Gen Z – Một thế hệ mới đáng chờ đợi

Một vài năm trở lại đây, cụm từ “Gen Z” thường được nhắc tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trên nhiều mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Tiktok. Sự phổ biến có lẽ khiến chúng ta nhớ tới thế hệ 9x thời nào, khi mới nổi lên cũng rất được chú ý bởi sự trẻ trung, năng động và cũng đầy tiềm năng. 

Việc Gen Z được chú ý tới một phần xuất phát từ việc truyền thông khá ưu ái thế hệ này, và phần còn lại tới từ sự nổi bật do chính các bạn trẻ tạo ra. Đó là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, đằng sau đó, chúng ta cũng có rất nhiều điều để khám phá về thế hệ mới này. Gen Z là gì, Gen Z có những đặc điểm nào mới, có những điểm nào cũ so với Gen Y? Các bạn hãy cùng tìm hiểu, cùng quan sát bằng cái nhìn khách quan nhất qua bài viết này nhé.

Những ai được coi là Gen Z?

Theo wiki, “thế hệ Z (tiếng Anh: Generation Z, viết tắt: Gen Z) là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ Millennialsthế hệ Alpha. Các nhà nghiên cứu và các phương tiện truyền thông phổ biến xem khoảng thời gian từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 (hoặc từ năm 1997 đến 2012) là khoảng thời gian được sinh ra của nhóm này. Hầu hết các thành viên của thế hệ Z là con của những người thuộc thế hệ X. Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên được cho là lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ khi nhỏ.”

Theo định nghĩa trên, có thể thấy khoảng tuổi của Gen Z là không cố định, nó phụ thuộc vào từng quốc gia, từng vùng miền, chủ yếu từ 1997 đến 2012. Với các vùng miền, các quốc gia phát triển, độ tuổi của Gen Z có thể lớn hơn (từ 1995 chẳng hạn). Đặc điểm để nhận biết thế hệ này là “họ lớn lên với sự tiếp  cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ khi nhỏ”, các bạn lưu ý nhé. Mở rộng hơn với Gen Y (1981-1996), thế hệ này được đánh dấu bởi sự trưởng thành của họ dần làm quen và gắn liền với thời đại thông tin, và họ rất thoải mái trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội. Vậy, có thể nói rằng mỗi thế hệ (gắn với chữ Gen) đều được chia theo từng giai đoạn phát triển gắn với một vài hiện tượng, xu hướng chung của xã hội (chứ không phải chia theo thập niên như 8x, 9x, 2k).
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,6 tỷ người thuộc thế hệ Z, chiếm gần 1/3 dân số. Và tại Việt Nam, gen Z có khoảng 15-16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia. Có thể nói rằng, gen Z là thế hệ tiềm năng nhất bây giờ.

Một vài đặc điểm của Gen Z

1. Lớn lên trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin

Thuật ngữ thế hệ Z được sử dụng lần đầu tiên có thể là trong một bài báo “Thời đại quảng cáo” vào tháng 9 năm 2000, bởi là lứa được sinh ra ngay sau thế hệ Y (Gen Y), nên được gọi là thế hệ Z hay Gen Z. Thế hệ này sinh ra trong thời đại phát triển của Internet, không giống như thế hệ Y sinh ra trong giai đoạn hình thành và phát triển của Internet. 

Có thể nhận thấy sự khác biệt lớn khi Gen Y và Gen Z. Khi thế hệ Y còn nhỏ, các công nghệ như di động, máy tính còn đơn giản; các nền tảng như Google, Facebook còn chưa xuất hiện. Ngược lại, khi Gen Z còn nhỏ, thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, thế hệ này nhanh chóng phát triển từ tư duy đến kỹ năng sử dụng công nghệ, cách tiếp cận những kiến thức mới và cả trí tuệ đều có sự đột phá.

Đối với gen Z, những người được sinh ra trong nền văn minh gắn liền với công nghệ hiện đại, chắc chắn rằng công việc của họ không thể không có sự trợ giúp từ công nghệ. Hay nói cách khác, công nghệ là kỹ năng thiết yếu, gắn liền với Gen Z.
Theo khảo sát mức độ sẵn sàng kỹ thuật số cuối năm 2020 của PwC Việt Nam, có đến 84% gen Z tham gia khảo sát cho rằng họ có cảm nhận vô cùng tích cực về vai trò của công nghệ đối với việc làm của mình.

Tuy nhiên, khi được hỏi cảm nghĩ về những tác động của công nghệ đối với công việc trong tương lai, cũng chính gen Z là thế hệ tỏ ra lo lắng nhất, có tổng số lên đến 11% người khảo sát.

Một số lý do khiến họ trở nên lo lắng chính là:

  • Vì vai trò của công nghệ vô cùng quan trọng, từ đó vai trò của con người trở nên thừa thãi (chiếm 51%).
  • Vì công nghệ ngày càng phát triển không ngừng, nên gen Z nghĩ rằng năng lực của mình sẽ không tương đồng với công nghệ (chiếm 26%).
  • Cũng vì công nghệ quá phát triển, nên gen Z tin rằng họ không thể học được các kỹ năng để áp dụng công nghệ (chiếm 12%).

2. Thích và tạo ra nhiều Trend (xu hướng) trên các mạng xã hội

Trên thực tế, việc tạo ra các xu hướng mới đã xuất hiện từ thế hệ 9x đời đầu. Ở Việt Nam, khi Facebook xuất hiện đã có nhiều trào lưu như sử dụng meme, tạo các nhóm cổ động; khi Youtube xuất hiện cũng có trào lưu làm Vlog. Và tới bây giờ, thế hệ Z đã “tiếp tục phát huy” truyền thống đó bằng vô vàn những trào lưu nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Facebook, Youtube, Tiktok.

Nếu để ý quan sát, chúng ta dễ dàng nhận ra, các nội dung ưa thích của thế hệ mới này ngày càng ngắn gọn, có thể thưởng thức hay bắt chước một cách tức thì: Các dạng video ngắn trên Tiktok, Short video của Youtube, Story của Facebook. Xu hướng đó cũng tương đồng với sự phát triển của cuộc sống, khi con người ngày càng sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, các chương trình học ngắn hạn,… Chúng ta thường hướng tới sự nhanh chóng, tiện lợi để tiết kiệm thời gian, để được trải nghiệm nhiều hơn, và Gen Z cũng vậy. 

Có nhiều ý kiến cho rằng việc tạo ra nội dung quá nhanh khiến thế hệ này dễ dãi trong các trải nghiệm, thậm chí tạo ra xu hướng sống ảo, không thực sự có những trải nghiệm sâu như các thế hệ trước. Nhưng các bạn đừng lo, khi còn trẻ hầu hết chúng ta đều như vậy, chúng ta có năng lượng, chúng ta thích khám phá, chúng ta đều liều lĩnh. Chỉ có điều, việc thể hiện ở mỗi thế hệ luôn có sự khác biệt bởi thế giới vận động theo những cách khác nhau. Dù vậy, rồi sẽ đến lúc, những người trẻ sẽ sống chậm lại, trải nghiệm sâu hơn thay vì trải nghiệm nhiều hơn.

3. Thói quen chi tiêu hợp lý gây áp lực lên các thương hiệu

Một nghiên cứu mới về Gen Z của The Center for Generational Kinetics cho thấy 24% Gen Z có ý định trả tiền học đại học thông qua tiết kiệm cá nhân, 38% dự định làm việc trong thời gian học đại học. Phần lớn, thế hệ này đang kiếm tiền thông qua các công việc bán thời gian và các công việc gia đình.

Jason Dorsey – người đồng sáng lập của The Center for Generational Kinetics chia sẻ rằng Gen Z là một nhóm sẽ dựa vào hệ thống thanh toán ghi nợ, không phải thẻ tín dụng và họ có thể được sử dụng dịch vụ xe nhiều hơn với Uber hoặc Lyft. Dorsey nói:

“Họ cảm thấy thoải mái với việc trả tiền cho việc sử dụng hơn là quyền sở hữu, do đó sự thay đổi sẽ rất thú vị. Họ cũng cho biết họ sẵn sàng từ bỏ các trường hàng đầu để chọn các trường cao đẳng và trường tại địa phương ít tốn kém hơn do không thích nợ nần.”

Nghiên cứu của The Center for Generational Kinetics còn cho thấy 29% Gen Z tin rằng nợ cá nhân nên được dành riêng cho một vài mục được chọn và 23% tin rằng nên tránh bằng mọi giá. Sự quan tâm của Gen Z đối với việc nắm giữ tiền nhiều hơn từ mong muốn ổn định thay vì địa vị.

Việc thận trọng trong chi tiêu thực sự là một vấn đề cho rất nhiều thương hiệu. Dorsey nói.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và tư vấn cho các thương hiệu và rút ra rằng khi bạn có một nhóm khách hàng và tập trung vào việc nhận được nhiều giá trị hơn cho tiền của họ thì đó là một thách thức lớn.”

Ngoài ra, Gen Z còn có rất nhiều đặc điểm của thế hệ trẻ như thích tự do, tham vọng, thích sự tương tác, sử dụng mạng xã hội nhiều. Cho tới bây giờ, nếu chúng ta muốn nhận định chính xác hơn về thế hệ này thì vẫn còn quá sớm. Hãy quan sát và nhìn nhận sau nhiều năm nữa để có đủ thời gian hiểu hơn về thế hệ này. 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

 

Bài viết có tham khảo một số nguồn: Wiki, Mobile marketer,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn