Xu hướng phỏng vấn tuyển sinh tại các trường đại học trong năm 2022

ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác đã áp dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh trong năm 2022.

Theo đó, năm nay, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có 3 phương thức tuyển sinh là xét học bạ và phỏng vấn; tuyển qua cổng thông tin Bộ GD&ĐT; và tuyển thẳng.

Ở phương thức xét học bạ và phỏng vấn, nhà trường thông báo có 2 đợt tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và một đợt tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tham gia dự tuyển ở phương thức này, thí sinh tốt nghiệp THPT theo chương trình của Bộ GD&ĐT phải có điểm trung bình cộng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin của năm học lớp 11, 12 từ 6.5 trở lên. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần đỗ bài kiểm tra kiến thức và kỳ phỏng vấn tuyển sinh do nhà trường tổ chức.

Thí sinh đăng ký tuyển sinh ở chương trình song bằng phải có chứng chỉ IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60 trở lên và đỗ kỳ phỏng vấn tuyển chọn riêng với ngôn ngữ phỏng vấn là tiếng Anh.

ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết bài kiểm tra kiến thức của trường có nội dung Khoa học Tự nhiên liên quan đến ngành ứng tuyển. Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự phỏng vấn. Ở vòng phỏng vấn, thí sinh tham gia bằng hình thức trực tuyến và được lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Nhà trường cũng thông báo những đối tượng được miễn phỏng vấn là thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh (hoặc tương đương) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Địa; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; thí sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế, là thành viên đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi quốc tế các môn Khoa học Tự nhiên, cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh có kết quả học tập lớp 11 và 12 đạt loại giỏi và điểm trung bình 5 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin) đạt từ 8.8 trở lên.

Năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội quy định đối tượng có thể đăng ký xét kết quả và thành tích học tập THPT kết hợp phỏng vấn là thí sinh được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12); hoặc được chọn tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Bên cạnh đó, thí sinh là học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các trường đại học, đại học quốc gia, đại học vùng; thí sinh được chọn tham dự cuộc thi đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm; hoặc là các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) cũng là những đối tượng được đăng ký xét tuyển theo phương thức này.

ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến thực hiện phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn cho chương trình ĐHCQ quốc tế do đốt tác cấp bằng với đối tượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Nhà trường cho biết nguyên tắc xét tuyển của phương thức này là xét điểm trung bình học tập 2 học kỳ năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; và thí sinh sẽ tham gia phỏng vấn trực tiếp (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) với hội đồng tuyển sinh.

ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng quy định điều kiện được tuyển thẳng đặc cách vào học chuyên ngành (năm 2) ở phương thức này là thí sinh phải có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày nộp) như IELTS từ 5.5 trở lên hoặc tương đương, và đạt điểm đánh giá của hội đồng tuyển sinh từ 80% trở lên.

Trước đó, năm 2021, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài. Phương thức này chiếm từ 1% đến 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Điều kiện tham dự xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT Việt Nam hoặc chương trình THPT nước ngoài, hoặc tương đương và có chứng chỉ quốc tế.

Đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT Việt Nam, điểm trung bình cả năm của lớp 10, 11, 12 được nhà trường quy định phải lớn hơn hoặc bằng 7 điểm; tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11, 12 của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải từ 63 điểm, trong đó không có điểm thành phần nào dưới 7.

Riêng thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) quy định cần có điểm trung bình học tập của 3 năm học lớn hơn hoặc bằng 2.5 (trên thang 4).

Điểm trúng tuyển của thí sinh ở hương thức xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn của trường là 70% kết quả học tập ở bậc THPT và 30% kết quả phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh, bao gồm kết quả bài luận.

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn