Vào tháng 12 hàng năm, rất nhiều người, nhiều đất nước trên thế giới đều háo hức chuẩn bị cho một mùa lễ hội thực sự đặc biệt – Lễ Giáng Sinh. Vậy, Lễ hội này xuất phát từ đâu và nó có gì đặc biệt? Các bạn hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Nguồn gốc ngày Lễ Giáng sinh
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus sinh ra đời, theo phần lớn những người theo Kitô giáo. Họ tin là Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem (Bêlem) thuộc xứ Judea (Giuđêa) nước Do Thái (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.
Phần lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Nhiều giáo hội Chính Thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.
Đi sâu hơn về ý nghĩa nguyên thủy, lễ Giáng sinh là của những tín hữu Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các kỳ nghỉ lễ của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Cho tới ngày nay, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già Noel, các món ăn truyền thống và cây thông Noel. Tại nhiều nước ở châu Á, Giáng sinh cũng được đón nhận nồng nhiệt như một dịp đặc biệt trong năm, khoảng thời gian có rất nhiều các hoạt động, lễ hội lớn.
Ý nghĩa của cụm từ “Merry Christmas”
Khi nghe từ “Merry”, chúng ta thường cảm thấy niềm hân hoan, cảm giác ấm áp hạnh phúc vì nó gắn liền với dịp lễ Giáng sinh. Dù các hoạt động tổ chức lễ Giáng sinh đã bắt đầu từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nhưng cho tới năm 1699, thì cách nói “Merry Christmas” mới bắt đầu được sử dụng.
Người đặt dấu mốc quan trọng trong việc phổ biến cụm từ này là một sĩ quan hải quân, khi ông đã sử dụng cụm từ này trong một bức thư thân mật vào năm 1699. Mãi cho đến năm 1843, cụm từ này mới xuất hiện lần thứ hai trong tác phẩm của Charles Dickens “Bài hát đón mừng lễ Giáng sinh”.
Từ giữa thế kỷ 19, không chỉ có đạo Thiên chúa mà hầu như tất cả mọi người dù ở các giai tầng hay tôn giáo khác nhau cũng đều gửi đến nhau lời chúc “Merry Christmas”. Trong cụm từ “Merry Christmas”, “Merry” có nghĩa là niềm vui còn “Christmas”, các bạn xem giải thích ý nghĩa bên dưới nhé. Bên cạnh đó, mọi người vẫn sử dụng từ “Happy” thay cho “Merry” để chúc nhau trong dịp giáng sinh. Cụm từ “Happy Christmas” trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX, khi nó được sử dụng bởi chính nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Trên thực tế, từ Christmas được ghép bởi 2 từ là “Christ” (Đấng chịu sức dầu) – tước vị của chúa Jesus và “Mas” (viết tắt của mass nghĩa là thánh lễ). Do đó, Christmas mang nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ và là ngày lễ giáng sinh của Đức Chúa Jesus.
Trong tiếng Hy Lạp, chữ Christ được viết là Christos, Xristos hoặc Xpiơtós nên người ta thường dùng phụ âm X mang ý nghĩa tượng trưng cho từ Xristos và Xpiơtós và thêm chữ “Mas” vào để tạo thành Xmas. Vì thế, từ Xmas cũng mang nghĩa giống như Christmas.
Một số biểu tượng trong mùa Giáng sinh
Vòng lá mùa vọng (Christmas Wreaths)
Mùa Vọng là khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng sinh. Chủ đề chính của mùa Vọng là chuẩn bị để kỷ niệm Sự Giáng Sinh của Chúa Jesus. Mùa Vọng thường kéo dài từ 22 đến 28 ngày và có 4 ngày “Chúa Nhật” tính từ trước ngày Lễ Giáng sinh và chấm dứt vào Đêm vọng Lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12, lễ vọng Giáng sinh).
Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí – dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Giáo hội Luther ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.
Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím – màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ ba của mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). Hoặc 4 cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến.
Cây thông Noel
Theo truyền thuyết, ngày 24/12 được coi là ngày tái sinh của Mặt Trời. Vào mùa đông, khi mà những cây cối đều khô héo thì cây thông vẫn xanh tươi. Chính vì thế mà người La Mã họ xem đây là loại cây phục sinh, mùa đông họ thường trang trí cây thông với trái cây, hoa và lúa mì…
Để giải thích vì sao Noel có cây thông, tương truyền rằng thánh Boniface trong một hôm trên đường hành hương, Ngài tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo sùng bái đang tập trung xung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, thánh nhân hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm! Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa Cứu Thế. Từ đó, ra đời ý nghĩa cây thông là cây của Chúa Jesus. Bởi vậy mà vào lễ Noel, người Đức đã từng có truyền thống trồng những cây thông nhỏ và loài cây này luôn xuất hiện trong tất cả các lễ hội lớn nhỏ của họ.
Ngoài ra, còn rất nhiều truyền thuyết khác về ý nghĩa của cây thông Noel, các bạn có thể tìm hiểu thêm trên các nguồn bài viết nước ngoài.
Cây thông noel được xem là cây phục sinh, biểu tượng cho sự sống mạnh mẽ, vượt qua mọi trở ngại, xua đuổi tà ma, mang lại cuộc sống phồn vinh, no ấm. Do là loại cây sống trong một khí hậu khắc nghiệt nhất mà vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, xanh tươi và mang màu xanh vĩnh cửu nên cây thông được xem là biểu tượng sự sống của người cổ đại.
Ngôi sao Giáng sinh
Ngôi sao Giáng sinh hay còn gọi là ngôi sao Bethlehem (Christmas star) Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và luôn được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, trên các cây thông Noel… Chúa trời hứa sẽ gửi một đấng cứu thế cho thế giới , và ngôi sao chính là sự cam kết cho lời hứa của Ngài.
Hang đá và máng cỏ (Cave and manger)
Trong truyền thuyết, Chúa sinh ra trong một hang đá nhỏ (a small cave), nơi máng cỏ (manger) của các mục đồng chăn chiên tại thành Bethelem.
Theo truyền thống, mỗi gia đình theo đạo Thiên Chúa sẽ dựng một máng cỏ ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà vào ngày chủ nhật trước Noel. Máng cỏ phải dựa lưng vào tường, xung quanh được trát bằng đất bùn, mái được lợp bằng một viên đá tảng, các thanh củi dùng để làm kèo. Người ta còn dùng thêm trái thông, sợi rơm và sỏi trắng lượm từ bờ biển, để trang trí sao cho khung cảnh trông thật tự nhiên. Ngoài ra, không thể thiếu tượng của đức mẹ Marie đang bồng chúa hài nhi, Joseph, những người chăn cừu, cừu, bò, thiên thần và một ngôi sao. Gia đình sẽ cầu nguyện trước máng cỏ trong ngày lễ.
Trên đây là một chút tổng hợp về nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ Giáng sinh. Do là dịp lễ hội đã tồn tại lâu đời nên Giáng sinh ngày càng có thêm nhiều hoạt động đầy màu sắc. Ngoài ra, tuỳ từng nơi, tuỳ theo phong tục, các biến thể mà ý nghĩa và biểu tượng của Mùa Giáng sinh ngày càng đa dạng.