Chúng ta có thể làm tất cả để tạo ra một rừng điểm số, huy chương, giải thưởng, đỗ chuyên chọn… Nhưng để một đứa trẻ đi qua thời phổ thông hoặc một sinh viên đi qua thời đại học, mà không đọc sách hoặc có đọc nhưng đọc không thấm, không sâu, thì với mình, có lẽ đó là một thất bại của giáo dục và của phát triển bản thân. Vì chúng ta quên dạy cho lũ trẻ và cho chính bản thân cách tự học trọn đời bền vững nhất.
Có rất nhiều điểm số, huy chương, giải thưởng không cần đọc sách (trừ sách giáo khoa, sách đề thi) vẫn có được. Nhưng để sống tốt và thành công, lẫn hạnh phúc, ở trong một xã hội phức tạp và thế giới biến động, các môi trường học tập – làm việc đầy thử thách, thì một quyển sách là điều mỗi người cần.
Vậy hãy cùng xem những sinh viên xuất sắc thật sự – không hẳn chỉ qua điểm số, mà còn qua những thành tựu họ tạo được trong đại học và trong công việc, cuộc đời, kể cả khi điểm học bạ của họ khá bình thường – đọc như thế nào?
Làm thế nào để họ không chỉ có đọc, mà trong lúc đọc lại có thể cùng lúc phát triển bao la kỹ năng và tư duy mà vô số sinh viên khác chỉ có đọc, nhưng… “không lớn”?
– – – – –
? 1. Ý ĐỊNH SÂU SẮC
Trước khi mở sách, họ đặt câu hỏi:
– Sách này về cái gì?
– Quan điểm là gì?
– Nó liên quan đến các môn học khác như thế nào?
– Nó sẽ thử thách tôi ra sao?
Họ có ý định tìm ý nghĩa trong câu chữ và áp dụng những điều đó để giải quyết một số vấn đề. Như một thám tử đang tìm manh mối cho vụ giết người bí ẩn, họ cày cuốn sách với những câu hỏi dẫn dắt tư duy truy vấn. Họ đi tìm ý nghĩa ẩn sâu câu chữ, xem những con chữ màu đen như một cửa sổ gợi mở ra một thế giới khác.
– – – – –
? 2. DỰ ĐOÁN & SÁNG TẠO
Họ suy đoán về những thứ họ sẽ đọc, rồi dần dần xác nhận và loại bỏ những dự đoán ấy trong lúc đọc. Những người đọc giỏi thường sáng tạo ra cuốn sách mà họ chuẩn bị đọc. Họ tưởng tượng câu hỏi và các giải pháp khả thi, và sau đó đo lường những phỏng đoán đó với những gì hiện ra trên trang sách.
Thao tác này giúp việc đọc trở nên ý nghĩa hơn. Ngoài ra, có bằng chứng nghiên cứu chỉ rõ là: Việc suy đoán và dự đoán trước khi có “câu trả lời đúng” giúp người đọc trở thành bậc thầy trong việc thích ứng, có khả năng xử lý những vấn đề bất thường một cách hiệu quả hơn.
– – – – –
? 3. XEM XÉT TỔNG QUAN
Họ xem xét một cuốn sách (đặc biệt là sách phi hư cấu) hoặc một bài báo trước khi đọc, bằng cách xem qua mục lục để biết manh mối về mục đích và cấu trúc. Họ đọc phần tóm tắt đầu tiên, đọc tiêu đề và để ý các bằng chứng và kết luận chủ đạo được đưa ra ở đây.
– Cuốn sách được tổ chức theo kiểu cảm tính hay suy luận?
– Xuất bản khi nào?
– Tôi biết gì về tác giả?
– Tại sao tác giả lại viết cuốn sách này?
– Tác giả đang cố trả lời những câu hỏi nào?
– – – – –
? 4. KẾT NỐI & CHẤT VẤN
Những sinh viên xuất sắc nhất luôn tạo ra những liên kết trong lúc đọc, kết nối những gì họ đọc với những câu hỏi lớn hơn, thường xuyên tạm dừng để chiêm nghiệm và tích hợp thông tin. Họ viết các ghi chú ở bên lề, hoặc ghi lại các ý tưởng và suy nghĩ của bản thân trong sổ tay. Thi thoảng họ vẫn vật lộn với những câu hỏi trong đầu, không biết giải đáp thế nào, nhưng đó là một phần rất tự nhiên của quá trình đọc.
Với văn học hư cấu, họ có nhiều cách kết nối.
– Các câu hỏi triết học lớn mà cuốn sách này chạm đến là gì?
– Nó giúp tôi đương đầu với cuộc sống và thế giới ra sao?
– Đây có phải là một mô hình thu nhỏ của thế giới?
– Ngôn ngữ được sử dụng như thế nào để tạo nên cảm xúc?
– Tại sao tôi khóc, cười, hay là cười để che giấu cảm xúc buồn muốn khóc?
– Cuốn sách xử lý không gian và thời gian, nhịp điệu và chuyển động, hình ảnh và âm thanh như thế nào?
– Nó có giúp tôi nhìn ra các vấn đề về công lý và đạo đức khác nhau?
Còn trong sách phi hư cấu, họ kết nối bằng cách tìm kiếm các lập luận, kể cả lập luận trực tiếp và gián tiếp, hoặc hàm ý. Khi chủ động chia nhỏ lập luận, họ có thể đặt câu hỏi cho những cấu phần nhỏ đó.
– Liệu các cơ sở dẫn chứng có ủng hộ cho kết luận?
– Những ý tưởng nào tôi có thể rút ra từ cùng một thông tin?
– Lập luận còn thiếu thứ gì?
– Nếu tôi chấp nhận dẫn chứng, có phải tôi đồng ý với kết luận?
– Ở đây có những giả định nào?
– Điều này liên quan đến môn học khác và cuộc sống ra sao?
– – – – –
? 5. ĐÁNH GIÁ
Họ đánh giá chất lượng và bản chất của bằng chứng.
– Nếu bằng chứng phải đến từ việc tự suy luận, thì liệu suy luận có hợp lý?
– Có cách nào khác để đánh giá bằng chứng hay không?
– Còn nếu bằng chứng đến từ quan sát và trải nghiệm thực tế, thì liệu nó có bị tác động bởi người quan sát và góc quan sát hay không?
– – – – –
? 6. CÂN BẰNG
Với những người học chủ động, họ nhận ra những tán thành và bất đồng quan điểm, ý kiến tồn tại giữa cuốn sách đang đọc với những tài liệu khác, cũng như với chính quan điểm của bản thân. Họ hiểu rằng hai người vẫn có thể có thái độ khác nhau, dù có chung một niềm tin. Hoặc hai người có chung một niềm tin, nhưng vẫn có thể tán thành hoặc bất đồng về mặt thái độ.
Vì vậy, khi đọc, những sinh viên xuất sắc nhất cố gắng cân bằng giữa các thái độ và niềm tin, không chỉ của văn bản mà còn của bản thân, để vừa chắt lọc, mài sắc tư duy, vừa tránh cái tôi quá to, khư khư (một cách vô thức hoặc có chủ đích) ôm lấy một niềm tin, thái độ cứ như đó là chân lý.
– – – – –
? 7. TỔNG KẾT
Đa phần những sinh viên xuất sắc nhất ghi chú khung ý tưởng trong lúc đọc, và từ từ chắt lọc các ý tưởng ghi chép thành phần tóm tắt cuối một chương, một phần hoặc sau khi đọc xong cuốn sách. Với mỗi bước tổng kết, họ có thể vừa đánh giá bằng chứng, kết luận, vừa để ý các khái niệm, vừa suy nghĩ cách ứng dụng vào thực tế.
Những người “cao tay” hơn, còn dùng chính những tổng kết đó – bao gồm cả thông tin kiến thức, tư duy lập luận, từ ngữ diễn đạt – để tự viết lại “phiên bản rút gọn” cuốn sách của riêng họ, hoặc với một chủ đề liên quan.
– – – – –
? 8. ĐỌC NHƯ THỂ ĐỂ DẠY
Những sinh viên xuất sắc nhất, khi đọc một cuốn sách, đều đọc với tâm thế như là để dạy lại cho một ai đó. Nếu đọc chỉ để đơn giản cho có, thường sẽ đọc lướt qua, hoặc khi đọc không chịu săm soi, mổ xẻ những gì trong sách. Vậy nên, cái họ có được sau khi đọc chỉ là một vài ý chính, mà qua thời gian sẽ dần trở nên mơ hồ, chứ chưa chắc họ phát triển được kỹ năng hay tư duy gì cho sâu.
Chỉ khi nào một người đọc với tâm thế là họ cần phải dạy lại cho một ai đó, thì họ mới thật sự chạm đến các lát cắt chiều sâu của cuốn sách, và thu lợi nhiều hơn từ cuốn sách so với những người khác chỉ có đọc mà không có thấm.
– – – – –
Các nhà nghiên cứu quan sát và phân ra 05 dạng sinh viên trong đại học:
1. Những người nhận điểm kém, bỏ cuộc và sống một cuộc đời chủ yếu phụ thuộc vào người khác.
2. Những người nhận điểm kém, không làm gì mấy nhưng luôn “tự lừa” bản thân rằng một ngày nào đó họ sẽ tỏa sáng (dù không có bằng chứng).
3. Những người nhận được điểm tốt, xuất sắc nhưng trong công việc, họ cũng không hiệu quả, thành công hơn những người điểm C và D là mấy, có khi còn thua.
4. Những người nhận được điểm tốt và học sâu, thích ứng tốt, giải quyết vấn đề xuất sắc, đầy sáng tạo và giàu lòng trắc ẩn.
5. Những người nhận được điểm trung bình, nhưng một ngày nào đó đạt được thành công phi thường bởi vì họ đã học sâu, mặc dù sở hữu bảng điểm bình thường.
? Và cách đọc chính là một trong những chìa khóa làm nên sự khác biệt của Nhóm 4–5 so với nhóm 1–2–3.
Và những sinh viên thuộc nhóm 4–5 đa phần (trừ những trường hợp ngoại lệ) là những người đi qua thời đại học – và cả cuộc sống sau này – chịu đọc, thích đọc, đọc sâu và đọc vì họ hiểu những giá trị mà nhiều người trong nhóm 1–2–3 có lẽ sẽ khó mà hiểu được.
[Lược trích: Những sinh viên xuất sắc nhất làm gì?]
Thầy Hiếu