“Em có câu hỏi gì cho Anh/Chị không?”- một câu hỏi luôn xuất hiện vào cuối buổi phỏng vấn. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng ít ai biết rằng qua câu hỏi nhà tuyển dụng này sẽ giúp cho bạn được nhìn nhận rõ hơn, góp phần vào quyết định tuyển dụng của họ.
Do đó, việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn sẵn sàng khi nhận câu hỏi và tạo nên sự khác biệt với những ứng viên còn lại. SunUni Academy sẽ đưa ra 2 câu hỏi sai lầm các bạn nên tránh và gợi ý 5 câu hỏi “chất lượng” bạn có thể dùng để ghi thêm điểm cho mình trong buổi phỏng vấn.
Ý nghĩa câu hỏi “Em có câu hỏi gì cho Anh/Chị không?”
Khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi “Em có câu hỏi gì cho Anh/Chị không?” đồng nghĩa với việc họ cho bạn cơ hội để tìm hiểu về phía công ty ví dụ như văn hóa, luật lệ,…
Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng có thể phần nào đánh giá được sự quan tâm của bạn đến công việc. 2 câu hỏi sai lầm để hỏi nhà tuyển dụng.
Lưu ý:
- Nếu bạn không có câu hỏi nào, không phải là điểm trừ.
- Bạn cố gắng hỏi, thậm chí là những câu mà bản thân không hiểu, chỉ là để tỏ ra là mình “ngầu” và thử thách nhà tuyển dụng, đó mới là điểm trừ.
1. Hỏi về chỗ ăn cơm, nghỉ trưa và để xe
Câu hỏi này không sai, nhưng ở trong một buổi phỏng vấn, có lẽ những vấn đề “vụn vặt” như thế này không nên được đặt ra.
Do đó khi bạn đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ không có sự đánh giá cao hay thấp gì về bạn cả. Họ chỉ nhìn thấy bạn chưa có sự ưu tiên với những vấn đề quan trọng trong công việc.
Tips: Một câu hỏi tốt là câu hỏi được đặt ra đúng vấn đề và được hỏi đúng thời điểm.
2. Hỏi sâu vào chi tiết công việc (công việc cụ thể, khối lượng, công việc phát sinh, làm thêm giờ,…)
Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá được tư duy của bạn chỉ đang hướng vào việc mình đang phải làm gì và tốn bao nhiêu công sức của bạn .
Lúc này, sẽ thể khiến cho nhà tuyển dụng băn khoăn vì họ mong đợi ở một nhân viên phải đặt kết quả công việc lên hàng đầu.
Tips: Khi đặt câu hỏi, hãy chú trọng nhiều hơn đến những giá trị của công ty.
5 câu hỏi nhà tuyển dụng dùng ở cuối buổi phỏng vấn
1. “Cần có những tố chất gì để có thể trở thành một nhân viên xuất sắc tại vị trí X của công ty mình ạ?”
Mục tiêu của câu hỏi này là bạn có thể dùng nó để so sánh với bản thân mình, thấy được những điều mình đã có và chưa có để hoàn thiện trở thành nhân viên làm tốt nhất ở vị trí mình đang ứng tuyển.
Bên cạnh đó, bạn chứng minh được với nhà tuyển dụng rằng bản thân là người có ý chí vươn lên, mong muốn trở thành phiên bản tốt hơn với câu trả lời rất thông minh này.
Đây cũng là một câu hỏi giúp nhà tuyển dụng có được niềm tin rằng công ty có thể có thêm một người giỏi tiếp theo trong tương lai.
2. “Anh/Chị có góp ý gì về kỹ năng để em có thể cải thiện thêm không ạ?”
Khi tuyển dụng một nhân viên, phía công ty luôn muốn tìm một người có khả năng học hỏi, lắng nghe và sẵn sàng thay đổi. Bởi vì khi vào giai đoạn đầu, chắc chắn công ty cần phải training lại cho bạn những điều cần biết để có thể hòa hợp với văn hóa công ty.
Do đó, khi đưa ra câu hỏi này bạn cũng đã ngầm chứng minh được bản thân mình là người có được những tiêu chí đó. Đây cũng sẽ là một điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng.
3. “Có điều gì mà Anh/Chị không chắc chắn về những thứ nãy giờ em chia sẻ không ạ?”
Nếu sau buổi phỏng vấn, bạn thuộc trường hợp “May be”, nghĩa là nhà tuyển dụng còn có những điểm chưa chắc chắn lắm, cần xem xét, suy nghĩ thêm để có thể đưa ra quyết định có tuyển dụng bạn hay không.
Thay vì họ sẽ bàn luận và suy nghĩ về bạn sau buổi phỏng vấn, hãy đưa ra câu hỏi này, bạn có thể làm rõ tất cả những điều mà nhà tuyển dụng còn băn khoăn một cách trực tiếp.
Bạn sẽ có cơ hội để chia sẻ thêm hoặc đưa ra hứa hẹn về những điều nhà tuyển dụng mong muốn ở bạn. Ví dụ, ràn luyện nhiều hơn về kỹ năng giao tiếp, cách truyền đạt… để có thể hòa nhập được với công ty.
4. “Văn hóa của công ty mình là gì ạ?”
Văn hóa công ty là một điều mà khi vào làm việc, bất cứ nhân viên nào cũng đều muốn hiểu để bản thân có thể biết rằng mình có phù hợp để hòa nhập với tập thể không?
Khi đặt ra câu hỏi này, bạn chứng minh được sự sẵn sàng và nghiêm túc của mình với công ty, cũng như sự chủ động khai thác thông tin của mình.
5. “Có những bằng cấp hay kỹ năng nào anh/chị thấy em còn thiếu ở vị trí này không ạ?”
Câu hỏi này thể hiện bạn rất được quan tâm đến công việc, bạn sẽ sẵn sàng thay đổi và tìm kiếm thêm những điều còn thiếu để giúp mình có thể có được vị trí làm việc này. Nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá bạn là người có sự chuẩn bị và nghiêm túc với công việc.
Pro Tips: Dù bạn dùng câu hỏi mẫu nào, bạn cũng phải chắc chắn rằng bản thân thực sự có tư duy tương tự, bởi vì chỉ như vậy bạn mới có thể thoải mái tiếp nhận những lời nhận xét của phía nhà tuyển dụng dành cho mình.
Lời kết
Khi bước đến những câu hỏi cuối cùng, đôi khi tâm lý của bạn sẽ không còn quá “nhiệt huyết” như ban đầu và bạn cảm thấy rằng những câu hỏi kết này không quá quan trọng.
Tuy nhiên, có một điều các bạn cần biết đó là trong suốt buổi phỏng vấn, bất cứ một câu hỏi nào nhà tuyển dụng đưa ra đều có mục đích cụ thể của họ.
Do đó, nếu đã chuẩn bị thì hãy làm “cho trót” và chọn lọc những câu trả lời phù hợp nhất với bản thân của bạn để có thể tự tin “trọn” buổi phỏng vấn.