Những cách học tiếng Anh bạn không nên lặp lại

Học tiếng Anh, là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của bất cứ ai, kể cả bạn có năng khiếu đi chăng nữa. Nếu khả năng cho phép bạn dễ dàng học tập, bạn vẫn có những nấc thang lớn để thử thách bản thân như các kỳ thi quốc tế (IELTS, TOEFL,…) hay viết các bài luận, thuyết trình bằng tiếng Anh,… Còn nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc học ngôn ngữ này, bạn càng phải nỗ lực thật nhiều để đạt được những mục tiêu cơ bản nhất của cả 4 kỹ năng.
Trong quá trình học, chắc chắn nhiều bạn đã bỏ cuộc hoặc tự kéo dài con đường tới đích của mình theo những cách “lỗi thời”. Cụ thể đó là những cách nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây và cảm nhận xem điều này có đúng hay không nhé.

1. Cố gắng dịch tiếng Anh ra tiếng Việt

Có thể nói đây là sai lầm cơ bản nhất không hẳn xuất phải xuất phát từ người học mà từ cả cách giáo dục. Ở các thành phố lớn, học sinh được tiếp cận với các mô hình học tập mang hướng quốc tế hoá khi lớp học có giáo viên nước ngoài và gần như giao tiếp 100% bằng tiếng Anh. Nhờ đó, các bạn nhỏ sớm có tư duy bằng tiếng Anh, giúp phản xạ tốt hơn rất nhiều. Ngược lại, ở nhiều trường công lập hay những nơi mà học sinh còn chưa có điều kiện học tập tốt, giáo viên Việt luôn hướng dẫn các em học từ mới theo cách dịch nghĩa tiếng Việt. Cách học này tuy giúp nhớ từ mới nhanh hơn nhưng về lâu dài lại khiến ta không thể suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới, cản trở khả năng giao tiếp lưu loát do não luôn phải dịch từng từ hoặc cụm từ ra tiếng Việt khi nói hoặc nghe. Thêm vào đó, không phải từ nào của tiếng Anh cũng có thể dịch ra tiếng Việt một cách chính xác. Bởi vậy, chúng ta cần thêm sự cảm nhận, đặt từ ngữ vào tình huống cụ thể. Việc dịch ra tiếng Việt đôi khi làm sai lệch hoàn toàn nghĩa của từ đó. Ví dụ như một từ đơn giản: “You”, nếu dịch ra là “bạn” thì chỉ đúng trong trường hợp bạn bè nói chuyện với nhau. “You” còn dùng trong rất nhiều ngữ cảnh giao tiếp khác và nghĩa của nó phụ thuộc vào đối tượng mà bạn nhắc đến. 

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều giáo viên hiện đại khuyên học sinh, sinh viên nên sử dụng từ điển Oxford để học từ mới. Hiểu nghĩa của từ tiếng Anh qua từ điển Anh-Anh là cách làm được khuyến khích với tất cả những bạn không có môi trường thực hành tốt. Mỗi từ đều có khá nhiều nghĩa khác nhau, các bạn nên nhớ một vài nghĩa thông dụng trước, sau đó khi phát sinh các ngữ cảnh mới, bạn sẽ có thêm tích luỹ về vốn từ

Cũng có rất nhiều cách để học từ mới khác hiệu quả hơn, vậy nên bạn hãy bỏ ngay cách dịch ra tiếng Việt này nhé. Về lâu dài sẽ rất bất lợi cho quá trình học của bạn đó.

2. Ghi chép và học thuộc từ

Đây là cách học kinh điển được áp cho các bạn trẻ 9x đời đầu. Hẳn nhiều bạn còn nhớ lần đầu được học tiếng Anh, giáo viên phát âm sai đã đành, cuối giờ còn cho một “list” từ mới dài dằng dặc để học thuộc. Việc làm sai lầm này là hệ quả của việc giáo viên không biết được mục đích học ngôn ngữ mới thực sự là gì. Đó là sử dụng trong giao tiếp, trong học tập và làm việc chứ không phải ghi nhớ một cách máy móc. Cho đến tận bây giờ, nhiều trường học vẫn cho phép giáo viên dạy học sinh theo cách thức “lạc hậu” này. Học sinh thậm chí không thể nhớ hết từ mới, chỉ biết cố gắng ghi nhớ chứ không biết sử dụng trong việc đặt câu, trong giao tiếp thông dụng.
Để ghi nhớ từ mới, chúng ta có rất rất nhiều phương pháp hay. 

Học qua mô hình “đa giác quan”

Chẳng hạn như với từ “car” (xe oto), giáo viên sẽ cho học sinh đọc, viết, xem hình ảnh thực tế, đặt câu với từ này, hoặc vui nhộn hơn có thể tổ chức trò chơi với các từ ngữ chủ đề phương tiện giao thông. Như vậy, học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức, ghi nhớ một cách dài hạn, biết cách sử dụng từ ngữ chứ không đơn thuần là học nghĩa của từ. 

Luyện tập với nhiều từ tốt hơn là học theo danh sách từ đơn lẻ

Đây là cách phù hợp với học sinh ở độ tuổi lớn hơn như học sinh cấp 2, cấp 3 và sinh viên. Có 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Chẳng hạn như với kỹ năng Đọc, các bạn có thể tập đọc những mẩu tin tức nhỏ hàng ngày, có từ mới thì tra nghĩa tiếng Anh. Tốt nhất là với mỗi mẩu tin đó, bạn đọc ít nhất 7 lần cách ngày ra nhé. Từ nào quên thì bạn tra lại, không cần cố gắng ghi nhớ. Việc lặp lại rất quan trọng, nó giúp bạn ghi nhớ cả từ mới và ngữ cảnh một cách chính xác. Cách học này có thể áp dụng với 3 kỹ năng còn lại như nghe một mẩu chuyện hàng ngày, viết nhật ký hàng ngày, kể về cuộc sống của bạn mỗi ngày. 

Nếu bạn vẫn muốn duy trì cách học từ vựng theo danh sách, hãy mua hoặc tự tạo Flashcard và áp dụng theo cách khoa học hơn nhé. Kết hợp từ với hình ảnh sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ lên gấp nhiều lần.

3. Chỉ học từ một nguồn hoặc học quá nhiều nguồn

Cái gì ít quá cũng không tốt mà nhiều quá cũng không tốt. Chúng ta thường cần một liều lượng hợp lý cho mọi việc trong cuộc sống.
Các app học tiếng Anh thường quảng cáo rằng chỉ cần học theo lộ trình họ soạn sẵn là có thể giỏi ngôn ngữ này. Các bạn chớ vội tin nhé. Chỉ học ngoại ngữ từ một nguồn dễ khiến người học mắc những thiếu sót mà bản thân thường ít khi nhận ra trong giai đoạn đầu. Nhiều người bận rộn chọn học ngoại ngữ online cùng gia sư bản xứ cũng gặp trường hợp tương tự như người dùng các ứng dụng này. Vốn chỉ quen nghe từ một giọng (accent) nhất định, họ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải giao tiếp trong môi trường thực tế, đặc biệt là khi chuyển tới nước ngoài sinh sống.

Những ứng dụng học trực tuyến thường chỉ mang tính bổ trợ cho quá trình học của bạn. Bạn cần một lộ trình học chuẩn mực, có thời hạn riêng cho bản thân, nguồn tài liệu chính để việc học đi tới đích. Thông thường khi học ở trường bạn sẽ có sách giáo khoa, còn học ở trung tâm sẽ có giáo trình và một số tài liệu phụ. Đó là những học liệu chính mà bạn cần tập trung theo. Tuy nhiên, hãy cố gắng mở rộng môi trường thực hành của mình bằng nhiều kênh khác. Bạn có thể xem bộ phim bạn thích, theo dõi các kênh youtube bằng tiếng Anh,… Đó vừa là cách giúp bạn tăng thời lượng thực hành, đối chiều với kiến thức đã học, vừa giúp bạn đam mê ngôn ngữ hơn, để từ đó hiểu ngôn ngữ một cách sâu rộng hơn. Càng học, bạn càng thấy kiến thức là vô tận.

Trên đây là lời khuyên về mở rộng môi trường thực hành. Còn một trường hợp được coi như vết xe đổ của người học ngoại ngữ đó là học theo quá nhiều nguồn. Vấn đề này có thể hiểu theo nhiều cách bởi nó sẽ diễn ra với nhu cầu học tập ngày một đa dạng. 

Có những gia đình cho con học tiếng Anh ở nhiều nơi: Học ở trường, học trung tâm, học thêm gia sư riêng nhưng con lại không tiến bộ nhiều. Một trong những nguyên nhân là bởi con bị “loạn” trong việc tiếp thu kiến thức mới. Với người lớn cũng vậy, khi bạn học theo quá nhiều tài liệu, lúc nào cũng thấy thiếu, cái nào cũng muốn học thì rất dễ xa rời mục tiêu ban đầu. Và để xử lý, các bạn nên bình tĩnh, kiên nhẫn hơn. Học đến đâu tìm kiếm tài liệu tham khảo đến đó, học đến đâu chắc đến đó, học một thầy là tốt nhất (trừ trường hợp chuyển qua giáo viên tốt hơn để tăng band điểm thi nhé). Các bạn chớ lan man học theo quá nhiều nguồn, dễ trở thành một vòng luẩn quẩn lắm đó.
 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn