Liệu chúng ta có thể dịch được văn phong?

Người ta bàn và nói nhiều về văn phong tác giả. Trong vô vàn những thảo luận rộng sâu về nó, có một câu hỏi đột nhiên chạy vụt qua đầu tôi, một câu hỏi kinh điển của giới dịch thuật bao đời – “Liệu văn phong của tác giả có thể được duy trì từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác?”.

Trong bài viết này, tôi muốn đi tìm câu trả lời, hay cụ thể hơn, lý giải nguyên nhân vì sao tôi và cô bạn Anne người Anh lại có cùng trải nghiệm khi đọc Harry Potter, dù chúng tôi đọc những phiên bản khác nhau với hai ngôn ngữ khác nhau.Trước tiên, tôi muốn chúng ta đi qua một câu hỏi khác: “Có cần đưa văn phong của văn bản gốc vào văn bản mới?”. Câu trả lời là có. Và nó đặc biệt đúng với những văn bản là tác phẩm văn học như tiểu thuyết, thơ ca.img_1Với văn bản gốc, người thưởng thức đòi hỏi ở tác giả nhiều hơn việc ghi lại những sự kiện đã diễn ra bên ngoài và bên trong nội tâm con người. Văn phong ở văn bản gốc thể hiện tính cách, quan điểm của người viết và cả những cảm xúc của họ ở thời điểm viết, tất cả những điều đó, qua ngôn ngữ, truyền tải đến người đọc.Vậy nên, thật thiệt thòi cho những độc giả đọc bản dịch thuật, khi những gì họ đọc được qua trang viết chỉ là những thứ ngôn ngữ khô khan sao chép lại một sự kiện, một hành vi, tựa như có tảng đá lớn ngăn cản quá trình họ đến với thế giới tưởng tượng do tác giả phóng bút vạch ra. Họ có quyền được trải nghiệm góc nhìn giống như những độc giả dùng chung hệ ngôn ngữ với nguyên tác, vì nhiệm vụ chính của bản dịch tác phẩm văn học là đảm bảo tính trung thực của nguyên tác về cả nội dung và tinh thần. Thực chất, chúng ta cần sử dụng từ chuyển nghĩa (transcreation) thay cho dịch thuật (translation) ở trường hợp này. Chuyển nghĩa là một nhiệm vụ khó nhằn. Lý Lan (dịch giả bộ truyện Harry Potter) đã từng chia sẻ với báo Tuổi trẻ về thách thức của người dịch, rằng nó không gói gọn trong việc cảm nhận được nội dung và tinh thần, am hiểu văn hóa và ngôn ngữ của nguyên tác, chỉ điều đó thôi là chưa đủ.Người dịch còn phải có khả năng sáng tạo ở chính ngôn ngữ mà mình dịch ra. Cái hay là ở chỗ, dịch giả nắm bắt được các điểm tương đồng giữa các hệ ngôn ngữ khác nhau, tận dụng kinh nghiệm sống của mình để đưa vào tác phẩm những trải nghiệm tương tự, từ đó hoàn thành nhiệm vụ duy trì ý nghĩa của văn bản gốc. Như vậy, sự sáng tạo trong ngôn ngữ chính là chiếc chìa khóa của một bản dịch thành công.img_2Bản dịch Harry Potter của Lý Lan là một bản dịch có nhiều tác động sâu sắc tới các Potterhead. Trên các diễn đàn Potterhead Việt Nam ngày nay, tôi vẫn thấy các bạn sử dụng cách xưng hô “bồ” – “mình”, nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ và giọng điệu chân chất y như trong truyện. Thứ ngôn ngữ đó gắn liền với vũ trụ Harry Potter, hằn trong thế giới tưởng tượng của các bạn về cách mà các nhân vật giao tiếp với nhau, cách mà Harry nhìn nhận những điều chung quanh cậu bé. Ở bản dịch này, có 3 điều mà tôi cảm thấy ấn tượng trong cách dụng ngôn của cô Lý Lan:

Điều thứ nhất, cách cô tận dụng nét tương đồng giữa chữ Latin và Hán Việt để đem đến một trải nghiệm tương đương cho độc giả Việt trong việc dịch các phép chơi chữ của J.K Rowling.

Đơn cử là từ Felix Felicis. Đây là từ có gốc Latin, rất khó để hiểu ngay cả đối với người Anh. Cũng giống như cảm giác của người Việt đối với các từ ngữ Hán Việt mang tính chất trang trọng, xưa cổ. Felix Felicis có thể hiểu là “Lucky Potion”, dịch ra tiếng Việt là “Thuốc May Mắn”, hay còn là “Phúc Lạc Dược” trong tiếng Hán Việt. Qua đó chúng ta hình dung các món đồ cổ, lũ sinh vật huyền bí trong bản dịch Việt cũng thật kỳ bí, xưa cổ hệt như những gì được khắc họa trong bản nguyên tác.

Điều thứ hai, cô chấp nhận dịch hơi chệch ray so với nguyên tác để vẫn đảm bảo sự tôn trọng đến nhân vật trong truyện.

Ở Tập 4 Chương 27, lúc xuất hiện bài báo của “con bò cái Skeeter”, Ron bảo Hermione: “Mình đã bảo với bồ rồi mà! Mình đã nói là đừng có chọc giận mụ Rita Skeeter! Mụ ấy biến bồ trở thành một… một… một đứa con gái lẳng lơ”. Trong bản tiếng Anh, cụm từ mà Ron dùng là “scarlet woman”, nghĩa gốc của “scarlet” là “đỏ ửng”. Thật ra đây là một kiểu chơi chữ, “scarlet” còn có một miền nghĩa khá thô tục chỉ những cô gái không đứng đắn, phỏng theo tên của một nhân vật nữ sinh có dính scandal tình ái trong bộ tiểu thuyết ăn khách “Chữ A màu đỏ”. Nhưng Lý Lan đã quyết định thay bằng từ “lẳng lơ” để thể hiện sự tôn trọng với nhân vật Hermione, cho dù như vậy sẽ phá vỡ đi ẩn ý trong cách chơi chữ của Rowling.Điều cuối cùng, cô sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ với lối dùng từ, cách xưng hô, diễn đạt dân dã, quen thuộc và giàu cảm xúc.

Những từ ngữ sặc mùi Nam Bộ mà cô sử dụng là “bồ”, “mèn ơi”, “cổ lỗ sĩ”, “sai bét”, “cà chớn”, “nhớt”… Điều này thật sự đã làm giàu thêm vốn từ miêu tả và bộc lộ cảm xúc của một đứa sinh sống ở vùng Bắc Trung Bộ như tôi. Trong các bài văn, bài báo, thi thoảng tôi vẫn dùng những từ nghe ngồ ngộ như “hầm bà lằng”, “cổ lỗ sĩ”, “cà chớn cà pháo”,…Nhìn lại background của dịch giả, tôi mới biết cô Lý Lan là một người con của miền Nam, sinh ra tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cô cũng theo học bằng thạc sỹ ngành Văn học Anh tại Đại học Wake Forest, ngoài nhà văn, nhà thơ, cô còn là một nhà giáo. Những điều này có tác động rất lớn đến phong cách dịch của cô.

Còn bạn, văn phong của bạn sẽ như thế nào nếu dịch cuốn “Paper towns” của John Green?

#noichunglathivi 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn