Hiệu quả của các mô hình học tập trực tuyến tại Việt Nam

Trong thời gian gần đây, việc học trực tuyến đã trở thành hình thức học tập duy nhất ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Dù ít hay nhiều, chúng ta vẫn nhận thấy những hạn chế của mô hình này. Và nếu như những người làm giáo dục không quan tâm sát sao thì việc học trực tuyến thực sự sẽ trở thành gánh nặng với người học, nhất là với các em học sinh tiểu học.

Đã có nhiều phân tích, nhiều phương pháp được đưa ra, nhưng chung quy lại sẽ là sự nỗ lực của cả người dạy và người học. Cần phải nhấn mạnh rằng, người dạy luôn đóng vai trò lớn hơn để có được chất lượng, có được sự hiệu quả. Và tương tác chính là chìa khóa giúp người thầy xoá đi khoảng cách về không gian để mang kiến thức tới học trò. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đâu là những cách tương tác hiệu quả nhất đã và đang được áp dụng tại Việt Nam nhé.

Tại Việt Nam, đa số áp dụng mô hình học trực tuyến nhưng vẫn không có sự cải tiến, đơn thuần là giảng bài qua các phần mềm hỗ trợ mà không nắm được chất lượng thực sự đến đâu. Với một số tổ chức giáo dục, các trường đại học top đầu, việc dạy học trực tuyến có quy củ hơn, có sự nghiên cứu và triển khai kỹ lưỡng hơn. Trong một lộ trình học tập trực tuyến, các trường này giúp học sinh, sinh viên tăng tương tác với 3 bước:

Bước 1: Số hoá tài liệu học tập

Một phần học liệu như slide, video bài giảng hay các hoạt động sẽ được chuẩn bị trước và gửi đến cho người học thông qua email, zalo hay các phần mềm chat khác. Việc này đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí coi mình như một người làm Vlog để truyền tải kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu nhất. 

Một việc nữa cần phải làm là truyền cảm hứng hay giao một số nhiệm vụ cho người học nhằm khiến người học có ý thức đọc trước tài liệu, xem video bài giảng. Chỉ có như vậy, khâu chuẩn bị của giáo viên mới có ý nghĩa, tránh trường hợp học sinh, sinh viên bỏ qua những tư liệu này. 

Bước 2: Tương tác qua các phần mềm trực tuyến

Bước này hiểu đơn giản là các buổi học trực tuyến cơ bản. Giáo viên sẽ tổ chức hoạt động dạy học (truyền tải kiến thức mới, giải thích một số phần trong học liệu đã được gửi trước đó, giao bài tập cho người học tự thực hành,…). Các nền tảng thường được sử dụng để dạy học trực tuyến: Google meet, Zalo, Zoom, Microsoft Team,… Những trường tự chủ được về công nghệ có thể dùng phần mềm nằm trong hệ sinh thái riêng. Có nghĩa là từ khâu phân phối tài liệu học, thông báo lịch học, dạy học, kiểm tra, chấm điểm,… đều được số hoá trên một hệ thống duy nhất. Điều này rất tiện cho người học và mang được đến sự đồng bộ, hiện đại trong công tác quản lý chất lượng giảng dạy.

Bước 3: Chuyển đổi số toàn diện

Trong bước 2, chúng ta có nhắc đến một hệ thống có thể giúp thầy và trò hoàn toàn học tập  online. Đó chính là cấp độ học tập trực tuyến cao nhất đã được áp dụng tại Việt Nam. 

Với hệ thống này, các trường học có thể kiểm soát được mọi hoạt động từ khi học sinh, sinh viên bước vào hệ sinh thái học tập tại đó. Hệ thống sẽ được tích hợp nhiều trường như:

  • Thông tin người học
  • Thông báo lịch khai giảng, lịch học, học phí
  • Cho phép tạo các lớp học tập trực tuyến
  • Lưu trữ học liệu (slide bài giảng, video, tài liệu tham khảo,…)
  • Thông báo kết quả học tập chi tiết

Hệ thống đó là nền tảng cho việc chuyển đổi số một cách toàn diện, còn thực hiện ra sao cho hiệu quả vẫn nằm ở yếu tố con người. Giáo viên cũng thay đổi phương pháp luận, phương pháp tiếp cận trong từng bài giảng để thực sự tạo ra một bài giảng online, vượt qua tư duy online hóa việc dạy offline. cần tận dụng công nghệ nhằm cải tiến giáo dục và cá nhân hóa trong học tập. Mục tiêu hướng đến thúc đẩy việc tự học, tự tìm hiểu của người học, giảm thời lượng cho các lớp trực tuyến đồng thời tăng tính tương tác để giúp buổi học hiệu quả và thu hút hơn. Ngoài ra, việc xây dựng các học liệu chung sẽ gia tăng chất lượng trên cơ sở tận dụng tối đa hàm lượng chuyên môn. Nhà trường có thể tham khảo các phương pháp học trực tuyến mới trên thế giới để tối ưu hóa việc giảng dạy.

Với quá trình trang bị kiến thức: Giáo viên có thể hệ thống các yêu cầu cần đạt và đưa trước bộ câu hỏi kiểm tra kiến thức (ở mức độ nhận biết, thông hiểu), dựa vào đó học sinh có định hướng trong việc tự tìm hiểu kiến thức. Học sinh được hướng dẫn cách tiếp cận bài giảng như tự học qua sách giáo khoa, tự tìm tài liệu liên quan để nắm kiến thức, trả lời bộ câu hỏi.

Xây dựng sẵn các bài giảng: Tổ chuyên môn có thể soạn slide hoặc video thu sẵn trang bị kiến thức căn bản một cách tuần tự cho cả khối. Cách này tận dụng sức mạnh tập thể, tạo ra nội dung đồng bộ các cấp như bài giảng tiêu chuẩn. 

Tương tác trong giờ học: Buổi học trực tuyến có thể tập trung hỏi đáp và minh họa các phương pháp, ví dụ điển hình dựa trên kiến thức mà học sinh đã tự tìm hiểu trước đó. Trong buổi học này, giáo viên có thể giải đáp, minh họa, phân tích các ví dụ hay thí nghiệm, mô phỏng giúp học sinh đào sâu, hiểu thêm kiến thức.

Đối với việc nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, giáo viên nên giao bài tập từ cơ bản đến nâng cao hoặc giao dự án, yêu cầu học sinh tự làm bài theo kế hoạch, khuyến khích tự tìm hiểu đối với các bài tập nâng cao. Để dễ dàng tổng hợp, phân tích làm dữ kiện cho các buổi giảng sau, giáo viên cố gắng sử dụng các nền tảng công nghệ và các phần mềm cho phép giao bài trực tuyến, chấm tự động (với dạng bài trắc nghiệm).

Thầy cô nên tổ chức các buổi sửa bài trực tuyến trên cơ sở thống kê kết quả nhằm tìm ra những thường gặp, có thể chia theo từng nhóm vấn đề để hỗ trợ học sinh tốt nhất. Với những học sinh chưa vững kiến thức (dựa trên dữ liệu làm bài), giáo viên có thể giao thêm bài giảng, bài tập hoặc tạo nhóm phụ đạo.

Kiểm tra, đánh giá: Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một xu hướng chung là các bài kiểm tra, đánh giá với mô hình học tập trực tuyến đã tinh gọn, có độ khó thấp hơn so với lớp học truyền thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng đó như học trực tuyến chưa hiệu quả, gián đoạn bởi lỗi internet hay việc bị quá tải khi ngồi máy tính quá lâu khiến học sinh khó tập trung. Và việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng không nên quá cứng nhắc. Cần có những tiêu chí đánh giá mới sát với thực chất của mô hình học tập. Dù tinh gọn nhưng đảm bảo học sinh vẫn nắm được kiến thức cốt lõi.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn