Lộ trình học IELTS từ 0 đến 7.0+ cho người mất gốc

Bài viết chia sẻ lộ trình học IELTS mới nhất cho người mất gốc, có cập nhật xu hướng từ năm 2022. Bên cạnh đó là phân tích chuyên sâu các vấn đề phổ biến của người mới bắt đầu trong quá trình chinh phục chứng chỉ này.

Ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, việc học tiếng Anh luôn được xem là một phần quan trọng trong lộ trình phát triển của bất cứ học sinh nào. Tất nhiên, các bậc phụ huynh vẫn coi trọng đầu ra cho con em mình và người học cũng vậy. Đó là lý do chứng chỉ IELTS trở nên thịnh hành, được xem như đích đến của bất cứ cá nhân nào muốn giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh.

Muốn giỏi thì phải học, phải thực hành nhiều. Nhưng, chắc chắn rất nhiều bạn trẻ (các bạn học sinh, sinh viên) mới bắt đầu học thường rơi vào tình trạng hoang mang bởi có quá nhiều lời khuyên, những con đường khác nhau được vẽ ra khiến người học không biết lựa chọn nào là hợp lý. 

Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng soi xét, bàn luận để tìm xem đâu là con đường phù hợp nhất cho từng cá nhân nhé.

Trước khi bắt đầu học IELTS, bạn hãy tham khảo lộ trình sau:

I/ Mục đích, mục tiêu học tiếng Anh, học IELTS của bạn là gì?

Trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, bạn hãy luyện thói quen đặt câu hỏi: “Mục đích cuối cùng của tôi là gì?”. Việc này sẽ giúp bạn đi đúng hướng để tập trung vào điều mà bạn mong muốn. Với việc học tiếng Anh, mục đích có thể ngắn hạn, có thể dài hạn nhưng bạn hãy cố gắng nhìn xa nhất có thể nhé. Mục đích khác nhau thì quá trình hành động cũng sẽ khác nhau. Cùng xem các ví dụ sau nhé: 

  • Bạn mong muốn du học học Đại học ở Mỹ với chuyên ngành đã xác định. Vậy bạn cần sẵn sàng cho việc sử dụng tiếng Anh trong học tập với độ khó cao chứ không chỉ học tiếng Anh giao tiếp, học thuật chung chung. Từ mục đích to lớn đó, bạn sẽ đặt mục tiêu cụ thể cho mình: 7.0+ IELTS, làm quen với một số môn học bằng tiếng Anh, viết luận bằng tiếng Anh. Vậy, việc học của bạn không chỉ dừng lại ở việc thi lấy chứng chỉ mà còn bao gồm nhiều đầu mục khác để nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình.
  • Ví dụ tiếp theo, nếu đang học cấp 2, bạn hoàn toàn chưa có mục đích lớn nào hay bạn chưa có ý định đi du học. Bạn xác định IELTS chỉ dừng lại ở việc lấy ưu thế xét tuyển cấp 3, xét tuyển Đại học thì công việc của bạn lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Đó là làm quen với cách học IELTS và đặt mục tiêu tối thiểu 6.5.

Từ mục đích và mục tiêu đề ra, các bạn sẽ lựa chọn loại chứng chỉ IELTS phù hợp, đồng thời chuẩn bị một lộ trình riêng cho chính mình.

II/ Xác định trình độ hiện tại

Sau khi xác định được mục đích và mục tiêu cụ thể, bạn cần biết trình độ của mình đang ở đâu để có được lộ trình phù hợp. 

Với IELTS, có 2 dạng chứng chỉ bạn cần biết:

  • IELTS General: Mục tiêu định cư hay làm việc tại nước ngoài, có độ khó vừa phải.
  • IELTS Academic: Mục tiêu trở thành du học sinh hoặc sử dụng tiếng Anh học thuật, có độ khó cao hơn.

Với hầu hết các bạn trẻ, IELTS Academic là lựa chọn phổ biến nhất bởi tính thực dụng, đa dụng của nó. Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội với chứng chỉ Academic này.

Về trình độ ngôn ngữ, chúng ta có thể chia làm 2 dạng chính (bài viết tập trung hướng đến những người có trình độ còn yếu):

  • Dạng 1: Mất gốc hoàn toàn hoặc chưa biết nhiều về tiếng Anh
  • Dạng 2: Đã có kiến thức cơ bản nhưng trình độ còn yếu, có nhiều lỗ hổng kiến thức

III/ Lộ trình học tập

Dưới đây là lộ trình học tập cơ bản nhất mà bất cứ người học IELTS nào từ mất gốc cũng cần trải qua:

  • Beginner (3-4 tháng): Học nền tảng ngôn ngữ cơ bản (phát âm, ngữ pháp, từ vựng)
  • Elementary (4 tháng): Tiếp tục củng cố và nâng cao nền tảng ngôn ngữ, phát triển đủ 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết
  • Pre-IELTS (4 tháng): Bắt đầu làm quen với các dạng bài thi IELTS ở mức độ cơ bản. Kết thúc khóa học này, nhiều trung tâm hay thầy cô sẽ để đầu ra từ 3.5 đến 4.0. Tuy nhiên, thực tế ở trình độ này, các bạn chưa được tiếp xúc với đề thi thật nên đánh giá như vậy không hoàn toàn chính xác.
  • Intermediate (4-6 tháng): Bắt đầu luyện đề thi thật (đề Cambridge). Mục tiêu sau các khóa học Intermediate thường là 5.5 đến 6.0 Overall.
  • Upper/Advanced: Luyện đề và nâng band điểm lên 6.5, 7.0, 7.5+. Với trình độ cao (band 7.0, 7.5+) thì thời gian học đôi khi không quyết định điểm số của bạn mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Cần lưu ý rằng khi bạn học xong một trình độ không có nghĩa là bạn đã hoàn toàn làm chủ trình độ đó, mà trong quá trình học, bạn vẫn cần thực hành liên tục để củng cố kiến thức đã học. Khi học IELTS lần đầu từ trình độ Pre, các bạn sẽ cảm thấy sức nặng, độ khó rất cao so với việc học tiếng Anh bình thường bởi một vài lý do:

  • Bạn không đủ từ vựng, chưa quen với việc sắp xếp câu, các dạng đề trong IELTS
  • Với các bài tập có độ khó cao, nhiều vấn đề của bạn sẽ bộc lộ khiến bạn mất tự tin, thấy chênh vênh trước khối lượng kiến thức khổng lồ.
  • Bạn cảm thấy bị bí khi luyện các kỹ năng Nói và Viết vì không thể triển khai ý tưởng.
  • Bạn mất quá nhiều thời gian để hiểu và xử lý bài tập.

Những điều trên khiến nhiều người cảm thấy nản, bỏ cuộc trong quá trình học. Bạn hãy xác định trước tư tưởng, thả lỏng và đừng để choáng váng khi bắt đầu làm đề thi Cambridge nhé. Ngoài ra, cần chuẩn bị cho mình đủ thời gian để học (tại có rất nhiều bạn gấp lắm rồi mới tìm mấy khoá cấp tốc để luyện thi, tự đẩy bản thân vào thế khó). 

Một mẹo nho nhỏ là trong quá trình học, bạn cần tập trung củng cố kiến thức nền càng chắc càng tốt, đồng thời tìm hiểu trước các dạng bài thi để có thêm thời gian thẩm thấu, đỡ bỡ ngỡ sau này. Cứ học đi, sai thì ta lại sửa để hạn chế tối đa lỗi sai mang tính cá nhân. Việc học ngôn ngữ là sai và sửa liên tục mà.

Chia sẻ về những yếu tố/kỹ năng quan trọng bạn cần cải thiện xuyên suốt quá trình học và những điểm cần lưu ý khi bắt đầu:

  • Kỹ năng phát âm (Pronunciation)
  • Ngữ pháp (Grammar)
  • Tích lũy từ vựng (Vocabulary)

PRONUNCIATION

Với kỹ năng phát âm, đây là nền tảng cốt lõi để xây dựng kỹ năng nói (Speaking) sau này. Bạn cần học phát âm bảng chữ cái, phát âm những từ đơn giản cho đến phức tạp. Có một thứ khiến nhiều bạn hoang mang là khi học, mỗi thầy cô phát âm một kiểu, học ở trung tâm lại khác với học ở trường. Và trong lúc nghe, bạn nghe chưa tinh, chưa phân biệt được các âm gần giống nhau. Vậy, phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thứ nhất, bạn cần hiểu rằng việc mỗi người có một giọng điệu (accent) khác nhau hoàn toàn là điều bình thường. Bạn đừng hoang mang vì điều đó.

Thứ hai, bạn hãy lên youtube hay các trang web để tìm audio nghe lại các âm khiến bạn bối rối. Khi đã nghe đủ nhiều, bạn sẽ phân biệt được và hiểu được dù người nói có phát âm chưa thực sự chuẩn.

Nếu bạn tìm hiểu kỹ hơn, ngoài cách học phát âm theo bảng phiên âm quốc tế – International Phonetic Alphabet (viết tắt IPA) thì cũng có một cách học khác đang khá phổ biến tại Việt Nam là học theo phương pháp Phonics. Phonics được hiểu cơ bản phương pháp học tiếng Anh bằng cách ghép vần để đọc các từ tiếng Anh. Phương pháp Phonics cũng tương tự như phương pháp học “đánh vần” truyền thống của Tiếng Việt.

Nguồn học gợi ý cho bạn: Master Spoken English – Feeling Phonics. Đây là bộ DVD Video dạy phát âm theo chuẩn Mỹ, dành cho những ai muốn chuẩn hóa năng lực phát âm của mình, nghĩa là muốn nói tiếng Anh – Mỹ thật gần giống với chuẩn bản ngữ. Cách “luyện” phát âm được hướng dẫn rất chi tiết qua từng video, giúp người học hình dung được khẩu hình miệng, biết cách lấy hơi, cách đặt lưỡi để luyện từ cơ bản đến nâng cao. Đây chắc chắn là nguồn học liệu rất đáng để tham khảo cho bất cứ ai muốn thành thạo kỹ năng phát âm.

Link video: Master Spoken English

Nội dung chương trình gồm 5 DVD Video với 9 chủ đề sau: 

  1. TONAL ACTION 
  2. STRUCTURAL ACTION 
  3. NEUTRAL VOWELS 
  4. CONSONANT ACTION
  5. MORE CONSONANT ACTION 
  6. CONNECTED SPEECH 
  7. INTONATION & RHYTHMS 
  8. PRACTICE SCENES 
  9. MORE PRACTICE SCENES

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm kênh youtube Rachel’s English – cô giáo người Mỹ có rất nhiều video hay về phát âm, nối âm, cách đọc trong câu,…

GRAMMAR

Ngữ pháp là một phần cực kỳ quan trọng trong bất cứ ngôn ngữ nào. Có thể nói rằng Phát âm và Ngữ pháp như phần móng, giữ cho ngôi nhà được vững chắc, để bạn dễ dàng chồng lên những viên gạch, những dầm, trụ thực sự kiên cố. 

Ngữ pháp hiểu nôm na là toàn bộ các quy luật, quy tắc hoạt động của các yếu tố ngôn ngữ. Chẳng hạn như các thành phần của câu, cách đặt câu, sử dụng cụm từ,… Chắc ngữ pháp giúp bạn nhanh chóng phát triển cả 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Cho dù mục đích của bạn là học tiếng Anh đơn thuần hay học IELTS, bạn đều phải bắt đầu từ ngữ pháp cơ bản (Basic Grammar):

  • Các thành phần của câu và từ loại (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, trợ động từ, giới từ,…)
  • Các thì trong tiếng Anh (hiện tại, quá khứ, tương lai,…). Trong bài thi IELTS không dùng quá nhiều thì nên bạn có thể giản lược phần này, tập trung vào 3 thì chính là quá khứ, hiện tại, tương lai.
  • Cấu trúc câu và mệnh đề (câu chủ động, câu bị động, mệnh đề quan hệ,…)

Tài liệu gợi ý: 

Giải thích Ngữ pháp tiếng Anh của cô Mai Lan Hương. Đây là cuốn sách được gợi khá nhiều và cũng dễ học với hầu hết người mới bắt đầu. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bản PDF trên Internet hoặc mua sách trên các shop online.

Cambridge Grammar for IELTS –  Cuốn sách phù hợp với trình độ từ Elementary trở lên.

Với những bạn đang hướng tới những thang điểm cao trên 6.0 thì có thể học ngữ pháp nâng cao từ các trang báo nước ngoài, trong phim,… Các nguồn đó khiến bạn mở rộng và sử dụng ngữ pháp linh hoạt hơn rất nhiều.

VOCABULARY

Nếu như phát âm, ngữ pháp được xem như nền móng thì từ vựng có thể ví như những viên gạch hoàn thiện cho ngôi nhà. Chúng ta học phát âm cũng sử dụng thành phần trong từ vựng, học ngữ pháp cũng cần từ vựng để triển khai,… Mọi thứ của việc học tiếng Anh đều xoay quanh từ vựng. 

Mở rộng vốn từ là việc làm thường xuyên, liên tục và nói đúng ra, tất cả các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết đều nhằm mục đích sử dụng điêu luyện từ vựng.

Một số chia sẻ giúp bạn nâng cao vốn từ nhanh nhất:

  • Hạn chế và dần dần không sử dụng tiếng Việt trong quá trình học: Hãy tập suy nghĩ bằng tiếng Anh ngay khi bạn có thể, sử dụng từ điển Anh-Anh. Với những từ khó, bạn hãy đọc các câu ví dụ trong từ điển để tự cảm nhận và ghi nhớ nghĩa của từ, bối cảnh sử dụng từ.
  • Tiếng Anh hóa môi trường xung quanh bạn: Sử dụng các phần mềm bằng tiếng Anh. Trên facebook, bạn hoàn toàn có thể tham gia nhiều các nhóm nước ngoài có dùng tiếng Anh.
  • Đa dạng nguồn học từ vựng: Học từ youtube, giáo trình, các bài báo, các bài nghe, phim ảnh, bài hát bạn yêu thích,…
  • Đừng cố gắng ghi nhớ mà hãy cố gắng lặp lại. Việc lặp lại từ trong những bối cảnh khác nhau giúp bạn ghi nhớ lâu hơn không chỉ nghĩa của từ mà cả cách sử dụng từ.
  • Học từ vựng theo chủ đề, họ từ. Word family – họ từ vựng – là một tập hợp các từ có chung đặc điểm về gốc nghĩa, hay nói cách khác là được hình thành từ cùng một gốc từ (root/base) nhưng được thêm vào một số thành phần khác bao gồm các tiền tố (prefixes) hay hậu tố từ (suffixes) để cấu tạo nên từ mới.

Tài liệu khuyên dùng: Boost Your Vocabulary

Với những bạn đang học để lên các band cao trên 6.0, lời khuyên là nên học từ vựng qua các đề thi trong Cambridge. Không nên liệt kê quá nhiều sẽ khiến bạn bị loạn và cách này cũng không khiến bạn ghi nhớ tốt bởi từ vựng được liệt kê không được đặt trong một bối cảnh cụ thể. Khi bạn đã note đến hàng trăm từ vựng thì việc ghi nhớ từng từ trong một list như vậy là rất khó.

Trên đây là 3 yếu tố vô cùng quan trọng khi bắt đầu học IELTS. Vậy, làm sao để với tới những band cao như 7.0, 7.5+?

Bạn có thể đọc rất nhiều bài chia sẻ, review cách để đạt band này, band nọ rất nhiều trên các hội nhóm. Có không ít người đã thực sự làm chủ ngôn ngữ chứ không chỉ đáp ứng các yêu cầu của bài thi IELTS. Và họ đã đạt được điểm số ấn tượng. Hành trình để đạt mục tiêu lớn ấy luôn được quan tâm. Bạn có thể học tập từ đó nhưng cũng đừng mải miết đọc quá nhiều những chia sẻ như vậy. Nó giúp bạn có thêm động lực, một vài phương pháp nhưng phương pháp phù hợp nhất vẫn phải đến từ chính bạn.

Có một vài yếu tố ảnh hưởng đến điểm số cũng như quá trình học tập khi bạn muốn vươn tới những band điểm cao:

  • Thứ nhất, mỗi người đều có cách tư duy riêng, phương pháp học riêng và “thời điểm tỏa sáng” của riêng mình cho nên so sánh luôn là khập khiễng. Chẳng hạn như người ta học vài tháng đã được 8.0 bởi có nền tảng tốt, có môi trường rèn luyện tốt. Còn bạn sẽ phải mất lâu hơn thế, thậm chí rất khó đạt được band điểm ấy. Vậy, hãy tự đánh giá khả năng của mình để đặt ra mục tiêu phù hợp (đủ để cho bạn những cơ hội và không quá khó khiến bạn mất quá nhiều thời gian). 
  • Thứ hai, với những band điểm cao, việc “thẩm thấu ngôn ngữ” là vô cùng quan trọng. Đó là khi bạn đọc đủ nhiều, nghe đủ nhiều, có vốn từ vựng đủ nhiều, nói và viết đủ nhiều để thực sự sử dụng chính xác ngôn ngữ trong những bối cảnh quen thuộc và bối cảnh khó. 
  • Thứ ba, chú ý những lỗi sai mang tính hệ thống. Đây thường là những cản trở lớn khiến bạn học mãi không lên hoặc không đạt được điểm số kỳ vọng. Có rất nhiều người lên điểm nhanh bằng cách luyện ít mà sửa nhiều, lặp lại nhiều lần đến khi lỗi sai hay lỗ hổng kiến thức đó được lấp lại. Với những người có mức độ tiếp thu bình thường, học đến đâu chắc đến đó, thấm đến đó sẽ nhanh hơn nhiều so với việc học một cách dàn trải mà vẫn còn nguyên những lỗi sai.
  • Thứ tư, tài liệu học tối thiểu, môi trường thực hành tối đa. Nhiều bạn luôn có thói quen đi “săn” tài liệu học tập nhưng trên thực tế, 3 nguồn học liệu sau là khá đầy đủ: Get Ready for IELTS, Cambridge và Practice Test Plus (tương tự đề thi Cambridge). Ngoài một vài nguồn tài liệu học, hãy cho mình không gian để “chill” với tiếng Anh. Đọc tờ báo mình thích, xem bộ phim mình thích, bật bài nhạc mình thích, đi thư viện tiếng Anh. Chắc chắn bạn sẽ vỡ ra nhiều điều và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của bạn sẽ tiến bộ nhanh không tưởng.
  • Thứ năm, bạn cần một quyết tâm lớn nếu bạn không có được cái gọi là “tố chất” trong việc học ngoại ngữ. Nhiều người có khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ rất tốt cũng phải trầy trật để leo tới những thang điểm cao. Nếu bạn không được như vậy thì bạn có thể đi con đường khác, dù xa hơn, dù lâu hơn nhưng khi bạn đủ nỗ lực, đủ kiên trì, đủ cảm hứng, bạn cũng sẽ tới đích.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất để đạt được kết quả kỳ vọng.

 

 

From Học viện SunUni

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn