Trong hệ thống văn hóa, văn hóa học đường là một bộ phận của văn hóa giáo dục; văn hóa giáo dục, đến lượt mình, là một bộ phận của một nền văn hóa (= văn hóa dân tộc). Văn hóa (dân tộc) và văn hóa giáo dục có quan hệ với nhau thông qua mắt xích trung gian là triết lý giáo dục: Văn hóa (dân tộc) là một trong ba thành tố chi phối triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục, đến lượt mình, được hiện thực hóa bằng bốn thành tố – văn hóa giáo dục là một trong số đó.
Để có xã hội phát triển thì cần phải có con người sáng tạo
Văn hóa mang tính dân tộc nên tính dân tộc để lại dấu ấn trong văn hóa giáo dục rất đậm nét. Theo O.A. Radugina, “văn hóa giáo dục không chỉ là một chỉ tiêu đánh giá trình độ học vấn của người dân cả nước mà còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể”. Do có tính dân tộc cho nên yếu tố mang tính quyết định đối với văn hóa giáo dục của một dân tộc là loại hình văn hóa. Chúng tôi hệ thống hóa các nền văn hóa vào ba loại hình cơ bản là loại hình thiên về dương tính, thiên về âm tính, và loại hình trung gian. Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á thuộc loại hình thiên về âm tính, văn hóa phương Tây thuộc loại hình thiên về dương tính, văn hóa Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian.
Quan niệm phổ biến cho rằng nền sư phạm phương Đông đặc trưng bởi tiếp cận định hướng người dạy, lấy thầy làm trung tâm; còn nền sư phạm phương Tây đặc trưng bởi tiếp cận định hướng người học, lấy trò làm trung tâm (Phạm Thành Nghị, 2010). Thực ra, hai phương pháp lấy thầy làm trung tâm và lấy trò làm trung tâm chịu chi phối bởi đặc thù của loại hình văn hóa: tiếp cận định hướng người dạy phù hợp ở mức cao nhu cầu của loại hình văn hóa thiên về âm tính; còn tiếp cận định hướng người học đáp ứng ở mức cao nhu cầu của loại hình văn hóa thiên về dương tính.
Hiện nay, các quốc gia đều đang hội nhập quốc tế. Nhưng khi tham gia vào quá trình này, điểm xuất phát của Việt Nam và các nước phát triển khác nhau rất xa. Các nước phát triển (như phương Tây, Nhật Bản) bước vào hội nhập khi họ đã hoàn tất công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã có con người đô thị và công nghiệp, đã chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp và hậu hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế trong khi đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trong khi chưa có được con người công nghiệp và con người đô thị. Nghĩa là, Việt Nam hội nhập quốc tế trong khi chưa thực sự có đủ những điều kiện cần thiết cho việc hội nhập.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa” (Ảnh tư liệu)
Văn hóa Việt Nam truyền thống thuộc loại hình âm tính, trọng tĩnh điển hình. Do vậy, văn hóa giáo dục Việt Nam truyền thống có mô hình hướng đến xã hội ổn định; con người Việt Nam hiện nay còn mang nhiều phẩm chất của con người tiền-công-nghiệp và tiền-đô-thị. Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nghĩa là giáo dục phải đi trước.
Để đi trước, giáo dục cần có kim chỉ nam là triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục có cấu trúc sáu thành tố, trong đó cốt lõi là hai thành tố sứ mệnh và mục tiêu. Triết lý giáo dục còn có thể hiểu theo ba nghĩa là nghĩa rộng, nghĩa trung gian và nghĩa hẹp, trong đó cách hiểu quen thuộc của chúng ta lâu nay là triết lý giáo dục theo nghĩa hẹp.
Trong bối cảnh hiện tại, sứ mệnh của giáo dục Việt Nam là phải thực hiện sự chuyển đổi từ mô hình hướng đến xã hội ổn định sang mô hình hướng đến xã hội phát triển. Trên cơ sở thực trạng của giáo dục Việt Nam, sứ mệnh xây dựng xã hội phát triển có thể được cụ thể hóa bằng sáu mục tiêu mà đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục do chúng tôi làm chủ nhiệm (mã số KHGD/16-20.ĐT.011) đã đề xuất: Học (để) làm việc, Học (để) sáng tạo, Học trung thực, Học làm người, Học chung sống, và Học (để) tổ chức. Trong đó, “Học (để) sáng tạo” là mục tiêu cao nhất: Để có xã hội phát triển thì cần phải có con người sáng tạo. Mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động và con người trung thực.
Văn hóa giáo dục cần được hỗ trợ bởi văn hóa chung của toàn xã hội
Xã hội Việt Nam truyền thống lấy nghề nông trồng lúa nước làm sinh kế, lấy văn hóa ưa ổn định làm nền tảng. Người dân Việt Nam quen lấy sự yên ổn làm hạnh phúc. Việc cung cấp một nguồn nhân lực đảm bảo sự ổn định của xã hội chính là sứ mệnh của nền giáo dục Việt Nam truyền thống. Mẫu người trên thực tế đảm bảo cho sự ổn định này là người thừa hành (người công cụ). Người thừa hành là con người thụ động – yêu cầu này rất phù hợp với bản chất âm tính của văn hóa Việt Nam.
Bản chất âm tính của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ và cùng với nó là thói dựa dẫm, ỷ lại. Người Việt nay đã bớt thụ động hơn xưa, song nhìn trong tổng thể thì tính thụ động vẫn còn là một đặc trưng chủ đạo của người Việt. Trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục với 3.070 người tham gia, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh – sinh viên Việt Nam cần tránh thì “Bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ tư (chiếm 67,3%); “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ tám (chiếm 57,5%)…
Để có con người chủ động, ngoài việc xây dựng một môi trường khuyến khích người học thể hiện tính chủ động, điều quan trọng là người học phải có được sự tự tin. Để chủ động và tự tin trong giao tiếp thì người học phải rèn luyện tư duy phản biện để đặt câu hỏi và đối thoại với người dạy. Để chủ động và tự tin trong học đường, người học phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, thoát ra khỏi áp lực của họ. Để chủ động và tự tin trong hoạt động, trong công việc thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch. Đây là một chỗ yếu khác trong văn hóa tính cách của người Việt Nam, khi mà do tính linh hoạt, nhiều người Việt Nam mắc bệnh tùy tiện, đối phó, “nước đến đâu bắc cầu đến đấy”.
Để có con người sáng tạo, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. Thiếu bản lĩnh thì không thể nào sáng tạo. Dân chủ và bản lĩnh là nền tảng cần và đủ cho tư duy phản biện, khai phóng phát triển. Tư duy phản biện, khai phóng đến lượt mình là điều kiện cần cho sự sáng tạo. Để phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện, cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống học thuộc lòng.
Cho đến nay, cách quản lý giáo dục của chúng ta vẫn vô tình khuyến khích việc học thuộc lòng: Các nhà xuất bản thì cung cấp cho học sinh những tuyển tập các bài văn mẫu, trên mạng có hẳn một website “vanmau.edu.vn”. Việc biên soạn sách giáo khoa ở mọi cấp, từ phổ thông đến đại học, vẫn phổ biến yêu cầu phải ngắn gọn là để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng. Mọi đề thi từ phổ thông đến đại học đều vẫn phải có đáp án sẵn đính kèm. Việc chấm thi theo đáp án giết chết tư duy sáng tạo của cả trò lẫn các thầy cô giáo.
Để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Các căn bệnh này có ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý.
Người xưa đi học cốt để thi đỗ làm quan thì nay tuy có động cơ học tập đúng trên lý thuyết nhưng trên thực tế một số không nhỏ người học vẫn chỉ lo học để đối phó với thi cử, thi cử cốt để đỗ lấy bằng… Trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, các bệnh thành tích và bệnh đối phó tiếp tục được thể hiện ở tâm lý nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng cách làm chắp vá theo kiểu “cuốn chiếu” (trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…).
Ba căn bệnh “bệnh thành tích”, “bệnh phong trào” và “bệnh đối phó” đang tồn tại ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý dẫn đến tật xấu thứ tư là “bệnh giả dối”. Lan tràn trong xã hội là vấn nạn học giả bằng thật, là nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án cũng gặp không ít ở bậc đại học và sau đại học. Giả dối có thể xem như một căn bệnh đặc thù.
Để có con người sáng tạo, chủ động và trung thực, văn hóa giáo dục cần được hỗ trợ bởi văn hóa chung của toàn xã hội. Văn hóa của xã hội cần chuyển đổi từ một hệ giá trị thiên về âm tính sang hệ giá trị thiên về dương tính, từ một hệ giá trị mang đậm tính cộng đồng làng xã sang hệ giá trị đề cao bản lĩnh cá nhân và tính cộng đồng xã hội; coi trọng tính khoa học trong tư duy và làm việc có kế hoạch trong dài hạn; tránh sự tùy tiện, đối phó. Những việc này đều vượt ra khỏi phạm vi của ngành giáo dục; cần sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng, Đảng và Chính phủ nói chung.
GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM