Giao tiếp là một phần quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, quá trình giao tiếp rất phức tạp: thông tin bạn muốn truyền tải không chỉ gói gọn trong từ ngữ bạn nói ra, mà còn thể hiện thông qua ngữ điệu hay ngôn ngữ cơ thể. Giao tiếp tiếng Anh cũng tương tự vậy. Để bản thân bạn trở nên cuốn hút, bạn chắc chắn phải tự tin và mạch lạc khi giao tiếp tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung. Làm sao để biến giao tiếp thành điểm mạnh của bạn? SunUni Academy sẽ chia sẻ đến bạn một vài tips hay ho giúp giao tiếp tiếng Anh tự tin hơn nhờ ứng dụng hiệu quả “Body Language”.
Body language là gì?
Body language (ngôn ngữ cơ thể) là một dạng của truyền thông phi ngôn ngữ trong đó các hành vi của cơ thể thể hiện thông điệp giao tiếp như một loại ngôn ngữ vô hình, được sử dụng để thể hiện hoặc truyền đạt thông tin. Hành vi như vậy bao gồm các biểu hiện trên khuôn mặt, tư thế cơ thể, cử chỉ, cử động của mắt, mày, môi… các đụng chạm và sử dụng không gian cá nhân.
Body language không có ngữ pháp và phải được diễn giải áng chừng, mang ý nghĩa chung chung đại khái chứ không có ý nghĩa tuyệt đối tương ứng với một hành vi nhất định. Vì vậy nó không phải là một ngôn ngữ như ngôn ngữ ký hiệu.
Ở mỗi ký hiệu ngôn ngữ đều mang một ý nghĩa riêng, nếu quá hời hợt hay quá gắt gao trong các hành động cũng có thể khiến đối phương hiểu theo một hướng tiêu cực. Hoặc điều đó là mất lịch sự, gây tổn thương…
Một kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phần trăm của các yếu tố đóng góp vào sự thành công của quá trình giao tiếp như sau: từ ngữ: 7%, ngữ điệu: 38%, ngôn ngữ cơ thể: 55%. Cũng chính 55% ấy khiến nhiều người “ghi điểm” cũng như “mất điểm” trong các mối quan hệ. Chính vì thế việc tìm hiểu kỹ body language sẽ giúp bạn rất nhiều trong giao tiếp, công việc.
Những kỹ năng trong body language
Facial expressions – Biểu cảm khuôn mặt
Biểu cảm trên khuôn mặt bạn là phương tiện tuyệt vời để truyền tải thông điệp đến người khác. Chỉ một cử động nhỏ thôi đã là câu chuyện riêng.
Không như các loại Body Language khác, biểu cảm gương mặt mang ý nghĩa như nhau trên toàn thế giới. Buồn, vui, giận, chán nản…. không có nhiều sự khác biệt trong cách biểu lộ chúng khắp các nền văn hóa.
Đây là loại ngôn ngữ cơ thể dễ hiểu và dễ học, phù hợp để trở thành viên gạch đầu tiên trên con đường chinh phục Body Language của bạn.
Trong một số trường hợp cụ thể, biểu cảm trên khuôn mặt còn biểu lộ ra tâm trạng thật sự của người nói.
Bạn nói rằng bạn đang cảm thấy ổn, nhưng biểu cảm hiện ra trên mặt bạn lại cho người nghe một ánh nhìn khác. Liếc qua khuôn mặt của một người đôi khi cũng là đủ để biết họ đang nghĩ gì. Biểu cảm khuôn mặt vừa là người bạn tốt nhất, đồng thời cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Body movement and posture – cử động cơ thể và tư thế cơ thể
Hãy tưởng tượng cách bạn có thể thay đổi nhận thức của người khác về bạn qua cách bạn đứng, ngồi, đi lại… Các cử động và tư thế này mang lượng thông tin đáng kể, không hề kém cạnh lời nói của bạn.
Một người khi đối thoại đứng thẳng lưng, tay chân lưu loát sẽ cho người đối diện ấn tượng rằng họ là người rất tự tin và cởi mở.
Ngược lại, một người khi đối thoại lại gù lưng kèm cơ thể cứng đờ, tay chân run rẩy sẽ mang lại cảm nhận rằng đây là một người nhút nhát, kém giao tiếp xã hội và khiến không khí của cuộc đối thoại trở nên căng thẳng hơn. Các cử động và tư thế cơ thể mang tầm quan trọng lớn, hãy tập trung chú ý và phát huy chúng.
Gestures – cử chỉ
Cử chỉ là “một loại gia vị” cần thiết cho cuộc đối thoại của bạn thêm phần sinh động, hấp dẫn. Ngôn ngữ cơ thể này có thể không đáng kể, nhưng lại là những “manh mối” trực quan, góp phần vào việc hình thành ấn tượng, suy nghĩ, cảm nhận của người khác về bạn.
Một dấu “OK” bằng tay hay một cái đánh vai cũng biểu lộ rất nhiều về thói quen tiếp nhận thông tin và thậm chí là tính cách của người đó.
Tuy vậy, cử chỉ rất đa dạng, và không phải ở bất kì đâu cũng mang ý nghĩa tương tự nhau. Hành động nắm bàn tay và đưa ngón tay cái ra từ lâu đã là biểu hiện của việc đồng tình, phải không? Hãy cẩn thận, ở một số vùng Trung Đông, đây là biểu hiện của sự xúc phạm, và điều này chắc chắn sẽ khiến người khác tức giận với bạn.
Eye contact – giao tiếp bằng mắt
Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, giúp ích rất nhiều trong việc giao tiếp. Đôi mắt tiết lộ không hề nhỏ suy nghĩ và cảm xúc của người nói, đôi lúc còn chiếm vai trò chủ đạo trong công cuộc truyền tải thông điệp của bạn.
Cách bạn nhìn ai đó mang rất nhiều ý nghĩa, từ việc cảm thấy thú vị tới buồn chán, đôi mắt có khả năng vô cùng to lớn.
Ngoài ra, giao tiếp bằng mắt còn là chất xúc tác ảnh hưởng đến việc duy trì cuộc trò chuyện. Việc chạm mắt thường xuyên chứng tỏ người nghe cảm thấy hứng thú với những gì bạn đang kể; ngược lại, nếu đôi mắt họ thường xuyên lảng tránh, thì đó có thể là dấu hiệu cho việc người đối diện đang không chú tâm và ra hiệu bạn dừng cuộc trò chuyện.
Khi bạn giao tiếp với người khác, dõi theo đôi mắt của những người trong cuộc hội thoại, đây là yếu tố khá quan trọng để bạn bắt được tâm trạng, mong muốn của người nghe.
Space – khoảng cách
Có bao giờ bạn cảm thấy ngột ngạt và khó chịu, chỉ vì người nói đang đứng quá gần với bạn không? Đây là bằng chứng cho việc họ đang vượt quá khoảng “proxemics”, hay không gian giao tiếp mà bạn cho phép.
Đây là một lý thuyết xuất hiện vào những năm 1960 bởi nhà nhân chủng học người Mỹ, Edward T.Hall, nghiên cứu cách con người đặt ra khoảng cách với người khác trong một cuộc giao tiếp tùy vào mức độ thân thiết.
Tác giả mô tả các mức độ khoảng cách xã hội – social distance – diễn ra trong các tình huống thực tiễn:
- 15 đến 45 cm là khoảng không thân mật, bao gồm các cử chỉ như ôm, hôn hay thì thầm;
- 1,2 đến 4 m là khoảng không xã giao, với những người bạn biết nhưng không quá thân mật, như đồng nghiệp chẳng hạn…
Khoảng cách giữa người nói và người nghe quyết định mức độ gần gũi giữa hai người, nhưng chúng cũng có thể phản tác dụng, gây ra sự phiền nhiễu không cần thiết.
Hãy chú ý khoảng cách với người bạn đang giao tiếp, xác định rõ mối quan hệ giữa bạn và người nói, tránh việc xâm phạm khoảng không cá nhân và khiến họ cảm thấy thiếu thoải mái. Với một bậc thầy Body Language, khoảng cách chính là “vũ khí” tuyệt vời.
Voice – tone giọng
Những gì bạn muốn nói là một chuyện, diễn tả những điều đó lại là chuyện khác. Ngoài việc nghe bạn nói, người nghe còn nhận xét tông giọng của bạn. Hãy chú ý thật kỹ vào tông giọng và cao độ, bởi chúng quyết định cảm nhận của người khác về bạn trong lúc trò chuyện.
Bạn là một người nhút nhát ư? Bởi bạn hay nói lắp và nói rất nhanh, thiếu dứt khoát. Có thể bạn không hề nhút nhát, nhưng cách bạn nói khiến người nghe cảm nhận như vậy về bạn.
Làm thế nào để cải thiện body language thật tốt?
- Quan sát mọi người: Hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để nghiên cứu các hành vi, điệu bộ của người khác. Hãy quan sát mọi người nói chuyện sau đó phân tích, đánh giá để tìm ra chìa khóa của giao tiếp qua body language.
- Quan sát bản thân: Bạn cũng có thể đọc những cuốn sách nói về ý nghĩa giao tiếp ngôn ngữ trước khi quan sát mọi người để rút ra ý nghĩa thực cho bản thân.
- Cùng với đó, hãy nhận biết một cách có ý thức những điệu bộ của chính bạn. Cơ hội tốt để đọc ngôn ngữ cơ thể là bất kỳ nơi nào diễn ra hoạt động giao tiếp. Các sự kiện xã hội, họp hành hay bữa tiệc là nơi rất tuyệt để bạn tập quan sát.
Sau khi đã rút kết được khá nhiều các cử chỉ mang ý nghĩa, hãy tập nó và áp dụng. Lúc đầu có thể nó sẽ cảm thấy gượng gạo, nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy thực sự hiệu quả trong giao tiếp.
Việc mỉm cười nhiều giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn, người đối diện cũng vui vẻ hơn. Ngồi thẳng lưng, ưỡn ngực, dõng dạc khi trò chuyện khiến bạn tự tin hơn. Ánh mắt chăm chú và tập trung giúp bạn nhận được nhiều thông tin hơn từ đối phương. Nói chậm và ít khua tay chân giúp bạn trưởng thành và bình tĩnh hơn.
Hy vọng thông qua thông tin mà bài viết này cung cấp, bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về Body language. Nhưng điều qua trọng nhất là cách rèn luyện tốt nhất chính là thực hành. Hãy tạo cho mình cơ hội để học hỏi, trải nghiệm, nâng cao bản thân.