Tự học chắc chắn là kỹ năng quan trọng trong giai đoạn Việt Nam đang thực sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Các ngành nghề mới ra đời, kiến thức và kỹ năng mới liên tục xuất hiện bởi những hiểu biết cũ không còn phù hợp, mức độ cạnh tranh ngày càng cao đòi hỏi giới trẻ phải rèn luyện việc tự học ngay từ sớm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được điều gì đang chờ đợi ngoài kia, thế giới đang vận hành như thế nào và ta có những gì để hòa mình vào không gian rộng lớn ấy.
Và ngay cả các hình thức tự học cũng đã thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng đa dạng và mới mẻ hơn trước. Trong bài viết này, các bạn hãy cùng SunUni tìm hiểu xem việc tự học đã phát triển đến đâu và chúng ta có thể tận dụng những gì để nhanh chóng nâng cao giá trị của bản thân nhé.
Các bạn hẳn đã quá quen thuộc với câu chuyện của những tấm gương tự học vĩ đại và thành công như Bác Hồ, bộ óc đại tài Steve Jobs, hay rất nhiều nhân vật tầm cơ khác. Trong thời đại của họ, việc tự học, tự mày mò còn khó hơn của chúng ta rất nhiều. Tự học ngày trước là sự mày mò, phân tích, đôi khi là tự tổng hợp và ngộ ra kiến thức. Ngày nay, chúng ta đã có nhiều công cụ, nhiều phương pháp và cả những điều kiện có sẵn để tăng hiệu suất tự học lên gấp nhiều lần.
Kỹ năng tìm kiếm
Chắc hẳn trong số chúng ta, ai cũng đã có lần lục tung Internet để tìm kiếm thứ gì đó mình cần – một giai điệu yêu thích, bộ phim đang hot, thông tin về thần tượng,… Hãy áp dụng vào việc tự học xem thế nào nhỉ?
Bạn muốn học tốt tiếng Anh ư? Hãy tìm kiếm những hội nhóm học tiếng Anh trên Facebook vì chúng rất nhiều. Hãy tìm kiếm các channel tiếng Anh trên youtube và nghe, xem mỗi ngày. Hãy tìm kiếm tài liệu học tập, thậm chí là lộ trình học tập trên các trang web để tích lũy cho riêng mình. Đó chẳng phải nguồn tài nguyên vô tận để chúng ta có thể tự học hay sao?
Tìm kiếm liên quan nhiều tới “key word” (từ khoá). Các công cụ tìm kiếm trên Google, Facebook,… đều được tối ưu theo từ khoá mà bạn gõ vào. Vậy, tận dụng thật tốt kỹ năng này để tự học nhé.
Hãy cứ đam mê, hãy cứ trải nghiệm
Có thể nhận thấy rằng người trẻ luôn hứng thú đi tìm những trải nghiệm mới lạ. Bạn thích chuyến đi du lịch đến những vùng đất tươi đẹp, mộng mơ. Bạn thích xem những bộ phim hoàn toàn không có thực như The Lord of the ring, Fast and Furious,… Hay bạn muốn trải nghiệm làm việc tại môi trường quốc tế, toàn “Tây”. Trải nghiệm không chỉ giúp bạn thoả mãn sự tò mò với thế giới mà còn mang lại cho bạn vô vàn kiến thức mà nhiều khi không có trong sách vở.
Hãy lấy câu nói của Steve Jobs làm động lực: “Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ”
Khi bạn còn trẻ có nghĩa là bạn vẫn chưa thực sự hiểu hết về bản thân, chưa thực sự hiểu hết về thế giới đâu. Vậy nên, hãy cứ cho phép mình trải nghiệm cho dù đó là lựa chọn đúng hay sai, cho dù là thứ bạn thích hay không thích. Khi bạn đã đủ những trải nghiệm, bạn sẽ thấy vạn vật đều có mối liên hệ với nhau, các môn học hay ngành nghề cũng vậy. Từ đó, bạn sẽ tự tin trong việc ra quyết định, bạn tự tin chuyển đổi cho sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Bởi cái mới khi đó có thể chỉ là áp dụng cái lõi cũ vào một mô hình khác.
Trong quá trình trải nghiệm và tự đúc kết kinh nghiệm, bản thân sẽ được thôi thúc tìm kiếm hướng đi thỏa mãn sự tò mò về kiến thức mới đó thông qua con người xung quanh, hiện tượng, sách vở, video, chuyên gia… Vô tình, bạn được trải nghiệm rất nhiều góc nhìn về một vấn đề cho đến khi tìm được đúng thứ dành cho mình. Có thể nói, tự học như vẽ ra cho mình một bản đồ tổng quát nhất, một quá trình trải nghiệm để giúp bản thân xác định chính xác mình cần gì, và đang ở đâu trong hành trình chinh phục điều mới mẻ kia.
Giữ năng lượng và động lực
Động lực là điều dễ tìm kiếm, nhưng khó giữ. Xung quanh bạn luôn có những người tích cực, những người rất giỏi. Họ truyền cảm hứng, họ phần nào giữ cho ngọn lửa đam mê trong bản thân mình không tắt đi. Bạn có biết tại sao họ có được nguồn năng lượng nhiều đến vậy không?
Thứ nhất, họ đã có nhiều trải nghiệm, trải nghiệm giúp họ tự tin lựa chọn con đường cho riêng mình và tự tin thể hiện bản thân.
Thứ hai, họ cũng đã từng có những khoảng thời gian vô cùng khó khăn có thể là trong học tập, trong cuộc sống mà ít người biết đến. Khó khăn, biến cố giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, giữ được động lực lâu hơn.
Thứ ba, chia sẻ cũng chính là tự học, chia sẻ là cách giữ được động lực. Bạn giỏi hơn người khác, bạn có thể truyền tải kiến thức đến cho người khác không có nghĩa là bạn có quyền đánh giá thấp họ. Tự trải nghiệm – Chia sẻ – Lắng nghe – Hoàn thiện. Đó chính là chu trình lặp đi lặp lại giúp chúng ta phát triển.
Kiên trì, duy trì sự tập trung và không lan man
Chắc chắn rồi, kiên trì và giữ được sự tập trung chính là chìa khoá mang lại cho bạn khả năng tự học vượt trội.
Muốn giữ được sự kiên trì, đôi khi không phải cứ cố gắng là được. Có rất nhiều tác động của cuộc sống ảnh hưởng đến sự bền bỉ của bạn. Chẳng hạn như tuần này sinh nhật bạn thân, tuần sau họp lớp, phải dành thời gian cho người yêu. Cứ mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua bạn lại có những dự định, những cám dỗ cản trở việc học. Nếu xác định có việc bận, bạn hãy cố gắng dành đủ thời lượng tự học mỗi ngày. Cứ cho là 1 đến 3 tiếng chẳng hạn. Hôm nay đi chơi thì mai sẽ học bù 2 tiếng.
Việc cố gắng hoàn thành đủ thời lượng học tập trong tuần sẽ giúp bạn vượt qua sự lười biếng, xem nhẹ việc học, đồng thời không để ngoại cảnh tác động đến thời gian học. Như vậy, bạn vừa có thể duy trì khả năng học tập, vừa cân đối việc tận hưởng cuộc sống. Ngược lại, nếu không duy trì thời lượng học tập, rất dễ khiến bạn trở nên lười nhác, khó có được động lực học tập vì đầu óc của bạn sẽ không thể tập trung, khó bảo lắm.
Trong quá trình tự học, bạn hãy xác định rõ mục đích, mục tiêu ngay từ đầu để tránh cả thèm chóng chán hoặc lan man sang các vấn đề khác. Chẳng hạn như học tiếng Anh, bạn cần tiếng Anh để làm gì? Để xin việc, để đi du học, thực sự muốn giao tiếp tốt? Từ mục đích ban đầu, bạn nên lập kế hoạch chi tiết, có mục tiêu cụ thể như đạt 6.5 IELTS trong vòng 1 năm rưỡi. Bạn cần “khắc cốt ghi tâm” mục tiêu đó để hoàn thành đúng “deadline” của chính mình. Tất cả các môn học, công việc khác cũng vậy. Bạn hãy tập cách xác định mục tiêu để nỗ lực, không lan man để rồi đến lúc có quá nhiều ý tưởng không thể thành hiện thực sẽ dẫn đến do dự, chênh vênh, không biết mình cần làm gì.
Tạm vậy đã nhé. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích nhiều cho các bạn trên con đường tự học. Chúng ta còn phải tự học cả đời mà, cho nên kỹ năng này vô cũng quan trọng nhé!