Chỉ vài tuần nữa là đến ngày 5-9, thường là ngày rộn ràng của lễ khai giảng năm học mới. Năm nay dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành chưa thể xác định được ngày tựu trường. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT vẫn im ắng.

Nhiều phụ huynh, giáo viên đề xuất lùi thời gian khai giảng nhưng cũng có nhà trường sẵn sàng bắt đầu năm học mới với hình thức khai giảng và dạy học trực tuyến.

Thắc thỏm ngày tựu trường

“Con tôi về quê với ông bà trước khi dịch bùng phát. Hà Nội đang thực hiện giãn cách, người dân không được ra khỏi thành phố nên bố mẹ không thể về đón con ra được. Việc quyết định thời điểm học sinh bước vào năm học mới cần sớm hơn để phụ huynh chủ động lo liệu. 

Trường hợp học sinh phải học trực tuyến cũng cần có sự chuẩn bị” – chị Hằng Nga, có con học ở Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết.

Ngược lại, một phụ huynh khác ở Ninh Bình cho hay con chị đang bị “mắc kẹt” ở Hà Nội, trong khi Ninh Bình là một trong hơn 30 tỉnh thành tới nay vẫn giữ nguyên lịch tựu trường theo khung được Bộ GD-ĐT ban hành trong quyết định 2084, tức là tựu trường vào ngày 1-9 và khai giảng vào ngày 5-9.

Nhiều phụ huynh ở TP.HCM lo lắng khi thành phố đang phong tỏa vì dịch mà ngày tựu trường đang đến gần. 

“Tình hình dịch đang rất phức tạp, việc cho học sinh đến trường vào đầu tháng 9 là không khả thi. Tôi đề nghị nếu học sinh tiểu học không thể đến trường, Bộ và Sở GD-ĐT cần tính toán để có phương án phù hợp chứ không thể bắt học sinh lớp 1, 2 phải học trực tuyến, rất vất vả cho phụ huynh mà lại không hiệu quả” – bà Phạm Phương Lan, phụ huynh có con sắp bước vào lớp 2 ở quận 7, TP.HCM, chia sẻ. 

Bà Lan kể: “Năm học trước con tôi đã có khoảng thời gian ngắn học từ xa. Bé còn nhỏ nên tôi cứ phải ngồi kế bên mỗi khi con học. Mà học từ xa các bé hay lơ đễnh lắm. Học xong, cháu không nhớ được gì cả”.

Tương tự, bà Nguyễn Ánh Hồng, nhà ở phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được thì chưa bắt đầu năm học mới. Tôi phản đối việc cho học sinh lớp 1 học trực tuyến, nhất là giai đoạn đầu năm học. 

Các bé mới tốt nghiệp mầm non, chỉ quen với việc vui chơi chứ đâu đã quen với việc học của học sinh tiểu học. Vì vậy, học sinh lớp 1 phải được học trực tiếp để được thầy cô giáo rèn nề nếp học tập, cách cầm bút, cách viết chữ”.

Lùi ngày khai giảng được không?

Năm học 2021-2022 sẽ là năm đầu tiên các trường tiểu học, THCS trên cả nước thực hiện chương trình lớp 2, lớp 6 mới; là năm thứ hai các trường tiểu học thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đây chính là nguyên nhân khiến phụ huynh và cả giáo viên dè dặt khi nói về phương án học trực tuyến.

“Tôi cho rằng năm học mới vẫn có thể bắt đầu từ tháng 9 đối với các lớp 7, 8, 9, 11, 12 vì các em đã lớn, ý thức học tập cao. Riêng học sinh TP.HCM cũng đã quen với phương pháp học tập từ xa. 

Tuy nhiên, các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 mà bắt học trực tuyến ngay từ đầu năm thì rất dễ làm cho học sinh “hụt hơi” bởi các em chưa được làm quen với trường, với lớp, với thầy cô giáo, chưa được hướng dẫn phương pháp học tập hoàn toàn mới của cấp học. 

Ngay cả giáo viên cũng mong được đến trường trực tiếp trao đổi với đồng nghiệp, họp tổ chuyên môn và thống nhất kế hoạch bài dạy. Sau đó là trực tiếp giảng dạy, dự giờ của nhau để rút kinh nghiệm chứ nếu dạy – học trực tuyến thì sẽ rất khó” – một giáo viên môn hóa ở quận Phú Nhuận, TP.HCM – bộc bạch.

Ông Từ Quốc Tuấn – hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM – nêu ý kiến: “Tôi đề nghị lùi ngày khai giảng năm học mới đến tháng 10 hoặc tháng 11-2021. Việc lùi thời gian năm học cho bậc tiểu học không ảnh hưởng gì đến kế hoạch năm học. 

Bởi vì học sinh tiểu học không bị ràng buộc bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với các tỉnh thành khác như học sinh lớp 12. Nếu năm học bắt đầu trễ thì sẽ kết thúc trễ”.

Ông Tuấn thừa nhận việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1, lớp 2 là không hiệu quả và gặp rất nhiều khó khăn vì gần như giao phó cho phụ huynh. Nhưng trên thực tế không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng sư phạm và sự am hiểu về chương trình.

Lùi thì đến bao giờ?

Nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội lại có góc nhìn khác. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trừ những nơi ảnh hưởng quá nặng, khó khăn cả về nhân lực và điều kiện dạy học trực tuyến, còn những địa phương khác bao gồm cả Hà Nội không nên lùi thời gian năm học mới. Thay vào đó, có thể tính đến phương án khai giảng online, dạy học trực tuyến.

“Học sinh được đến trường vẫn là hiện thực tốt hơn cả nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn căng. Và cả khi dịch lùi thì cũng không chắc chắn trong năm học lại có những thời điểm gián đoạn, học sinh không đến trường. 

Nếu lùi thời gian năm học mới thì lùi đến bao giờ, khi không thể lường được tình hình dịch bệnh? Chuẩn bị tốt cả phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến là cách tốt nhất để chủ động trong việc thực hiện kế hoạch năm học ở bối cảnh dịch bệnh” – cô Nhiếp bày tỏ.

Cô Nhiếp cùng thừa nhận việc học sinh mới chưa có một buổi nào được đến trường mà phải học trực tuyến sẽ có những khó khăn. Trở ngại lớn nhất là phải giúp học sinh làm quen với thầy cô, với môi trường học mới, yêu cầu học tập trực tuyến

Nhưng nếu tính thời điểm học sinh tựu trường khoảng sau 20-8 thì nhà trường có thể dành 1-2 tuần cho việc tập huấn cho học sinh, rèn nề nếp, thậm chí tổ chức các hoạt động khác nhau cho học sinh bằng hình thức trực tuyến để các em có hứng khởi, giảm bớt những bỡ ngỡ của buổi đầu tiên.

Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho rằng “không nên lùi” vì sẽ bị thụ động, lệ thuộc vào tình hình dịch, kéo theo nhiều hệ lụy. 

Thầy Nhâm cũng cho rằng ngay đầu năm học mới triển khai dạy học trực tuyến ngay sẽ có những khó khăn vì học sinh mới chưa làm quen với giáo viên, nội quy, các yêu cầu về học trực tuyến của nhà trường. 

Để vào nề nếp cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, cho học sinh, cần họp phụ huynh để kêu gọi cha mẹ đồng hành cùng nhà trường trong việc hỗ trợ con hòa nhập với môi trường học mới bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, dù là cách thức nào thì vẫn phải chờ quyết định về thời gian năm học cụ thể. Về điều này, nhiều hiệu trưởng trường công lập ở Hà Nội cho biết rất mong có quyết định, hướng dẫn sớm để đỡ cập rập. 

Hiện tại một số trường tư ở Hà Nội như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS&THPT Lương Thế Vinh đã bắt đầu cho học sinh “tựu trường” bằng hình thức trực tuyến. Một số trường công lập tự chủ tại Hà Nội cũng đang dự kiến thời gian từ ngày 10 đến 15-8, học sinh trở lại học bằng hình thức trực tuyến.

tuoitre

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn