm nhiều nhất.

Ngược lại, trên khắp nước Mỹ, các trường đại học đang rơi vào khủng hoảng, một phần do số lượng du học sinh trong những năm gần đây giảm. Năm 2021, tỷ lệ ghi danh vào các trường cao đẳng, đại học Mỹ giảm gần 500.000 người, mức giảm kỷ lục trong 50 năm qua. Ước tính số lượng sinh viên quốc tế đến Mỹ năm vừa qua đã giảm 15%.

Thực tế, phương Đông vẫn chưa thể “soán ngôi” phương Tây trong lĩnh vực giáo dục đại học. Bởi lẽ, vì dịch Covid-19, các nước phương Đông áp dụng lệnh cấm biên giới tương đối khắt khe.

Đơn cử, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn cấm du học sinh trở lại nước này học tập, Australia chỉ đón nhận số lượng sinh viên quốc tế nhất định. Hơn nữa, chất lượng giáo dục tại phương Đông đang dần nâng tầm chứ chưa thể xoay chuyển các bảng xếp hạng thế giới.

Tuy nhiên, làn sóng chuyển hướng du học là có thật. Các cơ sở giáo dục phương Tây đang ráo riết đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính sách và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học để bắt nhịp với làn sóng mới mẻ mà phương Đông mang lại.

“Sự trỗi dậy của giáo dục phương Đông thách thức sự thống trị từ trước đến nay của phương Tây nhưng không thể thay thế được vị trí đặc biệt mà phương Tây đã gây dựng hàng thế kỷ qua.

Thay vào đó, vấn đề chuyển dịch du học mang lại cơ hội để thế giới cùng nhau phát triển, hợp tác nhằm mang lại nền giáo dục cởi mở, đa dạng hơn”, chuyên gia Xin Xu bày tỏ.

 

GDTD

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn