Những cách học tiếng Anh mà người giỏi thường áp dụng

Việc làm thế nào để giỏi tiếng Anh là câu chuyện muôn thuở với tất cả các bạn trẻ, cho dù là thế hệ nào đi chăng nữa. Các bạn trẻ Gen Z có vẻ như có nhiều lợi thế hơn những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, muốn giỏi vẫn phải học nhiều và thường thì luôn có những người gặp vô vàn khó khăn trong quá trình học ngoại ngữ này. 

Những người đã làm chủ tiếng Anh có đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, nên sẽ sở hữu những cách học khác biệt phù hợp với bản thân. Vậy những cách học đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.

Nghe chép chính tả

Chép chính tả là một trong những cách được chia sẻ rất phổ biến, được cho là phù hợp với nhiều người. Dù vậy, vẫn có rất nhiều hướng triển khai khác nhau. Có người thì cố gắng nghe từng chút, vừa nghe vừa chép, tua đi tua lại đến khi nghe không sót chữ nào. Có người lại xem transcript trước để nắm được ý chính rồi mới nghe – chép. Có người nghe từng câu một, có người nghe nhiều đoạn rồi mới chép lại. 

Đây là phương pháp rất mất thời gian, công sức nhưng đổi lại là sự tiến bộ nhanh chóng, vững chắc đến bất ngờ. Theo mình, nếu bạn là người kiên nhẫn, cảm thấy dễ chịu với việc vừa nghe vừa chép thì bạn hoàn toàn phù hợp với phương pháp này. Ngược lại, không ít bạn đã áp dụng không thành công bởi gặp các vấn đề như tua lại để nghe nhiều lần sẽ rất nhức đầu, không thể kiên nhẫn để nghe và chép lại từng câu,… Nếu đã cố gắng áp dụng mà thấy không phù hợp, hãy thử phương pháp khác nhé các bạn.

Nói chuyện một mình

Những lúc ở trong phòng một mình, bạn hoàn toàn có thể luyện nói trước gương hoặc quay lại video Speaking của chính mình. Với cách này, bạn không cần chuẩn bị quá nhiều, chủ đề đơn giản có thể áp dụng bất cứ lúc nào đó là kể lại một ngày làm việc của mình. Hãy cố gắng nghĩ bằng tiếng Anh, sử dụng những mẫu câu mà bạn nghĩ ra đầu tiên và phát âm một cách tròn trịa nhất.

Phương pháp này thoạt nhìn có vẻ hơi “tự kỷ” nhưng đó là cách rất tốt mà bạn dễ dàng áp dụng khi không có môi trường để luyện tập. Thậm chí, nhiều người giỏi cũng đã từng tự giao tiếp với chính mình trong một thời gian rất dài.Mục đích là luyện nói càng nhiều càng tốt, chuyển từ tư duy bằng tiếng Việt sang tư duy bằng tiếng Anh. Hãy thử ngay nhé, biết đâu phương pháp này sẽ làm bạn bất ngờ đấy.

Lên kế hoạch chi tiết và đặt ra những mục tiêu thực tế

Hãy lên kế hoạch từ:

  • Mục đích (cái lớn nhất, cái mà bạn muốn sau cùng) – Ở đây có thể là đi du học, định cư ở nước ngoài,…
  • Mục tiêu (những điều bạn cần đạt được sau một khoảng thời gian nhất định) – Mục tiêu với từng kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết trong vòng mấy tháng?
  • Hành động (những việc bạn cần làm để đạt được mục tiêu đó) – Học bao nhiêu 1 ngày, học những gì, học như nào,…

Tất nhiên, trước khi học tiếng Anh, bạn hoàn toàn chưa có kinh nghiệm (bao lâu học xong phát âm, bao lâu xong thì làm chủ ngữ pháp, bao lâu thì đạt 6.5,…). Có rất nhiều nguồn tham khảo cho lộ trình của bạn như tự xây dựng lộ trình theo 1 trung tâm tiếng Anh nào đó chẳng hạn. Không cần làm quá chi tiết, hãy đơn giản hoá việc đó bằng các gạch đầu dòng, sắp xếp từ đầu việc lớn đến các đầu việc nhỏ hơn, chi tiết hơn.

Xây dựng kế hoạch cá nhân không chỉ giúp bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu học ngoại ngữ mà còn giúp ích nhiều cho sự nghiệp của bạn sau này. Đó là kỹ năng quan trọng, hãy luyện tập thật chăm chỉ nhé.

Mẹo: Một ứng dụng tuyệt vời dùng để phục vụ việc lên kế hoạch học là My Study Life. Nó giúp bạn thiết lập thói quen học tập, và cũng có thể sử dụng để sắp xếp cả công việc trong một ngày của bạn. 

Ôn lại bài học trên lớp, học có độ lặp

Một trong những sai lầm lớn của nhiều người học tiếng Anh là luôn hứng thú với kiến thức mới, cố gắng lưu lại kiến thức được chia sẻ trên Facebook hàng ngày mà hầu như không bao giờ xem lại những bài đã học. Trên thực tế, việc lặp lại các từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp quen thuộc ở nhiều ngữ cảnh khác nhau chắc chắn giúp bạn tiến bộ nhanh hơn, học hiệu quả hơn việc bổ sung kiến thức mới liên tục một cách dàn trải. 

Khi luyện nói hay luyện viết, bạn không nhất thiết phải nghĩ ra bài nói mới, bài viết mới khi chưa đủ trình độ vì việc đó mất rất nhiều thời gian với những bạn Beginner. Bạn hoàn toàn có thể lấy những bài đã nói, đã viết (được thầy cô chữa) dùng làm tư liệu luyện tập hàng ngày. Cách này giúp bạn ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng và lâu dài, rút ngắn thời gian chuẩn bị, đồng thời giảm độ khó của việc thực hành. Nhờ đó, bạn chắc chắn đạt được hiệu quả từ việc tận dụng kiến thức đã học.

Các bạn level cao hoàn toàn có thể áp dụng cách này bởi nó vừa giúp bạn tăng thời lượng thực hành, vừa giúp đào sâu kiến thức, và đôi khi là nhẫn ra những lỗi sai cơ bản mà bạn thường xuyên mắc phải.

Gợi ý thực hành:

  • Luyện nói, luyện viết với những bài đã được chữa
  • Xem nhiều lần 1 tập phim, 1 video tiếng Anh mà bạn yêu thích
  • Nghe đi nghe lại, nghe kỹ 1 bài hát (đôi lúc hơi tra tấn 1 chút ^^)
  • Sử dụng 1 mẫu câu trong nhiều trường hợp

“Tiếng Anh hóa” môi trường xung quanh bạn

 Đây là một phương pháp rất đơn giản mà không nhiều người để ý. Chúng ta luôn than phiền rằng không có môi trường để thực hành nhưng lại không biết cách tự tạo ra môi trường học tập cho chính mình từ những thứ xung quanh.

Làm như thế nào nhỉ?

  • Chuyển hết cài đặt ngôn ngữ ở Facebook, Zalo, Youtube,… những phần mềm bạn sử dụng hàng ngày sang tiếng Anh
  • Tham gia các nhóm chat tiếng Anh trên Facebook
  • Đọc tin tức của những trang báo ở Châu Âu hoặc Mỹ (nếu bạn cảm thấy khó có thể lọc ra những bài dễ đọc)
  • Xem các vlog về du lịch, nấu ăn hay bất cứ chủ đề nào bạn thích trên Youtube
  • Luyện nói đơn giản với bạn bè, người thân trong gia đình.

Bạn thấy sao với những phương pháp trên? Nó khó hay dễ, có hữu ích với bạn chứ?

Chúng ta luôn có rất nhiều cách, mỗi cách học phù hợp với các đối tượng khác nhau. Hãy chọn cho mình các phương pháp thực sự hợp với bạn để rút ngắn quá trình học ngoại ngữ nhé. Chúc các bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn