VÌ SAO HỆ THỐNG CHÍNH TẢ TIẾNG ANH VÔ CÙNG KỲ LẠ?

Hệ thống chính tả tiếng Anh luôn nổi tiếng với sự hỗn loạn và dường như chẳng tài nào dự đoán nổi. Đôi khi bạn cứ nghĩ rằng sẽ có một cách thức nào đó để phát âm chung cho các âm tiết có cách viết giống nhau, hoặc có một quy tắc nào đó trong chính tả của thứ ngôn ngữ này. Nhưng không, chẳng có quy tắc nào cả.

Để bắt đầu, hãy cùng lấy một ví dụ. Là “fish” ( đọc là /f ɪ ʃ / – con cá). 

Ở đây ta có “gh” trong “rou[gh]” phát âm là /f/ ; 

o trong “w[o]men” phát âm là /ɪ/; 

và ti trong “na[ti]on đọc là /ʃ/. 

Thế nếu tôi viết từ “ghoti”, bạn nghĩ cách đọc của nó có giống fish !?…. Được rồi, đây không phải cách viết từ “fish”, nhưng bạn hiểu vấn đề rồi đấy. Đôi khi “gh” phát âm là /f/, “o” lại ra /ɪ/, và đôi lúc “ti” lại thành /ʃ/.

hệ thống chính tả

Nhà văn hiến học nổi tiếng của Anh, William Walter Skeat từng nói “Không ai có thể đọc chính xác một từ tiếng Anh, trừ khi họ đã nghe qua nó một hoặc vài lần”. Một người học tiếng Anh, hoặc một người bản ngữ mới thấy từ “indict” lần đầu, sẽ đọc là /ɪn.dɪkt/, nhưng thật ra là /ɪn.daɪt/. Và một khi họ học được từ “rough” đọc là /ɹʌf/, họ có thể sẽ đọc “thorough” là /θoʊ.ɹʌf/. Nhưng nó là /θɜ˞.oʊ/ hoặc /θʌɹ.ə/. Với những người thường xuyên sử dụng những từ ngữ trên trong giao tiếp cho rằng, cách viết chữ không phải vấn đề. Nhưng tôi khá là “nghi ngờ” về việc liệu họ có viết đúng sự [nghi ngờ] của mình bằng tiếng anh không, khi mà nghi ngờ là “Doubt” với chữ “b” câm. 

Khá là lằng nhằng nhỉ? Thế tại sao người ta viết tiếng Anh như vậy, trong khi nhiều tiếng khác có hệ thống chính tả nhất quán hơn với chữ nào âm nấy ?

Nhiều ngôn ngữ khác đã trải qua những cuộc cải tổ về phát âm, để “làm sạch” đi những điểm không tương xứng và nhất quán, trong khi tiếng Anh chưa hề thật sự trải qua điều gì nào như vậy. Do đó, tiếng Anh hiện đại vẫn tiếp tục biến đổi từ lịch sử của nó.

Lịch sử 1300 năm tạo nên một hệ thống chính tả tiếng Anh phong phú

Bộ từ vựng tiếng Anh bao gồm bốn nguồn gốc chính:

– Phần cốt lõi bắt nguồn từ ngữ tộc German chủ yếu từ tiếng Anglo-Saxon, nhưng cũng có cả phần từ tiếng Bắc Âu Cổ

– Tiếng Pháp, gồm cả tiếng Pháp Norman và tiếng Pháp Paris

– Tiếng Latin; và tiếng Hy Lạp.

Cả bốn gốc từ này đều có hệ thống chính tả và phiên âm khác nhau.

Như vậy, cách viết trong tiếng Anh đã có sự phức tạp ngay từ đầu. Khi người Anglo-Saxon bắt đầu viết bằng chữ Latin thay cho chữ Rune, họ không có đủ chữ cái để thể hiện tất cả các âm của tiếng Anh cổ. Do đó một số chữ cái thể hiện nhiều hơn một cách đọc và một số chữ không thuộc hệ Latin được sử dụng.

Ngày nay, nhiều người có xu hướng xem tiếng Anh chữ viết là nền tảng của tiếng Anh. Nhưng trở lại thời đó, nó đơn thuần được xem là sự biểu thị tiếng nói. Vì vậy, có nhiều biến thể do phương ngữ được phản ánh trong cách viết, và cùng một từ có thể được viết theo nhiều cách, kể cả bởi cùng một người. Tình hình này tiếp diễn trong suốt thời kỳ tiếng Anh trung đại và còn tiếp tục cho đến thời kỳ tiếng Anh Cận đại. Shakespeare thậm chí còn viết tên của ông theo nhiều cách khác nhau (như Shaksper, Shakspe, Shakespere,…).

Nhưng hãy quay lại tiếng Anh trung đại một chút.

Qua cuộc xâm lược của người Norman, tiếng Anh bước vào thời kỳ trung đại. Chính vì thế, tiếng Anh nhận ảnh hưởng sâu sắc từ tiếng Pháp Norman – tiếng nói của những người cai trị. Rất nhiều từ tiếng Pháp đã thâm nhập vào tiếng Anh, phần lớn giữ nguyên cách viết trong tiếng Pháp, tuy nhiên cách phát âm đã có sự thay đổi cho “thuận miệng” hơn với tiếng Anh.

hệ thống chính tả tiếng Anh

– Và vậy là ta có “bigger”, gốc German, và có “figure”, đến từ “figure” trong tiếng Pháp (Cách viết vẫn y hệt, nhưng cách đọc thì khác);

– Có “bridge”gốc German, và có “marriage” đến từ một từ trong tiếng Pháp có cách viết y hệt;

– Ta có từ “[s]it” gốc German, với chữ “s” và ta có từ “[c]ity” mượn từ tiếng Pháp với chữ “c”, bởi trong tiếng Pháp, “c” đọc là /s/ trước “e” và “i”

– Tương tự, có từ “kill” gốc German, và từ “cell” mượn từ tiếng Pháp.

Sự thay đổi cách viết các từ đã có sẵn còn được tạo bởi các nhà ghi chép gốc Norman, những người chuộng lối viết của tiếng Pháp hơn. Âm /tʃ/ trong “church”, từng được viết bằng chữ “c”, trong từ “circe”, nhưng người Norman bắt đầu dùng “ch”, do lúc đấy “ch” đại diện cho /tʃ/ trong tiếng Pháp.

Nhưng rồi “ch” chuyển sang đại diện cho /ʃ/. Vậy là, có thêm các từ mượn tiếng Pháp trong các thế kỷ sau đó chứa âm /ʃ/, như “champagne” và “château”.

Bạn cũng sẽ thấy /tʃ/ viết là “tch” sau các nguyên âm ngắn như “catch” và “Dutch”.

Nhưng tiếng Anh mà, luôn có ngoại lệ, như “much” và “such”.

Các nhà ghi chép người Norman còn đổi cả cách viết âm /kw/ từ “cw” thành “qu”. Thế là từ “cwen”, nghĩa là “nữ hoàng”, dần được viết lại thành “queen”. Mặc dù “qu” đã được đọc thành /k/ trong tiếng Pháp Paris vào thời điểm đó, cách đọc /kw/ vẫn còn trong tiếng Norman Anh (một phiên bản của tiếng Norman được dùng tại Anh lúc bấy giờ).

Vậy là một số từ mượn tiếng Pháp, cụ thể là từ tiếng Norman Anh, chứa âm /kw/, như “question” và “equal”. Nhưng sau đấy, tiếng Pháp Paris bắt đầu ảnh hưởng trong khi tiếng Norman Anh mất dần đi, và từ mượn tiếng Pháp từ đây về sau chứa âm /k/, như “etiquette” chẳng hạn. Và có nhiều từ trong lịch sử chưa hề chứa âm /kw/, nhưng có “qu” khi viết ra, bởi âm /k/ giờ đây được dùng nhiều nhất trong tiếng Pháp, như: “physique”, “unique”, “quay”, “lacquer”.

Cách đọc /u/ đối với “ou” cũng xuất hiện. Như vậy, “hus”, lúc bấy giờ nghĩa là “cái nhà”, bắt đầu được viết là “hous”, gần hơn với cách viết hiện đại. Điều này cũng xảy ra với “mus”, nghĩa là “con chuột”, từ này cũng được viết lại thành “mous”. Tuy nhiên, cách viết này cũng không được phổ biến hoàn toàn, ta vẫn có các từ “dumb”, drum”, v.v.

Điểm chính cần nhớ là người Anglo-Norman đã tạo ra một số thay đổi và bổ sung cho cách viết từ trong tiếng Anh, và chúng đôi khi mâu thuẫn với những cách viết khác. Những cách viết bổ sung này lý giải một phần cho nguyên nhân vì sao tiếng Anh lại gặp tình trạng cách viết và cách đọc/nói có những sự khác biệt như vậy.

Tham khảo thêm: NGUỒN GỐC CỦA TIẾNG ANH

Cuộc đại biến đổi nguyên âm và máy in ấn gia tăng hỗn loạn trong hệ thống chính tả tiếng Anh

Giữa năm 1350 và năm 1700, sự thay đổi lớn nhất trong cách phát âm tiếng Anh đã diễn ra. Đây được gọi là quá trình gọi là “Đại biến đổi nguyên âm”, kéo dài suốt cuộc chuyển đổi từ tiếng Anh Hậu Trung đại sang tiếng Anh Cận đại, và đến cả tiếng Anh Hiện đại. Không rõ nguyên nhân vì sao, tất cả nguyên âm dài trong tiếng Anh Trung đại bị biến đổi. Chẳng hạn như, trong thời điểm đó:

– /a:/ trong “name /na:m/” trở thành /æ:/ như trong /næ:m/, sau đó biến thành /ɛ:/, trong /nɛ:m/, rồi thành /e/ như trong /nem/;

– /e:/ trong “sweete /swe:tə/”, biến thành /i/ trong “sweet /swit/”;

– /ɛ:/ trong “great /gɹɛ:t/”, biến thành /e/ như trong “great /gɹet/”;

– /i:/ trong “time /ti:m/”, biến thành /əɪ/, trong “time /təɪm/, rồi biến đổi tiếp thành /aɪ/, như “time /taɪm/”;

– /o:/ trong “boote /bo:tə/, biến thành to /u/, như trong “boot /but/;

– /ɔ:/ trong “boot /bɔ:t/”, biến thành /o/, trong “boat /bot/”;

– /u:/, trong “hous /hu:s/, chuyển thành /əʊ/ trong “house /həʊs/”, và rồi /aʊ/, trong “house /haʊs/”.

Bạn có lẽ nghĩ rằng: “Được rồi, vậy là cách đọc đổi rồi, người ta cũng phải cập nhật cách viết cho đúng với cách đọc mới, phải không ?”

Nhưng điều hài hước ở đây là cách viết không hề thay đổi.

Giữa khoảng những năm 1400 và 1500, cách viết trong tiếng Anh dần chuẩn hóa do sự xuất hiện của máy in ấn ở Anh. Do đó chính tả tiếng Anh về cơ bản đã “đóng băng” tại thời điểm đó, còn cách viết tiếng Anh ngày nay phần lớn lại phản ánh cách phát âm của tiếng Anh Trung đại, từ mấy trăm năm trước. Đó là lý do vì sao bạn thấy những ví dụ trên kia trước khi bị biến đổi lại giống như phát âm tiếng Anh hiện đại ngày nay vậy.

hệ thống chính tả tiếng Anh

Số phận của tiếng Anh nằm trong tay một số ít người, cụ thể là chủ hãng in ấn, cùng các nhân viên và các tác giả. Không có cơ quan quy định, không có ủy ban khuyến nghị hệ thống chính tả tiếng Anh “chuẩn” hay bất cứ thứ gì như thế. Tác giả đưa tác phẩm, nhà in sẽ làm ra văn bản chính thức được in, và họ hầu như có thể làm mọi thứ họ muốn với phần chữ viết. William Caxton là người mang chiếc máy in đầu tiên về Anh năm 1476, sau khi vận hành một chiếc ở Bỉ. Người sắp chữ gốc Flemish (người vùng Vlaanderen thuộc Bỉ) đi cùng ông tới Anh đã thay đổi cách viết một số từ cho khớp với lối viết trong tiếng Flemish. Đó là lý do các từ “g[h]ost” và “g[h]astly” có chữ “h” trong cách viết.

Đó chỉ là vài từ, nhưng các nhà in ấn và nhân viên của họ đã đưa ra vô số quyết định về biến thể nào của cách viết sẽ được dùng, hay dùng biến thể của chính họ. Qua các thế kỷ 15 và 16, cách viết “chuẩn” dần nổi lên, chủ yếu dựa trên biến thể tiếng Anh tại London. Vài hiện tượng lạ xảy ra trong quá trình đấy. Đôi khi cách viết một từ đến từ một phương ngữ, trong khi cách phát âm đến từ một phương ngữ khác. Các từ “one” và “once” sử dụng cách viết của East Midland nhưng cách đọc lại của miền nam. Từ “busy” dùng cách viết của West Midlands nhưng cách đọc lại của vùng East Midlands hoặc London. Và từ “bury” viết theo West Midlands nhưng đọc theo kiểu Kent. Song, ta có thể khái quát lại rằng: các nhà in chuộng cách viết cũ hơn, và bỏ qua sự thay đổi do cuộc Đại Biến đổi Nguyên âm.

Không chỉ có nguyên âm bị biến đổi trong giai đoạn này. Một số phụ âm dần biến mất khỏi các từ, nhưng chúng vẫn tiếp tục được viết ra. Chữ “k” trong “knife” chẳng hạn. Nó từng được phát âm là /kni:f/.

Thế còn từ “knight” (hiệp sĩ) ? Nó có chữ “k” câm và “gh” câm. /kniçt/

Các nhà ghi chép người Norman đã ghi lại hai âm /ç/ và /x/ với cặp chữ “gh”. Về sau, âm vòm /ç/ biến mất, còn âm /x/ hoặc biến mất hoặc biến thành /f/. Từ “light” (ánh sáng) bắt nguồn từ tiếng Anh Trung đại “light /liçt/”. Bạn vẫn có thể nghe phụ âm này ở một từ tiếng Đức có chung gốc với nó “licht”. “Night” (đêm) bắt nguồn từ tiếng Anh Trung đại là “nighte /niçt/”. Một từ với âm /f/ là “laugh” (cười), xuất phát từ tiếng Anh Trung đại là “laughe” /’lau̯xə/.

Tuy nhiên, có một từ thường thấy trong tiếng Anh hiện đại chứa “gh” câm dù nó chưa từng mang âm /x/ hay /ç/: từ “delight”. Ở tiếng Anh Trung đại nó từng là “delite” /de:li:t(ə)/. Nó được viết lại để giống hơn với từ “light”.

Chỉnh sửa chính tả có chủ đích

Một dạng chỉnh sửa có chủ đích trong hệ thống chính tả tiếng Anh cũng xuất hiện, đó là viết lại các từ dựa trên từ nguyên của chúng. Ví dụ:

– Từ “doubt” (nghi ngờ, do dự) từng là “doute” /du:tə/ trong tiếng Anh Trung đại.

– Từ “debt” (nợ) từng là “det” hoặc “dette”.

Cả hai đi vào tiếng Anh qua sự vay mượn tiếng Pháp mà không có “b”, nhưng chúng được viết lại cho giống với gốc Latin tương ứng: “dubitare”, “debitum”.

– “Indict” (truy tố) từng là “enditen” trong tiếng Anh Trung đại. Chữ “c” được thêm để phù hợp với gốc Latin “indicto”.

– Từ “isle” (hòn đảo) từng là “ile” không có “s” trong tiếng Anh Trung đại. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp, nhưng về sau đã được viết lại với chữ “s”, để tương ứng với sự sửa đổi trong tiếng Pháp với chữ “s”. Việc viết lại đó đã bị áp dụng nhầm vào “island” (cũng là đảo), từ từng là “iland” trong tiếng Anh Trung đại, mặc dù nó không có cùng từ nguyên với “isle”.

– Một ví dụ khác của lỗi trong việc viết lại từ xảy ra với các từ kết thúc bằng “mb”, chữ “b” trong “dumb” (ngu ngốc), chẳng hạn, từng được phát âm, nhưng về sau trở thành câm, dù nó vẫn còn trong chữ viết, nhưng một số từ kết thúc bằng “m” đã bị viết lại nhầm với đuôi “mb”, như từ “limb” (chi, tay chân), một số ví dụ nữa gồm có “crumb” (vụn), “numb” (tê liệt), “thumb” (ngón cái), v.v.

Vì một số từ có chữ “b” theo từ nguyên là không được phát âm, người ta không còn chỉ ra được khi nào chữ “b” là cần thiết dựa trên âm của từ nữa. Điều này dẫn tới sự chỉnh sửa cực đoan, thêm chữ vào từ khi không cần thiết.

Từ thời Phục Hưng trở về sau đưa vào hệ thống chính tả tiếng Anh nhiều từ mượn

Dù có vẻ như các học giả đã tùy tiện tạo ra những thay đổi không cần thiết, nhưng chúng đều thành một phần của câu chuyện về tiếng Anh. Sự thay đổi lớn gần nhất đối với tiếng Anh xuất hiện trong thời kỳ Phục Hưng, khi tiếng Anh đưa vào nhiều từ mượn tiếng Pháp, Latin, Hy Lạp và các ngôn ngữ châu Âu khác, phần nhiều trong số chúng mang bản chất học thuật. Lý do cho điều này là sự cần thiết từ vựng mới cho các khái niệm mới trong các lĩnh vực đang nổi lên như khoa học, y dược và nghệ thuật, và sự quan tâm lớn hơn đến văn học Latin và Hy Lạp khuyến khích sự vay mượn. Một số ví dụ từ làn sóng từ vựng mới này là: “epitome” (mẫu mực), “vignette” (họa tiết), “repertoire” (tiết mục), “amateur” (nghiệp dư), “camouflage” (ngụy trang), “anesthesia” (gây mê), “decorum” (sự đứng đắn), “notorious” (tai tiếng), “chlorine” (clo), và cả chính từ “Renaissance” (Phục Hưng), bắt nguồn từ tiếng Pháp với nghĩa “tái sinh”.

hệ thống chính tả tiếng anh

Kể từ đó, một số lượng nhỏ các từ mượn từ nhiều ngôn ngữ khác vẫn tiếp tục đổ vào tiếng Anh, thường giữ nguyên cách viết gốc hoặc chuyển tự trực tiếp. Có từ gốc tiếng Nhật “karaoke”, có “tattoo” (hình xăm) từ tiếng tiếng Polynesia , “aficionado” (người cuồng nhiệt) từ tiếng Tây Ban Nha, “kowtow” (khấu đầu) từ tiếng Trung, và nhiều từ khác có lẽ sẽ khiến bạn phải phụ thuộc vào tính năng tự sửa lỗi trên smartphone hoặc các ứng dụng, thứ chưa bao giờ là một ván cược an toàn. Nhưng còn lựa chọn nào khác khi hệ thống chính tả tiếng Anh đã quá phiền phức

Kết luận

Một số người có lẽ sẽ nói tất cả những yếu tố ảnh hưởng từ lịch sử lên tiếng Anh làm giàu, đẹp và hấp dẫn hơn, trong khi số khác có thể sẽ cho rằng chính tả tiếng Anh là một mớ lộn xộn và phiền phức. Nhìn chung, tôi có xu hướng nghĩ rằng nó làm giàu cho ngôn ngữ… cho đến khi tôi mắc một lỗi chính tả bị nhiều người thấy được trong các video của mình.

Khi ấy nó đúng phiền phức nhức cả mông thật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn