Câu chuyện tiếng Anh giá rẻ

Con gái bạn tôi trả 200.000 đồng cho một giờ học thêm tiếng Anh, bình quân mỗi tháng gia đình tốn hơn ba triệu đồng cho ngoại ngữ này.

Một người khác muốn con tăng điểm IELTS để săn học bổng đại học nước ngoài được một trung tâm ra giá khoảng 400 triệu đồng cho hơn một năm ôn luyện và tư vấn chuẩn bị hồ sơ.

Chi phí đào tạo một giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay, nếu tính đúng và đủ, cũng không hề nhỏ. Có nơi đưa ra mức phí 150 triệu đồng cho chương trình đào tạo bốn ngày với 10 giáo viên, tức gần bốn triệu đồng mỗi giáo viên trong một ngày đào tạo.

Chẳng lẽ các gia đình ít tiền chấp nhận con mình chỉ học tiếng Anh ở mức cầm chừng?

Gần 30 năm trước, tôi là giáo viên dạy tiếng Anh. Bây giờ, tôi cũng tham gia dạy tiếng Anh nhưng theo cách khác.
Công cụ của tôi trước đây là cuốn giáo trình để dạy đọc, một đài cassette để dạy nghe và hộp phấn để dạy viết. Còn hiện nay, công cụ của tôi là bài giảng số với hàng ngàn giờ học được lưu trong máy tính hoặc trên Internet.

Lớp học của tôi ngày xưa là căn phòng có quạt trần, lớp học ngày nay có điều hoà, có bảng tương tác, máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh. Lớp học ngày nay còn có thể là lớp học ảo, không cần gì ngoài một thiết bị được kết nối Internet.

Trước kia, tôi chỉ dạy được tiếng Anh giao tiếp, ngày nay chúng tôi dạy tiếng Anh chuyên ngành cho học sinh ngay từ lớp một, phổ biến nhất là toán và khoa học. Nhiều học sinh tiểu học trong đợt ở nhà vì Covid-19 đã tự làm các dự án khoa học bằng tiếng Anh và tải lên mạng. 30 năm trước, chẳng ai tưởng tượng ra chuyện này.

Vài ví dụ trên liên quan đến áp dụng chuyển đổi số trong dạy tiếng Anh. Và điều quan trọng nhất của phương pháp này là chi phí dạy và học rẻ hơn nhiều theo cách cũ, chưa kể giải quyết được câu chuyện chất lượng và quy mô.

Một chương trình ngoại ngữ chuyển đổi số công bố mức học phí 1,5 triệu đồng cho một tài khoản học online vô thời hạn. Đời học tập của tôi tạm tính còn 50 năm nữa, nếu theo chương trình này, mỗi tháng tôi chỉ tốn 1,5 triệu đồng, chia cho 50 nhân 12, bằng 2.500 đồng. Công ty cung cấp dịch vụ này không làm từ thiện, thậm chí họ còn có lợi nhuận vì chỉ mất chi phí sản xuất một lần, sản phẩm được dùng hàng vạn lần. Càng bán được cho nhiều người, họ càng có lãi vì biên chi phí sản xuất gần như bằng 0. Tôi thấy rõ, công nghệ đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho ai biết cách tận dụng nó.
Đối với học sinh, tham gia các chương trình tiếng Anh chuyên ngành, các cháu sẽ thu nhận được cả kỹ năng giao tiếp và kiến thức về các môn khác – nền tảng tốt cho việc học cao hơn hoặc tự học sau này. Các bài giảng số đều lồng tiếng người bản ngữ nên chất lượng phát âm của học sinh khác biệt rất nhiều so với cách học trước đây.

Vai trò và chất lượng của giáo viên cũng thay đổi mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số. Công nghệ đã gánh đỡ, làm thay giáo viên rất nhiều. Giáo viên chuyển đổi số từ người độc quyền kiến thức nay là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh và dạy các em phương pháp tư duy và cao hơn là truyền cảm hứng học tập. Nhờ công nghệ hiện đại, một giáo viên có thể dạy không giới hạn số học sinh. Một bài giảng số, một lớp học ảo có thể đến với hàng triệu học sinh và được học đi học lại vô số lần.

Khi dịch vẫn hoành hành, việc giáo dục chuyển sang học trực tuyến trên các nền tảng số là không cần phải bàn cãi bởi sự tiện lợi và chi phí thấp. Trước đây, một trung tâm ngoại ngữ chỉ có thể dạy vài trăm học sinh, nhưng chúng tôi hiện đang dạy hơn 30 ngàn học sinh tại Hà Nội và có thể nâng con số này lên gấp 100 lần mà không nhất thiết phải tăng tương ứng nguồn lựcchi phí.

Tuy nhiên, câu chuyện không phải không có bất cập. Công nghệ và sự thay đổi có tính bước ngoặt luôn đem lại lợi ích cho người này và thiệt thòi cho người khác. Cá nhân tôi nhận thấy, ở nông thôn và miền núi, các thiết bị điện tử cho việc học chuyển đổi số vẫn còn xa xỉ so với thu nhập của đa số dân; áp dụng công nghệ số vào giảng dạy chưa thực sự phổ biến trong giáo viên, nhất là những người ngại thay đổi. Việc phổ cập tiếng Anh số hoá có thể bộc lộ những hạn chế của nguồn nhân lực hiện tại. Các đơn vị sản xuất cũng chưa đưa ra được sản phẩm thực sự phù hợp với học sinh Việt Nam hoặc phù hợp nhưng giá thành khá cao.

Tiếng Anh rất cần thiết cho công cuộc hội nhập của đất nước và mưu sinh của cá nhân. Vì thế, mấy chục năm qua, nhu cầu học tiếng Anh liên tục tăng. Chuyển đổi số trong giảng dạy tiếng Anh đang mở ra cơ hội mới cho hàng triệu học sinh, đặc biệt là con em những gia đình chưa khá giả.
Khâu thẩm định các chương trình liên kết giáo dục hiện thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và đang bị phức tạp hóa. Khi các công ty giáo dục đến một địa phương, họ mất nhiều thời gian cho thủ tục, chưa kể, mỗi nơi lại có quy trình và đòi hỏi riêng, đôi khi dẫn đến việc lựa chọn sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào chất lượng.

Vì lợi ích của đông đảo học sinh, nhất là học sinh nông thôn, miền núi, tôi mong việc xã hội hoá dạy tiếng Anh được thúc đẩy và quản lý hợp lý để kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, sàng lọc được sản phẩm tốt nhất cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cân nhắc việc chủ trì thẩm định và cấp phép các chương trình liên kết tiếng Anh tại các trường công để thống nhất quản lý và giảm thủ tục hành chính.

Hỗ trợ cho một thị trường “Tiếng Anh giá rẻ”, chính phủ có thể khuyến khích các công ty viễn thông và công nghệ cung cấp thiết bị kết nối và cước dữ liệu với mức giá ưu đãi cho học sinh và thầy cô ở nông thôn, miền núi, gia đình thu nhập thấp. Bên cạnh đó, một cơ chế khuyến khích việc hợp tác giữa các công ty công nghệ, viễn thông và giáo dục sẽ giúp tạo ra giải pháp tiên tiến.

Về phần mình, tôi tin, các công ty giáo dục, gồm cả chúng tôi, sẽ không ngại thực hiện trách nhiệm xã hội như miễn, giảm học phí cho người học vì những lợi ích lớn hơn con số doanh thu.

Bạch Ngọc Chiến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn