Nhiều trường học chỉ mở vào ban đêm ở Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ 2. Mô hình này vẫn tồn tại đến ngày nay, quy mô các trường bị thu hẹp nhưng đối tượng theo học ngày một đa dạng.

Dành cho con nhà nghèo

Theo gia đình đến Nhật Bản để chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Afghanistan, em Batoor Iftikhar, 16 tuổi, luôn khát khao được đến trường. Tuy nhiên, mang quốc tịch Afghanistan lại không biết tiếng Nhật, Batoor không thể đăng ký vào trường trung học địa phương.

Hy vọng tưởng như đã vụt tắt một lần nữa được nhen lên khi Batoor biết đến trường học ban đêm tại Trường THCS Mitsukaido, thành phố Joso, tỉnh Ibaraki. Thành lập từ năm 2020, trường chỉ dạy vào buổi tối cho 29 học viên từ 10 – 70 tuổi không thông thạo tiếng Nhật.

Trong số này, 21 người, chiếm 70% là công dân đến từ các quốc gia như Pakistan, Nepal, Brazil… Vì những lý do khác nhau, họ chuyển đến sống tại Nhật Bản dù không am hiểu ngôn ngữ nước này và cần học hỏi để hòa nhập.

Tại Nhật Bản, khái niệm “trường học ban đêm” (yakan chuugaku) ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói và mù chữ tăng cao. Năm 1946, một số giáo viên ở tỉnh Osaka thương trò nghèo không thể đến trường đã tổ chức lớp học tạm vào buổi tối.

Dần dần, số lượng học sinh theo học tại lớp ngày một đông hơn. Ngày càng nhiều mô hình trường học ban đêm được tổ chức ở các tỉnh, thành trên cả nước. Có học sinh nhà nghèo phải nghỉ học vào ban ngày để phụ gia đình. Có bác lớn tuổi vẫn chưa biết chữ nên đến xin học nhờ.

Theo luật giáo dục Nhật Bản, chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm gồm 6 năm tiểu học và 3 năm THCS, dành cho trẻ em từ 5 hoặc 6 đến 15 tuổi. Do đó, các trường ban đêm được thiết kế giúp mọi đối tượng nắm bắt chương trình phổ thông bắt buộc.

Để theo học tại trường ban đêm, người đăng ký cần đáp ứng đủ 3 điều kiện gồm: Chưa tốt nghiệp tiểu học hoặc THCS; sống hoặc làm việc tại nơi tổ chức trường ban đêm và phải từ 15 tuổi trở lên.

Đa số các trường có lớp dạy tiếng Nhật cho người chưa thông thạo ngôn ngữ. Học viên thường được phân loại theo khả năng tiếng Nhật, độ tuổi và mục đích học tập.

Giáo viên dạy từ kỹ năng đọc, viết, số học đến các môn trong chương trình phổ thông như: Tiếng Nhật, Toán, Khoa học Xã hội, Khoa học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Nghệ thuật, Sức khỏe và Giáo dục Thể chất… Mỗi tiết học kéo dài 40 phút.

Tùy thuộc vào độ tuổi, việc phân bổ số tiết học là khác nhau. Ví dụ, lớp của học viên trẻ tuổi thường học theo chương trình phổ thông chính khóa trong khi lớp dành cho người lớn tuổi tập trung hơn vào dạy tiếng Nhật.

Trường học ban đêm từng là mô hình phát triển mạnh nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình cảnh mù chữ. Kỷ lục vào năm 1955, các trường đón nhận hơn 5.000 học sinh.

Tuy nhiên sau đó, chất lượng sống của người dân được cải thiện, chính sách hỗ trợ giáo dục được tăng cường nên số lượng trường cũng như học sinh học vào ban đêm giảm rõ rệt. Vào năm 2014, số trường học ban đêm trên toàn quốc giảm còn 36, nằm ở các tỉnh, thành phố như Tokyo, Osaka, Kyoto, Hiroshima, Chiba…

Tồn tại để gắn kết

Chăm chỉ lên lớp 5 buổi một tuần, em Batoor bày tỏ: “Em từng rất sợ tiếng Nhật vì không hiểu nhưng nhờ ngôi trường đặc biệt này, mọi chuyện đã thay đổi. Em muốn học tiếng Nhật thật tốt rồi trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ cho trẻ em”.

Trong những năm trở lại đây, Nhật Bản ghi nhận lượng lớn công dân nước ngoài đến học tập và làm việc. Ban đầu là người dân Hàn Quốc, Trung Quốc di tản sau chiến tranh rồi mở rộng ra là người châu Á, châu Phi…

Do đó, chính quyền các địa phương đã và đang cố gắng xây dựng nhiều trường học ban đêm ở mọi tỉnh, thành trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ công dân nước ngoài học tiếng Nhật.

Trường học ban đêm tại Trường THCS Mitsukaido, nơi em Batoor đang theo học, là một ví dụ. Trong khi nhiều địa phương thờ ơ với trường học ban đêm, chính quyền thành phố Joso quyết định xây dựng lại mô hình này từ năm 2020.

Lý do là thành phố có số lượng công dân nước ngoài, chủ yếu là người Brazil, sinh sống, cao hàng đầu tỉnh.

Được học tiếng Nhật không chỉ là nhu cầu của người nước ngoài, mà còn là mục tiêu của chính quyền thành phố trong việc xây dựng cộng đồng gắn kết, đa văn hóa và hòa nhập.

Trường học ban đêm tại Trường THCS Mitsukaido có 17 giáo viên với mục tiêu đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nguyên tắc cơ bản của trường là giảng dạy theo nhóm với 3 – 4 giáo viên trong một lớp học. Giáo viên ứng dụng nhiều phần mềm dịch ngôn ngữ, dịch âm thanh, kết hợp các nguồn học liệu sinh động như hình ảnh, video khi giao tiếp với học viên.

Thầy giáo Hiroyuki Onozawa, giáo viên môn Toán, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi đều cố gắng nghĩ ra cách khiến lớp học trở nên thú vị hơn. Với khởi đầu hào hứng, học viên sẽ tăng thêm động lực học tập. Tôi rất vui khi thấy lớp học trở thành môi trường để học viên gắn kết, trải nghiệm và trau dồi sự tự tin”.

Tuy nhiên, các trường học ban đêm đối mặt với không ít thách thức. Không giống trường phổ thông công lập, tỷ lệ nhập học trường ban đêm là không chắc chắn, đơn lẻ.

Trong khi nguồn chi phí vận hành trường không hề nhỏ. Hiện nay, hầu hết các trường vẫn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương hoặc sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Thách thức đặt ra hiện nay cho các cơ quan chức năng là tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của trường nhằm thu hút các đối tượng đặc biệt theo học. Từ đó, tạo môi trường học tập gắn kết, bền vững trong khu vực.

“Chắc hẳn còn nhiều người ngoài kia cần đến trường học ban đêm nhưng họ không hề biết rằng một nơi như vậy đang tồn tại. Chúng tôi hy vọng có thể cùng các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ nhiều người hơn nữa”, thầy giáo Onozawa bày tỏ.

 

Tú Anh (TH)

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn