Ülo Vooglaid là nhà xã hội học lão thành, nhà tâm lý học xã hội, nhà ngoại giao, đồng thời là chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Estonia.
Ông thành lập 3 trường thực nghiệm đổi mới và là tác giả của các phương pháp đột phá trong quản lý, xã hội học, triết học và giáo dục. Sau đây là 9 luận điểm của lo Vooglaid về giáo dục đã trở thành “khuôn mẫu” để các bậc cha mẹ áp dụng với con cái.
1. Giáo dục trẻ em hay người lớn?
Tương lai được quyết định bởi giáo viên, người trước hết phải là một nhà giáo dục người lớn và sau đó mới là nhà giáo dục trẻ em. Nhà giáo dục trẻ em (pedagog) làm việc với trẻ em. Nhà giáo dục người lớn (andragog) là chuyên gia trong công tác GD-ĐT và tổ chức, thực sự biết làm việc với người lớn. Anh ta phải tương tác chặt chẽ với cả gia đình, trong đó có các bậc phụ huynh, thiết lập một kiểu quan hệ đối tác đặc biệt với họ.
Giáo viên quyết định 90% hệ thống giáo dục. Thiếu các trường đại học sư phạm có chất lượng sẽ không đào tạo được giáo viên. Vào những năm 1920, mặc dù đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Estonia vẫn quyết định thành lập 6 trường đại học đào tạo giáo viên. Nhờ vậy mà hiện nay, Estonia có một hệ thống giáo dục hiện đại và chất lượng cao.
2. Nuôi dưỡng niềm khát khao nhận thức
Minh triết dân gian Ấn Độ dạy: “Dắt một con ngựa đến chỗ uống nước mới là một nửa công việc. Để một con ngựa uống nước, trước hết nó phải khát”. Cũng như vậy, cần phải nuôi dưỡng hứng thú, ý chí và niềm khát khao nhận thức ở trẻ em. Chỉ riêng sự quan tâm sẽ không mang lại kết quả. Khát khao học tập được hình thành bởi ba yếu tố: Hứng thú, ý chí và niềm tin vào bản thân và những người khác.
3. Nền móng phát triển của đứa trẻ
Để thay đổi hệ thống giáo dục, xã hội cần nhận thức rằng nền móng phát triển và kết quả học tập của một đứa trẻ không phải được đặt ở nhà trường, mà là ở gia đình. Trước 3 tuổi gọi là thời kỳ “làm tổ” của một đứa trẻ. Nó học nói và nhận thức về các khái niệm “tôi”, “chúng ta” và “họ”. Nếu ở giai đoạn này, bố mẹ thiếu sót điều gì đó thì giáo viên sẽ không thể sửa chữa được. Ở độ tuổi 6 – 7, khi đứa trẻ đến trường, tất cả nền móng đã được đặt sẵn. Chỉ có thể uốn nắn sai lầm mà thôi.
4. Điểm số hoàn toàn không cần thiết
Ở Estonia, điểm chỉ được chấm cho học sinh các lớp trên. Nhưng tôi cho rằng, điểm hoàn toàn không cần thiết, cả ở trường phổ thông lẫn đại học. Nó là nguồn gốc của chủ nghĩa hình thức, sự cạnh tranh và kiêu ngạo. Những học sinh xuất sắc thường nhìn người khác một cách trịch thượng. Điểm làm hại cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Học sinh nhận được điểm cao nhờ có kiến thức. Tuy nhiên, kiến thức tự nó chưa phải là một giá trị. Cần có mối liên hệ giữa chất lượng kiến thức, sự hiểu biết và khả năng áp dụng vào thực tế.
Hơn nữa, một đứa trẻ không đáng bị điểm thấp chỉ vì trí nhớ kém mà nó thừa hưởng từ bố mẹ. Tại sao lại phạt nó bằng điểm số?
5. Thành tố nào của quá trình dạy học quan trọng nhất?
Tam đoạn thức của giá trị là kiến thức – sự hiểu biết – kinh nghiệm. Ba thứ đó không thể tách rời nhau. Quan trọng nhất là kinh nghiệm. Và đứa trẻ phải biết kinh nghiệm được dùng như thế nào. Kinh nghiệm tiêu cực cũng cần thiết. Ví dụ, nếu đứa con 3 tuổi của bạn bị bỏng khi đánh diêm, tự nó sẽ hiểu rằng điều đó nguy hiểm và sẽ không lặp lại kinh nghiệm “đáng buồn” của mình nữa.
6. Khơi dậy niềm khát khao sáng tạo
Hãy cho phép con bạn tự do sáng tạo ngay từ khi còn nhỏ. Nếu đứa trẻ chỉ nghe những điều cấm kỵ và mệnh lệnh, nó chỉ quen làm theo mệnh lệnh và không khao khát sáng tạo.
Làm thế nào khơi dậy niềm khát khao sáng tạo? Khen ngợi thôi chưa đủ, cần phải ngạc nhiên, vui mừng, khâm phục khả năng sáng tạo của đứa trẻ. Bất kỳ sự sáng tạo nào cũng được hình thành trong sự tương tác với những người khác. Vì vậy, hãy tham gia sáng tạo với con bạn và cùng nhau tạo ra một tác phẩm nào đó.
7. Kiên nhẫn trong giai đoạn “khủng hoảng của đứa trẻ”
Các bậc bố mẹ phản ứng thế nào khi đứa trẻ bỗng nhiên nói: “Không, con không muốn!”, “Con không làm!”. Thông thường, họ khó chịu, không hiểu và bắt đầu chứng minh với đứa trẻ ai là người chủ trong nhà. Thực ra, đây là giai đoạn khủng hoảng thông thường, bắt đầu từ 2 – 3 tuổi và có thể lặp lại đến 6 tuổi. Đứa trẻ bắt đầu thời kỳ hình thành nhân cách, ý thức về bản thân như một cái “tôi” độc lập với bố và mẹ.
Bố mẹ cần yêu thương, kiên nhẫn và hiểu rằng có thể sử dụng sự hài hước để giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu đứa trẻ không chịu ngủ trên giường của mình, bạn có thể bảo con nằm trên tấm thảm dưới cửa ra vào. Nếu trẻ tiếp tục nói “Không!”, bạn có thể trả lời “Vậy thì con hãy lên giường của con, nếu không muốn ngủ trên tấm thảm”.
Còn ở tuổi vị thành niên, điều quan trọng là phải ứng xử với con bạn một cách nghiêm túc. Điều này cần thiết để hình thành nhận thức đúng đắn về tuổi trưởng thành của con bạn. Có thể nói: “Con đã là người lớn, bố có thể đưa con đi câu cá. Con đã là người lớn, bố có thể nhờ con giúp đỡ”.
8. Kinh nghiệm riêng của đứa trẻ rất quan trọng
Trẻ em cần được trao cơ hội tự quyết định. Học sinh phải học cách tổ chức các sự kiện khác nhau, đi dã ngoại, chọn trại hè… Tất cả điều này các em tự làm. Càng lớn tuổi, nhiệm vụ càng phức tạp hơn.
Ví dụ, bố mẹ không đưa trẻ lên núi hay vào rừng, mà các em có thể tự tụ tập trong công viên, xem những con sóc chạy nhảy ở đó hoặc nghĩ ra các hoạt động thú vị khác. Khi trẻ tự quyết định, các em sẽ phải chịu trách nhiệm. Ai chuẩn bị thức ăn, ai lo nước uống, ai mang áo mưa? Các em tự phân công và quyết định. Không độc lập tiếp thu kinh nghiệm, sẽ không có giáo dục.
Ülo Vooglaid – Chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Estonia
9. Làm thế nào để thành người có học vấn?
Học vấn là nhân tố của tiến bộ và chức năng của văn hóa. Một lần, tôi nhìn thấy một bức tranh trên tạp chí, vẽ về một thanh niên đang hỏi bạn:
– Làm thế nào để trở thành người có học vấn?
– Tốt nghiệp 3 trường đại học.
– Tuyệt vời, tớ sắp tốt nghiệp trường đại học thứ hai, chẳng bao lâu nữa tớ sẽ trở thành người có học vấn.
– Không, trường thứ nhất của ông nội cậu, trường thứ hai của bố cậu, còn trường thứ ba là của cậu.
Qua câu chuyện này cho thấy, một yếu tố quan trọng của học vấn là đời sống tinh thần, thiếu nó không thể trở thành người có học vấn. Nhiều người không tin điều này, tôi chỉ có thể lấy làm tiếc cho họ. Học vấn là một công cụ để đạt được mục đích. Bạn không thể mua, bán, cho hoặc nhận học vấn. Quá trình này cần có thời gian.
Nếu bạn muốn ngay lập tức đạt được tất cả, bạn sẽ chẳng đi đến đâu. Hiện nay, giới trẻ quá ham mê Internet. Cần có ý chí để chống lại những cám dỗ. Nếu không có ý chí, bạn không thể trở thành người có học vấn.
Theo zn.ua