Hiện nay, dịch bệnh đang hiện hữu ở khắp nơi và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ thực tế khách quan này, việc tự học của học sinh, sinh viên được đầu tư kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Tất nhiên, các bạn vẫn có sự hỗ trợ từ thầy cô nhưng bên cạnh đó, việc chủ động học tập là điều tối quan trọng. Nhất là với tiếng Anh, học bình thường đã khó, học lâu ngày trong một không gian bị hạn chế còn khó hơn. Vậy các bạn cần chuẩn bị những gì cho hành trình đầy thách thức này?

 

 

Bước 1: Xây dựng kế hoạch và mục tiêu học tập
 

Với nhiều bạn học sinh, sinh viên, việc xây dựng kế hoạch học tập cá nhân đôi khi chưa thành thói quen trong tư tưởng. Bởi vậy, các bạn học mà không biết mình đang ở đâu, không biết mình cần làm những gì, thậm chí không có mục tiêu cụ thể dẫn đến chênh vênh, hoang mang trong thời gian dài.

 

Với tiếng Anh, các bạn cần một mục tiêu đủ sức nặng cho chính mình bởi nếu mục tiêu quá nhỏ (giao tiếp tốt, có chút tiếng Anh để xin việc hay học vì bạn bè cùng học) thì chỉ sau một thời gian học, bạn sẽ trở lại với con số 0 tròn trĩnh.

 

Chẳng hạn: Tôi sẽ đạt 6.5 IELTS trong vòng 1 năm để đi du học hoặc làm bất cứ điều gì tôi muốn bằng tiếng Anh”. Từ đó, bạn sẽ xây dựng kế hoạch từng tháng cần đạt được những kỹ năng gì? Phát âm – Bổ sung từ vựng – Ngữ pháp – Viết câu – Tiếp cận đề thi …

 

Và sau mỗi tháng, hãy đánh giá lại xem mình đã thực hiện được kế hoạch đề ra hay chưa, nếu chưa thì cần cải thiện những gì? 

 

Nhiều người cho rằng học tiếng Anh cần sự yêu thích và đam mê lắm mới học được. Điều đó là cũng đúng một phần. Nhưng đôi khi, bạn không thể nào chờ đến lúc mê mẩn tiếng Anh mới học. Có một mục tiêu cụ thể để “try hard” thực sự là điều cần thiết nếu như bạn không muốn bỏ cuộc giữa chừng.

 

Bước 2: Tìm tài liệu học

Tài nguyên học IELTS trên mạng là rất nhiều. Có thể chia làm 2 loại: Tài liệu học chính và nguồn bổ trợ

 

Tài liệu chính:
Bạn cần tìm 1 đến 2 loại tài liệu phù hợp với trình độ để học. Nhớ là cần có đủ các kỹ năng NGHE – NÓI – ĐỌC – VIẾT
Với những bạn mới, cần học phát âm, ngữ pháp và cách viết câu trước. Sau đó tiếp cận dần với tài liệu nền tảng Pre-IELTS rồi đến làm đề thi Cambridge.

 

Nguồn bổ trợ:
Tuỳ vào sở thích và cách học bạn có thể lựa chọn các kênh youtube, group để tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày.

 

Bước 3: Bắt đầu quá trình học

 

Tâm lý chung của các bạn mới học là rất dễ nản, luôn đặt rất nhiều câu hỏi nên nếu không có người đồng hành, không có những lý giải đáng tin cậy thì việc học dễ đi vào ngõ cụt.

Muốn đi nhanh hơn, các bạn có thể tìm thầy cô để học online hoặc tìm một người “đồng hành”. “Đồng hành” ở đây không có nghĩa là học cùng bởi học với người cùng trình độ là con dao 2 lưỡi. Người đó thường mang lại động lực cho bạn trong khoàng thời gian đầu nhưng nếu cả hai cùng nản thì cũng khó để tiếp tục. Ngoài ra, người học cùng cũng không đem đến cho bạn đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm học tập.

 

“Người đồng hành” nên là người có trình độ tốt hơn bạn, uốn nắn cho bạn bước từng bước chuẩn nhất và đôi khi sẽ mất thêm “học phí”, bạn chớ có tiếc nhé. Đơn giản thôi, bạn hãy lên các nhóm Học IELTS trên Facebook để tìm kiếm. Đây không phải thầy cô mà là những người đã từng học hoặc muốn gia tăng khả năng sư phạm, có lộ trình cụ thể và sẵn sàng hướng dẫn bạn. Việc còn lại của bạn là điều chỉnh và áp dụng lộ trình đó cho cá nhân mình. 

 

Bạn nên hiểu rằng, sẽ không có thầy cô hay một người nào có thể theo sát việc học của bạn 24/24. Vậy nên kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng và tự học là rất quan trọng. Thầy cô đôi khi chỉ đóng góp 20%, nỗ lực của bạn sẽ chiếm đến 80% đó.

 

Bước 4: Duy trì thói quen và sự kiên trì 

Trước hết, hãy tự nhủ với bản thân rằng mình có thể theo đuổi tiếng Anh, có thể đạt được mục tiêu dù có mất từng đó thời gian. Khi ấy, ít nhất bạn đã có một khởi đầu thuận lợi với quyết tâm, với cảm hứng.

 

Tiếp đến, bạn cần một không gian thực sự cho việc học: Thoáng đãng và yên tĩnh để khi ngồi tại đó, bạn có sức tập trung cao nhất. Hãy đầu tư một bộ bàn ghế nghiêm chỉnh, có đầy đủ tài liệu cần thiết xung quanh và thêm một vài vật trang trí (đồng hồ cát, hộp bút, thú nhún ^^,…) để tạo sự dễ chịu.

 

Nếu bạn học được từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày thì quá tuyệt vời rồi. Nhưng nếu bạn không thể tập trung từng đó thời gian thì hãy dành khoảng 3-4 tiếng để thực sự học kiến thức và thực hành. Thời gian còn lại coi như Free time, có thể nghe nhạc, xem phim, viết nhật ký,… bằng tiếng Anh để đầu óc thoải mái nhất (học mà như không học vậy). Ngoài ra, thói quen tập thể dục hàng ngày cũng cần được duy trì đều đặn. Nếu thấy bí bách quá bạn nên ra ngoài đi bộ, hít thở không khí.

 

Bước 5: Sẵn sàng đối diện với sự chán nản

Quá trình học tiếng Anh như quá trình lột xác vậy. Bạn sẽ phải trải qua những lần “thay da” vô cùng đau đớn – Hoang mang vì học không hiệu quả, rối loạn vì áp lực thời gian, mệt mỏi vì phải theo đuổi quá lâu. Hãy chuẩn bị trước tâm lý cho những khoảng thời gian đó. Bạn có thể nghỉ ngơi hoàn toàn, không đụng đến sách vở, không nghĩ đến việc học nữa. Thay vào đó, hãy làm một số hoạt động chân tay như làm bánh, lắp ráp mô hình, chăm sóc cây,… Nếu muốn đốt nhiệt hơn có thể chơi thể thao, chạy bộ để làm mới tinh thần và tâm trạng. 

 

Tự nhủ rằng ai rồi cũng sẽ có khoảng thời gian như thế và nó sẽ qua nhanh khi mình đạt được kết quả tốt. Thậm chí, giai đoạn đó cũng thực sự quý giá để bạn tôi luyện chính bản thân mình không chỉ ở việc học mà còn ở bản lĩnh đối diện với những thử thách.

 

Chuẩn bị trước tâm lý, bạn sẽ bước qua nó một cách nhanh nhất đồng thời không dễ chìm sâu vào khủng hoảng. 

 

Thành công luôn chờ đợi những người kiên trì, bền bỉ nhất!
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn