Niềm tin của Nelson Mandela vào sức mạnh thay đổi thế giới của giáo dục đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và tạo ra thay đổi không chỉ ở Nam Phi mà khắp châu lục.
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”
Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Nelson Mandela, tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi và là người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Niềm tin trong Nelson Mandela về sức mạnh giáo dục được đúc kết từ chính quá trình trưởng thành và sự nghiệp đấu tranh của ông đòi lại bình đẳng cho người da màu tại đất nước.
Trong hồi ký năm 1994, “Long Walk to Freedom” (Hành trình dài đến tự do), Mandela cho biết ông được đào tạo bằng tiếng Anh theo mô hình phương Tây tại các trường dòng từ khi còn nhỏ. Ông cho rằng chính cảm giác bất công đã khiến người da màu tại Nam Phi dồn nén căm phẫn dẫn đến phản kháng xã hội.
“Thứ kìm hãm dân tộc tôi không phải là thiếu năng lực, mà là thiếu cơ hội. Chúng tôi được dạy rằng chỉ có người Anh mới giỏi nhất”, ông viết.
Trong suốt cuộc đời mình, cả trong 25 năm chịu tù đày bởi chính quyền Arpartheid, Mandela không ngừng học tập. Ông xem việc học như lối thoát khỏi tình cảnh tù đày. Thậm chí trong những ngày chờ ra tòa, dù án tử hình treo trước mắt, Mandela vẫn cố gắng hoàn thành bài luận ngành luật.
Không chỉ học cho mình, nhà cách mạng Nam Phi còn động viên các bạn tù học tập. “Khi đêm xuống, phòng giam của chúng tôi giống như phòng tự học hơn nhà tù. Đảo Robben được gọi là ‘trường đại học’ vì ở đó chúng tôi dạy cho nhau”, ông viết trong hồi ký.
gần 40.000 học sinh chào đón Nelson Mandela và phu nhân Graca Machel đến nhà thi đấu SkyDome, thành phố Toronto, Canada vào năm 1998. Ảnh: Toronto Star.
Mandela ý thức rõ những hạn chế nhất định của khuôn khổ giáo dục chính thống. Dù có bằng cử nhân và bằng luật gia, ông hiểu bằng cấp không phải tấm vé dẫn đến thành công hay mang lại trí tuệ. Cố lãnh đạo Nam Phi luôn khiêm tốn cho rằng một người không trải qua trường lớp đào tạo hay giáo dục bài bản vẫn có thể “là người ưu việt hơn tôi trong mọi phạm trù tri thức”.
Tính khiêm tốn này phần nào tác động đến tư duy chính trị của Mandela và những suy nghĩ về đất nước. Ông nhận định một người “có giáo dục” không nhất thiết phải biết chữ và lấy được bằng cử nhân.
“Một người không biết chữ vẫn có thể là một cử tri ‘có giáo dục’ hơn một số người có bằng cấp cao”, cố lãnh đạo Nam Phi chia sẻ.
Không chỉ rèn luyện trí óc, Nelson Mandela đề cao cả tầm quan trọng của thể chất để giữ vững tâm lý lành mạnh. Ông từng chia sẻ rèn luyện sức khỏe giúp ông cảm thấy bình tâm hơn, làm việc tốt hơn và là lúc ông suy nghĩ minh mẫn nhất.
Rèn luyện trở thành một trong những nguyên tắc bất di bất dịch trong cuộc sống của nhà cách mạng Nam Phi. Ông nhận thấy chạy bộ dạy cho mình giá trị của khổ luyện và kỷ luật khi hướng đến các mục tiêu. Trong những cuộc chạy đường dài, tập luyện là yếu tố quyết định thành công nhiều hơn tài năng thiên bẩm. Ông rút ra cho bản thân rằng những thiệt thòi về tài năng có thể được bù đắp bằng sự siêng năng và kỷ luật.
“Tôi vận dụng điều đó vào mọi việc làm. Từ thời đi học, tôi đã thấy nhiều người trẻ có năng lực thiên phú tuyệt vời, nhưng không đủ ý thức kỷ luật và sự kiên nhẫn để phát huy món quà mà họ được ban tặng”, Mandela từng viết.
Ngoài triết lý làm kim chỉ nam, cựu tổng thống Nam Phi còn để lại nhiều di sản cho giáo dục Nam Phi với các tổ chức và quỹ phát triển. Ông thành lập Viện Mandela về Phát triển Giáo dục và Nông thôn với sứ mệnh phổ cập giáo dục cho trẻ em các vùng nông thôn nghèo, nơi hạ tầng không đảm bảo. Viện phối hợp với các cộng đồng tu sửa trường học và đào tạo giáo viên.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1999, ông lập Quỹ Nelson Mandela và phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khởi động chương trình Trường học cho Châu Phi, hỗ trợ các sáng kiến giáo dục ở 13 quốc gia cùng châu lục. Kể từ khi ra đời vào năm 2005, dự án này đã hỗ trợ hơn 30 triệu trẻ em châu Phi cải thiệt chất lượng giáo dục.
“Giáo dục chính như một động cơ vĩ đại trong quá trình phát triển cá nhân. Nhờ giáo dục, con gái một người nông dân có thể trở thành bác sĩ, con trai một người thợ mỏ có thể trở thành chủ nhân chính khu mỏ đó, và con cái những người nông dân có thể trở thành tổng thống một quốc gia vĩ đại. Cách chúng ta tạo ra thành quả từ những gì mình có, chứ không phải những thứ được ban phát, mới khẳng định được sự đặc biệt giữa một người với phần còn lại”, ông viết trong hồi ký.
Trung Nhân (Theo Cambridge International)