Sự biến động của toàn xã hội trong những năm gần đây dẫn đến sự lên ngôi của hình thức học tập trực tuyến cũng như các xu hướng giáo dục chung của toàn thế giới. Vậy những thay đổi đó là gì và sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua góc nhìn của những chuyên gia giáo dục đầu ngành trên thế giới qua bài viết dưới đây.
“Trợ giảng” trực tuyến
Trong chiến tranh, hoặc sau một trận động đất, toàn xã hội được huy động để giải quyết thách thức trước mắt. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tìm cách biến cuộc khủng hoảng thành những tiến bộ. Nhờ đó, giúp cải thiện cuộc sống hoặc cứu lấy tương lai.
Đại dịch là một thách thức như vậy. Đối với Zachary Pardos – Giáo sư Trợ lý tại Trường Đại học Giáo dục và Trường Thông tin UC Berkeley (Mỹ), cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này đã đặt ra một câu hỏi lớn: Với hàng chục triệu sinh viên trên khắp thế giới phải nghỉ học ở nhà, làm thế nào để có thể bảo đảm rằng, người học nhận được nền giáo dục tốt nhất có thể?
Pardos là một chuyên gia về công nghệ học tập thích ứng, nghiên cứu động lực của việc học và sắp xếp dữ liệu lớn. Từ đó, xây dựng các công cụ thân thiện với người dùng. Ông đã làm việc với giáo viên và học sinh ở mọi cấp độ để tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy hằng ngày.
Ông Pardos mô tả cách các hệ thống công nghệ mới thu hút sinh viên; Đồng thời, công nghệ có khả năng đánh giá điểm mạnh và yếu của sinh viên, ngay cả khi họ không ở trong lớp học. Đặc biệt, hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng là một trong những công nghệ mở ra “thế giới mới” cho ngành Giáo dục, trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Hệ thống không phải là một khóa học trực tuyến, mà là một trợ giảng trực tuyến, được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo, với khả năng cung cấp hướng dẫn cho người học.
Trước đây, những công nghệ như vậy đã được sử dụng trong nghiên cứu đại học và đôi khi là tại các lớp trung học của Mỹ. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, các nhà giáo dục phải xem xét những cách hiệu quả nhất để dạy học sinh ở nhà.
Điều đó đồng nghĩa với việc, đại dịch có thể mở ra cánh cửa cho những ý tưởng mới. Đặc biệt, công nghệ mới được dự đoán sẽ tồn tại trong lớp học, ngay cả khi thảm họa kết thúc.
Ông Pardos cho rằng, khi đại dịch và sự gián đoạn kinh tế đang thay đổi bối cảnh cho công việc trong tương lai, các công nghệ học tập có sức mạnh để giúp sinh viên xoay chuyển nhanh chóng, hướng tới những nghề nghiệp mới. Khi nghĩ về công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng, người học thường tưởng tượng đến các khóa học trực tuyến, hoặc việc nhấp chuột để trả lời câu hỏi từ một người hướng dẫn.
Song, thực tế, công nghệ mới mang lại điều khác biệt. Nhờ tính năng tự động đánh giá, trong một khóa học trực tuyến, sinh viên có thể nhận được phản hồi về tính đúng đắn của các vấn đề, hoặc thậm chí là bài luận.
“Các thành phần chính của hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng có xu hướng là một mô hình liên tục đánh giá những gì học sinh biết, danh sách kiến thức trong lĩnh vực đang được học. Sau đó, hệ thống gợi ý trình tự nội dung thích ứng dựa trên những gì học sinh biết. Một ví dụ là hệ thống ALEKS tại Trường Berkely. Nó được sử dụng bởi những sinh viên năm nhất chưa sẵn sàng cho môn Toán cấp đại học”, ông Pardos giải thích.
Song, sự chưa sẵn sàng của sinh viên được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, một khóa học ngắn hạn trong mùa hè có thể sẽ không khắc phục điều đó. Thay vào đó, việc có các “gia sư” công nghệ liên tục đánh giá mức độ sẵn sàng và hướng dẫn thích ứng cho từng học sinh sắp nhập học là một sự hỗ trợ lớn.
Ông Pardos nhận định, Mastering Physics và Mathia là những ví dụ về hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng. Hầu hết, các nhà xuất bản sách giáo khoa lớn đã mua hoặc phát triển các hệ thống hỗ trợ như vậy. Trong khi đó, hàng loạt công nghệ học tập thích ứng đã ra đời từ các phòng thí nghiệm. Một số trong đó có chung trọng tâm là đánh giá người học.
“Điểm yếu của các hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng là thường giới hạn nhận xét ở các lĩnh vực STEM. Một thách thức trong tương lai là mở rộng hạn chế đó. Song, các phương pháp tiếp cận dữ liệu lớn đã mang đến nhiều hứa hẹn trong việc khắc phục điều đó”, ông Pardos chia sẻ.
Ông Zachary Pardos.
“Đảo ngược” tình thế
Nói về lợi ích của công nghệ này, ông Pardos cho biết, hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng được cá nhân hóa. Thông thường, nhiều sinh viên không biết bắt đầu tìm kiếm thông tin từ đâu. Khi đó, họ sẽ phải tìm đến các khóa học hoặc nhân viên hướng dẫn để được hỗ trợ.
Trong khi đó, công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng có thể cung cấp sự trợ giúp. Khi một học sinh chưa thể trả lời câu hỏi, thay vì chuyển sang bài học tiếp theo, hệ thống sẽ mở rộng bài học hiện tại một cách phù hợp. Đồng thời, hệ thống sẽ đưa ra trợ giúp và hoạt động trong suốt quá trình học dưới dạng gợi ý, cho đến khi học sinh hiểu bài.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, hàng triệu học sinh không thể đến trường. Công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng này được cho là mang lại sự hỗ trợ lớn. Theo ông Pardos, việc thiếu tương tác trực tiếp giữa giáo viên – học sinh có thể được bù đắp một phần bằng công nghệ này.
Đặc biệt, vào những thời điểm học sinh không tham gia lớp trực tuyến trong thời gian thực, họ có thể tương tác với công nghệ có khả năng cá nhân hóa việc giảng dạy. Mặc dù dung lượng có hạn, nhưng hệ thống mang lại nhiều lợi ích hơn video hay sách giáo khoa.
Ông Pardos nhận định, về bản chất, cuộc khủng hoảng sức khỏe này sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ về sự đổi mới trong giáo dục. Hiện tại, hàng loạt nhà giáo dục đã phải giao tiếp, học hỏi và giảng dạy thông qua phương tiện trực tuyến. Điều đó cho thấy, việc tìm ra những công cụ có thể cải thiện chất lượng học tập trong môi trường trực tuyến và trực tiếp là vô cùng cần thiết.
Đại dịch cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu gắn kết giữa người dạy và học. Do đó, cần ứng dụng công nghệ một cách thích hợp nhằm tạo ra trải nghiệm học tập trực tuyến toàn diện. Một số nhà giáo dục đã bày tỏ lo ngại rằng, trong thời kỳ đại dịch, những người học ở nhà sẽ khó được kiểm soát. Song, nếu công nghệ học tập thích ứng được áp dụng rộng rãi, chúng có thể “đảo ngược” tình thế.
“Ở đây, có cả vấn đề về quyền truy cập và định hướng. Với quyền truy cập, các thẻ và thiết bị SIM dữ liệu (mô-đun thông tin thuê bao) được coi như xe buýt – phương tiện đưa sinh viên đến lớp học. Ngay cả khi sinh viên có quyền truy cập, nhiều bằng chứng cho thấy, cách họ định hướng việc học trực tuyến có thể dẫn đến sự khác nhau về thành tích”, ông Pardos chia sẻ.
Chuyên gia này dẫn chứng, một đồng nghiệp của ông tại Trường Đại học bang Arizona đã nghiên cứu cách sinh viên sử dụng tài liệu trong khóa học trực tuyến. Đồng thời, xem xét liệu những sinh viên trượt khóa học có cách theo dõi bài khác các bạn không.
Nghiên cứu đối với dữ liệu từ khóa học cho thấy, đi đến các câu hỏi trước và sau đó tìm câu trả lời trong tài liệu là một xu hướng phổ biến ở những sinh viên không vượt qua khóa học. Để cải thiện tình hình, giáo viên hướng dẫn đã gửi email cho những người không truy cập bài học. Đồng thời, cho họ biết tầm quan trọng đối với sự thành công của các sinh viên trước. Kết quả là, các sinh viên đã có sự cải thiện về điểm số.
Thay đổi ngành Giáo dục
Nếu sinh viên chưa nắm được kiến thức, hệ thống hỗ trợ sẽ không chuyển sang bài giảng mới.
Một số học sinh sẽ không có định hướng kỷ luật đối với việc học trực tuyến. Nếu không thông qua các buổi cầu truyền hình trực tiếp và điểm danh, làm thế nào giáo viên duy trì kết cấu bài học và giúp học sinh đi đúng hướng? Đó là câu hỏi không ít giáo viên đặt ra. Theo ông Pardos, điều quan trọng là khuyến khích và chia sẻ với người học.
“Công nghệ đang thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ điều đó cũng đang xảy ra trong giáo dục – nơi giáo viên đang làm việc cùng với công nghệ. Nhiều hệ thống hỗ trợ học tập thích ứng đã được truyền cảm hứng từ việc dạy kèm một thầy một trò.
Chúng ta sẽ thấy công nghệ trở nên dễ dàng hòa nhập hơn với những gì giáo viên đang cố gắng hoàn thành. Công nghệ học máy, đặc biệt là xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sẽ cung cấp các phương pháp tiếp cận sư phạm”, ông Pardos cho biết.
Theo chuyên gia này, hệ thống học tập thích ứng sẽ được sử dụng trong các bối cảnh rộng lớn hơn. Do bối cảnh kinh tế thay đổi, nhiều sinh viên có thể quyết định chuyển hướng nghề nghiệp.
Khi đó, sinh viên sẽ có kiến thức từ lĩnh vực đã học. Đồng thời, tận dụng những gì đã học trong các chương trình giảng dạy để chuyển đổi một cách dễ dàng sang những gì họ muốn theo đuổi.
“Đây là một nhiệm vụ cá nhân hóa đầy thách thức. Nhiều người nghĩ rằng, công nghệ có thể làm được mọi thứ. Mọi người cần học các môn học thuật, nhưng họ cũng cần học để làm người.
Họ cần học về lòng nhân ái, sự rộng lượng, cách làm việc cùng nhau, cách chia sẻ trách nhiệm, duy trì các mối quan hệ. Đây chắc chắn là một chủ đề học tập suốt đời. Làm thế nào để trở thành một công dân tốt? Sẽ không có một công nghệ hỗ trợ học tập thích ứng nào dạy điều đó”, ông Pardos nhận định.
GDTD