Theo nghiên cứu mới tại Mỹ, tỉ lệ nhóm dân cư thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số đăng ký học trực tuyến tăng vọt trong giai đoạn Covid-19.
Khi màn hình máy tính thay thế các giảng đường đại học, sự bùng nổ công nghệ giáo dục đã gây ra nhiều tranh cãi về giá trị của nó với người học. Dữ liệu nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ mới đây cho thấy: nhờ công nghệ, khoảng cách học đại học của Mỹ đã được thu hẹp đối với sinh viên nghèo và nhóm người thiểu số.
Khi thị trường giáo dục trực tuyến phát triển, cuộc tranh cãi về lợi ích của công nghệ giáo dục (hay edtech) xảy ra giữa phái ủng hộ – thường là các doanh nhân công nghệ và phái phản đối – chủ yếu là các công đoàn giáo viên và các giáo sư. Trong đó, phái phản đối cho rằng các nền tảng edtech mang lại lợi thế cho sinh viên giàu có và có thành tích cao. Việc học trực tuyến chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giáo dục.
Giáo sư Justin Reich tại Phòng thí nghiệm Hệ thống Giảng dạy của Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Tính linh hoạt từ việc học trực tuyến là rất tốt nhưng nó gần như không giải quyết những biến động khủng khiếp trong xã hội. Bình đẳng hơn trong giáo dục sẽ đến từ các phong trào xã hội, chính trị hay các hoạt động hỗ trợ xây dựng năng lực con người, đặc biệt là cho đối tượng sinh viên bị thiệt thòi”.
Nhưng nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đang thách thức những giả định về loại thay đổi nào giúp ích nhiều hơn cho sinh viên. Thông qua dữ liệu về mã vùng kết nối truy cập học tập trực tuyến, nghiên cứu kết luận, sự bùng nổ học tập trực tuyến trong thời kỳ Covid-19 dẫn đến tỉ lệ đăng ký và tương tác tăng vọt, ở cả người có thu nhập cao lẫn thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố trên Science Advances, công nghệ giáo dục giúp giảm khoảng 80% chi phí bài học cho sinh viên so với các lớp học trực tiếp. Sinh viên trưởng thành, quân nhân, du học sinh mắc kẹt vì đại dịch cũng tìm thấy những cơ hội học tập mới nhờ edtech. Công ty nghiên cứu Insight Partners cũng dự đoán, ngành công nghiệp giáo dục sẽ tăng lên 234 tỷ USD vào năm 2027, tăng 15,3% so với năm 2020.
Điều đó cho thấy việc mở rộng các dịch vụ edtech có tác dụng dân chủ hóa, mang lại lợi ích cho sinh viên thiểu số, những người có nhiều khả năng đến từ các hộ gia đình nghèo khó hơn. Điểm sáng trong thị trường đào tạo trực tuyến là các khóa về kỹ năng lập trình và khoa học dữ liệu.
Bên cạnh đó, National Student Clearinghouse đưa ra dữ liệu, tỷ lệ ghi danh vào đại học giảm 16% và tỷ lệ đăng ký vào đại học cộng đồng giảm 9,5% vào mùa thu năm 2020. Số lượng sinh viên quốc tế mới đăng ký thậm chí còn giảm mạnh hơn (43%), theo Viện Giáo dục Quốc tế.
Trong khi đó, Class Central lại cho biết các dịch vụ học tập của edtech, đặc biệt trong phân khúc thị trường khóa học trực tuyến mở (MOOC) đang tăng vọt.
Coursera, nền tảng học trực tuyến lớn nhất Mỹ có thêm 9,2 triệu người dùng đăng ký mới vào năm 2019. Sau khi đại dịch xuất hiện, Coursera đã có thêm 30,6 triệu người dùng trong năm 2020. EdX, một nền tảng lớn khác, đã chứng kiến mức tăng trưởng 161% về lượng đăng ký. Hiện, nền tảng này có 35 triệu người dùng.
Một số nền tảng edtech hiệu quả hàng đầu thế giới tập trung vào việc giảng dạy các kỹ năng kỹ thuật mà các doanh nghiệp hiện đại cần. Trong đó, nhu cầu về trí tuệ nhân tạo và kỹ năng học máy dự kiến sẽ tăng 71% mỗi năm đến năm 2025, theo một nghiên cứu gần đây của công ty phân tích kinh doanh Burning Glass Technologies.
Đồng thời, Di Xu, giáo sư tại Đại học California-Ivrine cũng công bố giáo dục trực tuyến có xu hướng hoạt động tốt hơn cho sinh viên các đại học hệ 4 năm hơn là cho học viên thương mại, trường cao đẳng cộng đồng. Bà Di Xu nói: “Hiệu quả tương đối của việc học trực tuyến thay đổi đáng kể theo môi trường đại học và theo nhóm sinh viên”.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong học tập trực tuyến cho thấy edtech ngày càng hấp dẫn đối với sinh viên phi truyền thống, người trẻ hơn và cộng đồng thiểu số. Điều này giúp edtech trở nên công bằng hơn bất kỳ phương thức giáo dục nào trước đó.
Nguyên Chương (Theo Newsweek)