“Những người hạnh phúc nhất thường dành nhiều thời gian trong một trạng thái dòng chảy, trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng […] Cơ thể hay tâm trí của một người được kéo căng đến giới hạn của nó, trong một nỗ lực tự nguyện, nhằm hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn và đáng giá”.
– Mihaly Csikszentmihalyi – Trích trong cuốn sách Flow (Dòng Chảy)
Vậy Flow state là gì? Trạng thái này có tác động đặc biệt đến con người và hiệu suất làm việc như thế nào? Để có một cái nhìn tổng quát hơn về Flow state và cách đạt được chúng, hãy theo dõi chi tiết bài viết sau đây.
1. Trạng thái dòng chảy là gì? Đặc điểm của trạn thái dòng chảy
1.1. Trạng thái dòng chảy là gì?
Trạng thái dòng chảy (Flow state) được định nghĩa một trạng thái tâm trí mà người trải nghiệm hoàn toàn tập trung duy nhất vào một hoạt động, quên mất cảm giác về không gian – thời gian và không còn nhận thức đến những xao nhãng bên ngoài.
Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi – cha đẻ của khái niệm này – đã nhận định trạng thái Flow state giúp con người tăng trưởng và mãn nguyện trong tâm trí khi họ sử dụng tối đa khả năng của mình trong một hoạt động.
1.2. Ví dụ về Trạng thái dòng chảy
Bất kỳ hoạt động nào có khả năng thu hút toàn bộ sự chú ý của bạn nhưng không gây choáng ngợp đều có thể dẫn dắt bạn bước vào Flow state (trạng thái dòng chảy). Mỗi một trạng thái của từng người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào điều đó khiến bản thân bạn thấy thú vị, say mê hoặc thử thách.
Đã bao giờ bạn trực tiếp tham gia một buổi phẫu thuật cơ thể người chưa? Hoặc ít nhất từng đọc, nghe và biết về những bác sĩ trong những ca đó? Trong lúc thực hiện công việc chuyên môn kéo dài từ vài tiếng đến vài chục tiếng, bác sĩ sẽ thường rơi vào trạng thái dòng chảy này.
Họ tập trung tuyệt đối trong cả cơ thể và tâm trí, đồng thời quên hết mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Điều duy nhất khiến họ quan tâm là mạng sống của bệnh nhân trên bàn mổ. Chính sự căng thẳng này đã kích thích người thực hiện rơi vào Flow state thành công.
Hay một ví dụ về trạng thái dòng chảy trong quá trình sáng tác tác phẩm văn học. Trong lúc tạo ra câu chuyện của mình, tác giả chỉ quan tâm đến việc viết. Họ không có nhận thức về thời gian đang trôi, sự vật thay đổi mà hoàn toàn hòa nhập với quá trình sáng tác, bởi việc viết đang khiến họ cảm thấy hứng khởi và mãn nguyện.
Không chỉ đối với các nghề nghiệp đặc thù, bạn hoàn toàn cũng có thể đạt được trạng thái dòng chảy trong công việc và học tập: miệt mài xử lý chồng hoá đơn giấy tờ, hăng say tư vấn dịch vụ cho khách hàng qua điện thoại, đọc báo cáo dữ liệu và ghi chép phân tích suốt 3 tiếng đồng hồ, học liên tục mà không để ý đến xung quanh… hoặc bất cứ công việc nào khác kích thích tâm trí bạn.
1.3. Đặc điểm của Trạng thái dòng chảy
Tạo ra sự tập trung tuyệt đối
Điều mà phần lớn mọi người muốn trải nghiệm ở Flow state chính là trạng thái hoàn toàn tập trung vào hoạt động hiện tại mà họ đang thực hiện. Tất cả sự chú ý và năng lượng đều được điều hướng để xoay quanh một mục tiêu duy nhất của nhiệm vụ đó.
Mục đích luôn hiện diện trong tâm trí và có thể phản hồi tức thì
Khi tâm trí càng nhiều những thông tin xen lẫn với nhau, chúng ta sẽ không thể tự xác định và cân nhắc được các mức độ ưu tiêu để xử lý thông tin. Nhưng khi tâm trí tự xác định được chính xác mục đích của từng đầu việc cụ thể, não bộ sẽ tự động đặt mục đích đó vào trạng thái chờ để có thể xử lý công việc đó ngay tức thì, nhờ vậy mục đích đó sẽ nhận được kết quả tối đa nhất.
Đơn giản, không tốn nhiều công sức
Trong trạng thái bình thường, mỗi khi cần xử lý một công việc nào đó chúng ta thường phải tốn nhiều năng lượng để bắt đầu xử lý. Nhưng khi đã đạt được trạng thái dòng chảy, những mục đích, đầu việc, công việc sẽ sớm được xử lý hơn, ít tốn công sức hơn, và dễ dàng đạt được kết quả hơn rất nhiều.
Thay đổi nhận thức về thời gian
Thông thường, con người sẽ không có cảm giác rõ ràng về thời gian khi rơi vào Flow state. Đúng hơn là thời gian sẽ liên tục trôi qua mà bạn không hề nhận thức được. Bạn hoàn toàn có thể ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ trong trạng thái dòng chảy chỉ để hoàn thành một nhiệm vụ công việc lặp đi lặp lại. Đơn giản vì bạn đã ở trong Flow state.
Sự tương đồng giữa khả năng và độ khả thi của nhiệm vụ
Trạng thái dòng chảy chỉ xảy ra khi khả năng của bạn tương ứng với độ khó của hoạt động đó. Nếu như công việc quá dễ dàng hoặc quá khó khăn so với kỹ năng mà bạn có, thì sự tập trung và hứng khởi sẽ không được duy trì.
Tăng cảm giác thỏa mãn và hứng khởi
Chính cảm giác tạo ra thành tựu và tiến bộ liên tục trong việc vượt qua thách thức sẽ khiến chúng ta đạt được trạng thái mãn nguyện. Tương tự như đang trong một trận đấu thể thao, khi bạn đã thắng hiệp một thì cảm giác tích cực sẽ liên tục được bơm chảy, và tâm trí và bạn sẽ dần bỏ qua hết những lo lắng hay căng thẳng khác trong cuộc sống hàng ngày.
Cảm giác kiểm soát hoàn toàn nhiệm vụ
Trong trạng thái Flow state, người tham gia hoạt động sẽ tự cảm nhận được họ đang đạt được mức kiểm soát với phần nhiệm vụ đó ở mức cao nhất. Nhờ vậy, quá trình làm việc của họ sẽ được định hình và điều chỉnh liên tục mà không bị gián đoạn bởi những thứ gây xao nhãng khác. Cảm giác này tạo ra một trạng tự tin để người tham gia hoạt động đối phó với các thách thức có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
2. Lợi ích của trạng thái dòng chảy trong công việc và học tập
2.1. Nâng cao hiệu suất làm việc
Một nghiên cứu kéo dài 10 năm của McKinsey đã chỉ ra rằng, các CEO hàng đầu làm việc hiệu quả hơn tới 500% khi đang ở trong trạng thái dòng chảy.
Đúng vậy, trạng thái dòng chảy giúp con người tăng cường hiệu suất làm việc cao hơn so với thông thường – với mức độ tuỳ vào sự khác nhau như độ khó của công việc, sở thích, kỹ năng cá nhân và môi trường làm việc.
2.2. Tăng trải nghiệm công việc
Những trải nghiệm tích cực và cảm giác thỏa mãn trong công việc là một trong các lợi ích mà Flow state mang lại cho con người. Khi đạt tới trạng thái này, bạn gần như đang ở trên “đỉnh” hạnh phúc cả về cơ thể và tâm trí. Dòng chảy hứng thú và đam mê với công việc cứ thế dâng trào. Bạn càng làm thì càng nhận thấy rằng hoạt động của mình có ý nghĩa và xứng đáng để đầu tư công sức và thời gian.
2.3. Cải thiện chất lượng công việc
Khi sự tập trung tăng cao kết hợp với trải nghiệm công việc tuyệt vời, Flow state dễ dàng giúp bạn cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra. Khả năng sáng tạo, kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân của bạn liên tục được kích thích và vận dụng hiệu quả.
Các đề bài khó chưa có kết quả hay các vấn đề khúc mắc trong công việc sẽ không còn là vấn đề với bạn. Thay vào đó, bạn sẽ xem chúng giống thử thách cần vượt qua để đạt được cảm giác thỏa mãn trong Flow state.
2.4. Cải thiện sức khỏe tâm lý và tinh thần
Về mặt khoa học, khi con người đạt trạng thái dòng chảy, các khu vực trong bán cầu liên quan đến ý thức và nhận thức về xung quanh bị “tắt đi”. Thay vào đó, các vùng liên quan đến tập trung cao độ và tương tác hoạt động sẽ diễn ra mạnh mẽ. Các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, dopamine, serotonin, anandamide và endorphins được giải phóng, tạo cho chúng ta cảm giác hưng phấn và chỉ muốn chìm đắm vào công việc hiện tại.
Trong quá trình này, chúng ta trở nên ít bị xao nhãng bởi những cảm xúc tiêu cực hoặc lo lắng, mà thay vào đó là được lấp đầy bởi tinh thần tích cực và tập trung tuyệt đối vào công việc hiện tại hơn.
3. Bí quyết để đạt được Flow state khi làm việc
Flow state thoạt nghe dễ thực hiện, nhưng thực chất sẽ yêu cầu bạn lập ra một kế hoạch cụ thể và nghiêm túc thực hiện như những gì đã đề ra.
Chúng ta sẽ thường mất khoảng 10 đến 15 phút tập trung sự chú ý để đạt được trạng thái dòng chảy; và khi đã rơi vào trạng thái này, nó có thể kéo dài từ 30 phút đến vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, việc đạt được Flow state nhiều lần trong một ngày là hoàn toàn khả thi, khi bạn đặt bản thân vào các điều kiện thích hợp.
Dưới đây là 5 bí quyết bạn có thể tham khảo để đạt được trạng thái dòng chảy trong công việc:
3.1. Thiết lập mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu rõ ràng trong công việc sẽ là động lực giúp bạn tập trung và có những hành động cụ thể để thực hiện trong công việc. Bạn sẽ chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ cần làm mà không cảm thấy bị xao nhãng. Ví dụ, bạn xác định mục tiêu làm việc của ngày hôm nay sẽ là hoàn thành kế hoạch marketing tổng thể quý IV.
3.2. Xác định nhiệm vụ cần tập trung giải quyết
Đặt ra những mục tiêu cụ thể trong ngày sẽ giúp chúng ta tập trung tránh được xao nhãng. Từ mục tiêu công việc, bạn nên thiết lập danh sách các nhiệm vụ cần làm, đặt mức độ ưu tiên xử lý cho chúng và định lượng một khoảng thời gian phù hợp để giải quyết. Dựa trên kế hoạch này, quá trình thực hiện của bạn sẽ được thuận lợi, trôi chảy.
Lấy ví dụ, để hoàn thành kế hoạch marketing tổng thể, bạn có thể bắt tay vào ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ Nghiên cứu thị trường và đối thủ, Phân tích SWOT sản phẩm của công ty, Đặt mục tiêu marketing và phân bổ xuống các bộ phận (Content, Digital, Event,…)
3.3. Thiết lập điều kiện làm việc thuận lợi
Để dễ dàng đạt được Flow state, hãy đảm bảo rằng bạn đang ở trong một điều kiện làm việc thuận lợi với mọi thứ luôn sẵn sàng: không gian làm việc thoải mái, khoảng thời gian hợp lý để hoàn thành công việc, các công cụ làm việc đầy đủ,… Và quan trọng nhất, đừng quên đảm bảo cơ thể và tinh thần của bạn đã được nghỉ ngơi và có đủ năng lượng để làm việc.
3.4. Loại bỏ mọi xao nhãng trong quá trình làm việc
Xao nhãng chính là yếu tố hàng đầu khiến bạn khó rơi vào trạng thái Flow state. Để cải thiện chúng, hãy tắt hết các thông báo không cần thiết, đặt điện thoại, máy tính vào chế độ im lặng và hạn chế tối đa các yếu tố gây phân tâm như tiếng ồn, công việc xuất hiện đột ngột hay các cuộc nói chuyện phiếm. Một không gian tĩnh lặng và tối giản sẽ là lựa chọn hàng đầu để bạn tận hưởng trạng thái dòng chảy.
3.5. Tận hưởng thành quả
Đây chính là phần thưởng cho bạn, người đã thực hiện thành công Flow state. Hãy tận hưởng cảm giác hoàn thành công việc và niềm hạnh phúc khi chinh phục được nhiệm vụ khó nhằn của mình. Tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng chúng giúp bạn tăng động lực và tạo ra cảm giác tích cực trong các công việc kế tiếp đấy.
4. Một số mẹo giúp luyện tập và duy trì trạng thái dòng chảy hàng ngày
Khi đã nắm được bí quyết giúp đạt được trạng thái Flow state, bạn nên duy trì chúng đều đặn để tạo thành thói quen hàng ngày.
Bởi lẽ Flow state có thể đạt được trong bất kì hoạt động cá nhân nào, nên bạn có thể tập luyện từ những điều tự nhiên nhất trong đời sống, như:
- Làm công việc mình ưa thích: Chỉ những công việc mà bản thân bạn yêu thích và đam mê mới khiến bạn cảm thấy hứng thú và có nhiều động lực hơn để thực hiện.
- Đặt ra thách thức cho bản thân với mức độ vừa phải: Không nên chọn một công việc có độ khó mức 9 nếu như khả năng xử lý của bạn mới chỉ ở mức 5. Bạn chỉ nên thực hiện các nhiệm vụ vừa sức với mình, để kích thích cảm giác hào hứng và chìm vào trạng thái Flow state hơn.
- Thiền: Thiền là một phương pháp đơn giản và dễ thực hiện để bạn rèn luyện sự tập trung và tạo sự tĩnh lặng cho tâm trí. Khi tâm bạn đủ lặng, việc rơi vào trạng thái không màng thời gian và không gian – để đi sâu vào trạng thái dòng chảy – sẽ diễn ra dễ hơn.
- Nâng cao sức khoẻ cơ thể: Để duy trì Flow state, bạn cần có một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và tránh xa các chất kích thích có hại sẽ là nền tảng tuyệt vời giúp bạn luôn tràn ngập năng lượng và sẵn sàng tập trung khi cần thiết.
- Duy trì đều đặn hàng ngày: Nếu chỉ thực hiện một cách ngẫu nhiên, bạn sẽ khó lòng đạt tới trạng thái dòng chảy tốt nhất. Hãy biến Flow state thành một hoạt động đều đặn như thói quen hằng ngày, có thể chỉ từ 5 đến 10 phút.
Trong thời đại đòi hỏi phải làm việc đa nhiệm (multitasking) như hiện nay, khám phá ra trạng thái dòng chảy của bản thân và biến nó thành một phần của cuộc sống là điều cần thiết. Đó là khi bạn đã hòa mình vào nhịp độ của hành động và buông bỏ đi những xao nhãng, phiền muộn. Sự hào hứng và năng lực được khơi dậy mạnh mẽ, và rất có thể bạn sẽ khai phá ra nhiều tiềm năng của chính mình. Bạn sẽ đạt được năng suất làm việc tốt hơn, và tâm trí của bạn cũng trở nên tích cực.
Chúc bạn sớm thực hiện được trạng thái dòng chảy!
Đọc thêm các bài viết
ACTIVE RECALL & SPACED REPETITION – PHƯƠNG PHÁP GIÚP SĨ TỬ GHI NHỚ TỐI ĐA THÔNG TIN TRƯỚC KỲ THI THPTQG
“BẢNG XẾP HẠNG” 5 CÁCH HỌC GIỎI TIẾNG ANH TẠI NHÀ HIỆU QUẢ