Là năm đầu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đối với ngành Y khoa, nhưng hiện số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này vào Trường ĐH Y Hà Nội đã cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu.
Năm 2021, bên cạnh phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Y Hà Nội còn dành một phần chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đối với ngành Y khoa tại cơ sở Hà Nội.
Cụ thể, trường sẽ tuyển 400 chỉ tiêu cho ngành Y khoa tại Hà Nội, trong đó chỉ tiêu ngành Y khoa kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ là 40 và ngành Y khoa không có chứng chỉ ngoại ngữ (bao gồm cả phương thức tuyển thẳng) là 360.
40 thí sinh giỏi ngoại ngữ (bao gồm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) trúng tuyển có thể có tổng điểm thi tổ hợp khối B thấp hơn những thí sinh trúng tuyển theo phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT tối đa 3 điểm.
Theo thống kê của nhà trường, tính đến hết ngày 20/8, trường đã nhận được 235 hồ sơ đăng ký sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển, trong đó, có 229 hồ sơ có chứng chỉ IELTS từ 6.5 – 8.0 (16 hồ sơ có điểm IELTS 8.0). Như vậy, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp IELTS vào Trường ĐH Y Hà Nội hiện cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu.
Lý giải về những điều chỉnh trong quy chế xét tuyển năm nay, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng ĐH Y Hà Nội, giờ đây, nhiều trường, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu, đã coi ngoại ngữ là một năng lực cần thiết và xem đó như một tiêu chí quan trọng trong việc tuyển sinh.
Do đó, sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh của nhà trường nhằm khích lệ người học tăng cường chuẩn bị năng lực ngoại ngữ khi còn học phổ thông, để ngoại ngữ sẽ là năng lực cần thiết đối với sinh viên có mong muốn học ngành y tại Trường ĐH Y Hà Nội trong tương lai.
“Giỏi ngoại ngữ, sinh viên có thể học tập tích cực như mong muốn; tự học, tự tìm tòi tham khảo các tài liệu, học liệu quốc tế; tham gia vào các diễn đàn y khoa để không ngừng trau dồi kiến thức và năng lực chuyên môn. Thiếu ngoại ngữ, sinh viên và các bác sỹ trẻ khó có thể phát triển nghề nghiệp như mong muốn và đạt được những yêu cầu của y học trong thế giới hội nhập”.
Theo lộ trình, từ mùa tuyển sinh tới, Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng dần cả về chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lẫn mở rộng các ngành có ưu tiên xét tuyển theo hình thức này.
Việc điều chỉnh ngay từ chính sách tuyển sinh đầu vào, theo ông Tú, sẽ góp phần làm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ của người học nói riêng trong bối cảnh mới.
Dự đoán về mức điểm chuẩn ngành Y khoa năm nay, GS Tú cho rằng, ngành Y khoa theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách các thí sinh thuộc diện đặc cách, từ căn cứ này, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ đặt ra một số chỉ tiêu và xây dựng phương án xét tuyển những thí sinh này bằng những bài test đánh giá năng lực, sao cho phù hợp với các điều kiện trúng tuyển, đảm bảo chất lượng không chênh lệch so với các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tất cả các mã ngành của Y khoa sẽ đều được xét tuyển công bằng với nhau trên cùng một hệ thống. Điểm trúng tuyển của các mã ngành này sẽ được công bố cùng một thời điểm.