Tương tác và một số vấn đề của học tập trực tuyến

Trước đây, khi nhắc đến học trực tuyến, nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, còn cảm thấy khá xa lạ. Họ có nghe, có biết đến nhưng gần như chưa được tiếp cận và hơn hết là không có điều kiện về hạ tầng để học. Ở các thành phố lớn, học trực tuyến được chú ý nhiều hơn, các gia đình có điều kiện cho con em theo học cũng không phải ít. Tuy nhiên, có vô vàn những nguyên nhân lớn nhỏ khiến hình thức học online không phải sự ưu tiên hàng đầu như: Chất lượng đường truyền không ổn định, thiếu tương tác, học sinh không thoải mái trong quá trình học,… 

Ai cũng hiểu học trực tuyến là một phần quan trọng trong giáo dục. Hình thức học tập này có rất nhiều điểm tiện lợi nếu chúng ta biết tận dụng công nghệ, đổi mới phương pháp, tăng cường đầu tư nghiên cứu phục vụ người học. Chứ học trực tuyến không phải là mang chương trình truyền thống để dạy qua Internet. Bên cạnh đó, học trực tuyến góp phần xóa đi sự bất bình đẳng về giáo dục giữa các vùng miền bằng cách đưa các chương trình học chất lượng cao vào giảng dạy. Học sinh có cơ hội tiếp cận với chương trình tốt mới giúp các em bứt ra khỏi vùng trũng, phát triển mạnh mẽ hơn các thế hệ trước.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến những vấn đề nổi cộm được tạo ra bởi những biến động của thế giới, buộc các nước lớn hay toàn xã hội phải nhanh chóng tìm ra giải pháp. Giá xăng dầu tăng cao buộc các cường quốc về công nghệ phải đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các nguồn năng lượng thay thế vào sản xuất đại trà. Đại dịch xuất hiện khiến tất cả các nước phải chủ động nguồn cung về thực phẩm, thuốc men hay thiết bị y tế. Đại dịch cũng tạo sức ép cho giáo dục toàn cầu đẩy mạnh những nghiên cứu, cải tiến về phương pháp, tài nguyên và giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng của mô hình học tập trực tuyến.

Trước hết, chúng ta những vấn đề của học tập trực tuyến:

  • Thiếu đầu tư về chương trình học, phương pháp giảng dạy, tài nguyên giảng dạy;
  • Người dạy chưa có đủ kỹ năng, chưa được đào tạo bài bản để chuẩn bị, dạy và kiểm soát chất lượng học tập;
  • Sĩ số quá lớn cho một lớp học khiến buổi học dễ bị gián đoạn, giảm chất lượng;
  • Người học bị quá tải bởi các chương trình học quá nặng trên lớp, thiếu tương tác với giáo viên, thiếu các công cụ hay tài liệu bổ trợ.
  • Vấn đề về máy tính, đường truyền phục vụ học tập dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao.

Tất cả những vấn đề nêu trên không thể giải quyết trong một sớm một chiều được. Dù vậy, chúng ta cũng cần nhìn ra thế giới, để cập nhật những cách thức tiếp cận mới, chương trình mới và nguồn tài nguyên mới để tăng chất lượng học tập trực tuyến.

Tăng tương tác

Để tăng tương tác trong học tập trực tuyến, việc đầu tiên bắt buộc phải làm là giảm số lượng học sinh trong một lớp. Tất cả những lớp học có đông học sinh hầu hết là tương tác một chiều. Với những học sinh có khả năng tự học, đây không hoàn toàn là vấn đề. Nhưng với đa số học sinh, không được tương tác, không được giải đáp những thắc mắc hay thiếu hoạt động bổ trợ sẽ khiến các bạn ấy khó tiếp thu kiến thức, dẫn đến tình trạng hổng kiến thức, không hiểu bài trong một thời gian dài.

Mục tiêu của tương tác là để giúp giảng viên “kiểm soát” học viên với một số lý do chính: 

1) Học viên thường thụ động thiếu tự giác, 

2) Học viên không có khả năng tự học, 

3) Nếu giảng viên không nhắc nhở liên tục thì học viên sẽ không hoàn thành việc học.

Theo một số khảo sát, khi được yêu cầu mô tả chi tiết thế nào là tương tác, các giáo viên thường cho rằng tương tác là các hoạt động giữa giảng viên và học viên trong giờ lên lớp như đặt và trả lời câu hỏi, thảo luận nhóm, chơi game học tập, giao tiếp trực tiếp giữa giáo viên và học sinh trong lớp. Nhiều giảng viên cho rằng dạy online trên các nền tảng live streaming (như zoom, teams, google meet) tương tác rất thấp vì đơn giản là không thấy được người học, không kiểm soát được người học. Kiểm soát việc học của học sinh được ngầm hiểu là mục tiêu chính.

Tuy nhiên, các giáo viên không hiểu mấu chốt của vấn đề. Không phải học sinh cứ có mặt đầy đủ, bật cam, bật mic trong suốt buổi học là bạn đó đã tập trung. Không phải cứ trả lời được 1 hay một vài câu hỏi là học sinh đã thực sự hiểu bài. Vấn đề ở đây cũng không khác gì việc dạy theo kiểu đọc chép, tương tác một chiều như đã từng diễn ra trong lớp học trực tiếp. Và thế là không ít người cho rằng học online là thiếu tương tác, là kém hiệu quả. 

Các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,…. đều là sản phẩm của các nền tảng online. Và chẳng ai nói rằng các hoạt động diễn ra trên đó là kém tương tác cả. Chúng ta tương tác rất nhiều bởi một lý do rất cơ bản, đó là cách truyền tải nội dung rất hấp dẫn hoặc rất tiện lợi. 

Học tập từ các Streamer

Có bao giờ bạn nghĩ việc học online sẽ thú vị như xem Live Stream? Tại sao lại không thể? Giáo viên sẽ như những Streamer, ai giảng dạy tốt sẽ được học trò yêu mến, có lượng tương tác rất cao. Học sinh thì được truyền tải kiến thức một cách hết sức thú vị, được tự do tương tác bất cứ lúc nào (xem live stream trực tiếp hay xem lại video đã phát sóng).

Tất nhiên, đây là thứ chưa được đưa vào việc học chính quy, chưa được phổ biến nhưng cũng là một hướng đi hoàn toàn có thể thịnh hành trong tương lai. Nói vậy để thấy chương trình học, cách tiếp cận, cách giảng dạy của một bộ phận giáo viên vẫn còn nhàm chán, không được đầu tư đúng mực. Chờ sự đầu tư, nghiên cứu bài bản sẽ tốn không ít thời gian. Và học sinh không có đủ thời gian để đợi chờ điều đó bởi các em vẫn phải học hàng ngày. Vậy, chúng ta có thể thay đổi những điều gì ngay lập tức?

Thứ nhất, sử dụng các chức năng gia tăng tương tác trên các nền tảng học trực tuyến như Zoom, Google Meet. 

Như tính năng Participants trên Zoom, giúp học sinh có thể tương tác bất cứ lúc nào trong giờ học với các chức năng như giơ tay phát biểu, bày tỏ yêu thích, báo cho giáo viên giảng chậm lại,… Đấy là một trong số các tiện ích giúp gia tăng tương tác đáng kể trong buổi học. Khi học sinh tích cực sử dụng các tính năng ấy có nghĩa là các em đang thực sự để tâm vào buổi học.

Thứ hai, tạo thêm nhiều hoạt động cho buổi học. 

Điển hình như Edpuzzle cho phép giáo viên tạo, điều chỉnh và giao video về nhà cho học sinh cũng như chèn các câu hỏi xuyên suốt video; Mentimeter để thu thập ý kiến, tạo bình chọn, Padlet để giúp học sinh trình bày ý kiến về nội dung bài học hoặc có thể ứng dụng Quizizz, Kahoot! để tạo các hoạt động tương tác với học sinh bằng những câu hỏi trắc nghiệm. Tất nhiên, để tạo ra nhiều hoạt động thú vị như vậy, đòi hỏi giáo viên phải biết chọn lọc kiến thức để truyền tải cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ của chính mình. Đừng để các buổi học cứ mãi khô khan.

Thứ ba, thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy

Đây là yêu cầu chắc chắn không có gì mới, chúng ta đã cần điều này từ các thầy cô ngay từ khi học sinh vẫn còn học trực tiếp. Và chúng ta luôn phải nhắc lại với bất cứ hình thức học tập nào.

Thay đổi tư duy ở đây không phải điều gì quá to tát. Đơn giản là hãy đặt mình vào vị trí của người học. Hãy đặt câu hỏi tại sao mình dạy như vậy nhưng học sinh lại không hiểu? Chính bản thân mình còn cần cải thiện những gì? Lối tư duy của mình đã thực sự hiện đại hay chưa? Giảng bài theo thứ tự nào, theo cách nào sẽ giúp học sinh tương tác nhiều nhất, hiểu bài tốt nhất?

Từ việc tự đặt ra những câu hỏi, nghĩ cách làm tốt hơn, chúng ta sẽ đưa ra được các phương pháp cụ thể để áp dụng ngay vào việc giảng dạy. Phương pháp có rất nhiều khía cạnh để khai thác. Phương pháp giúp học sinh tập trung hơn, phương pháp giúp bài giảng độc đáo hơn, phương pháp giúp học sinh nhớ lâu hơn. Các giáo viên cần liên tục cập nhật các phương pháp giảng dạy hiệu quả trên thế giới để nhanh chóng áp dụng cho môi trường thực tế tại Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn