Hành trang vào đời – Tản mạn về chuyện chọn ngành, chọn nghề

Với các bạn học sinh cấp 3 hay với rất nhiều các bạn sinh viên, những câu hỏi về tương lai, nghề nghiệp luôn là điều không tránh khỏi cho dù đã có định hướng trước hay chưa.

 

– Sau này ra trường mình sẽ trở thành người như thế nào?
– Có bắt buộc phải làm việc đúng trong ngành này không?
– Mình thực sự ưa công việc ít giao tiếp hay sẽ thay đổi để giao tiếp nhiều hơn?
– Có nên học nhiều ngành một lúc hay không? Các chứng chỉ có thực sự cần thiết?
 
Ngày trước, khi đang chuẩn bị chọn một ngành học và kể cả sau khi đã vào đại học thì thỉnh thoảng mình vẫn hay tự hỏi những câu đó. Thứ nhất là vì ngành đang học chưa phải là ngành mình thích nhất và thứ hai là những kiến thức được học cũng hơi mông lung, và nhiều phần cũng hơi xa rời thực tế.

Mãi cho đến khi ra trường đi làm được một vài năm, tiếp xúc với nhiều người ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau thì mình mới ngộ ra và có những câu trả lời rõ ràng hơn. Bài viết này chỉ đơn giản là muốn chia sẻ lại cho các bạn học sinh, sinh viên, với kinh nghiệm của một người đi trước, nếu các bạn đang có những câu hỏi tương tự như vậy.

Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
 

Ngành và Nghề

Vấn đề đầu tiên là phải hiểu được sự khác nhau giữa ngành và nghề. Nói chung thì ngành sẽ rộng hơn nghề. Khi bạn lựa chọn một ngành học thì có nghĩa bạn đang chọn cách học những kiến thức tổng quan và rộng nhất của nhiều nghề có tính chất tương tự nhau, hiểu đơn giản hơn là những kiến thức được học trong một ngành bạn sẽ có thể sử dụng được cho nhiều nghề.

Ví dụ khi chọn học ngành Tài chính, bạn sẽ được học các kiến thức về các chỉ số tài chính, các công cụ tài chính, các kiến thức về kế toán như báo cáo tài chính, cách hạch toán, định khoản, cách làm báo cáo, v.v. Với các kiến thức này, ra trường sẽ có thể apply vào các vị trí như chuyên viên phân tích tài chính, chuyên viên tư vấn đầu tư, chuyên viên kế toán hay kể cả một “công nhân” kiểm toán, v.v.

Ngược lại, để làm một nghề thì có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành học khác nhau. Ví dụ sau này bạn muốn làm một chuyên viên marketing thì ngoài ngành học chính là marketing thì bạn cũng có thể học các ngành khác như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế hay thậm chí học ngành công nghệ đa phương tiện cũng có thể làm marketing được.

Ngoài ra, có một số trường hợp nhảy ngành nhảy nghề táo bạo hơn nữa – chuyển hẳn từ một ngành nghề này sang một ngành nghề khác không hề có liên quan gì với nhau. Một ví dụ thực tế ở ngay tại công ty mình đang làm, anh giám đốc nhân sự của công ty xuất thân từ ngành Kỹ thuật cơ khí ở một trường chuyên về kỹ thuật là Đại học Bách Khoa. Ai mà nghĩ được đang thích cơ khí, đang thích mày mò chế tạo, làm việc với máy móc, cày cuốc học tập xong ra trường lại đi làm Nhân sự, một nghề chủ yếu là làm việc với con người. Có lần tâm sự, anh bảo: “Đây là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời anh tính đến thời điểm hiện tại”.

Nên là, cái ngành mình đang học và cái nghề mình sẽ làm có khi có liên quan mật thiết với nhau, nhưng có khi lại như hai đường thẳng song song, không hề có một sự liên quan nhẹ nào. Hôm nay bạn học ngành này, đến khi ra trường biết đâu bạn lại làm một nghề hoàn toàn khác với những gì mình được học.

Tương lai là một thứ rất khó đoán định mà nhỉ, nay bạn thích cái này nhưng ngày mai bạn lại thích cái khác hoặc buộc phải theo một cái khác. Nên đây cũng không phải là cái gì đó quá lạ lùng.

Làm trái ngành

 

Vấn đề cần quan tâm là chúng ta sẽ được và mất gì khi quyết tâm theo đúng ngành nghề được học hoặc nhảy sang một ngành nghề khác?

Nhiều bạn nghĩ học gì ra làm nấy là quá chuẩn, quá tốt không có gì để bàn cãi, chẳng hạn học kế toán ra làm kế toán, học kỹ thuật phần mềm ra làm kỹ sư phần mềm, học du lịch ra làm hướng dẫn viên du lịch. Quá chuẩn luôn?

Tuy nhiên, nếu ngành mà bạn đang chọn học lại không thật sự là ngành mà bạn thích thì sao? Ngày xưa bạn chọn theo bạn bè, bạn đi theo tiếng gọi của crush hoặc bố mẹ bạn đặt bạn ngồi vào cái ngành đó. Cũng có thể ngành bạn đang học đến khi ra trường thì lại không còn nhiều cơ hội việc làm như ở thời điểm bạn đưa ra quyết định chọn ngành, nơi tuyển dụng thì rất ít hoặc phải là COCC thì mới được nhận vào làm hoặc gặp một sự kiện bất khả kháng nào đó nên bạn không tìm được việc làm trong ngành, chẳng hạn như sự xuất hiện đột xuất, bất thình lình và hết hồn của bà cô vy vào năm trước, bạn tốt nghiệp ngành du lịch ra đúng thời điểm này thì làm sao?

Đó là các lý do phổ biến buộc chúng ta phải nhảy ngành nhảy việc. Trong đó, thường hay gặp nhất là lý do đầu tiên – không thích ngành mình đang học. Vì không thích nên bạn chỉ cố gắng học để cho xong, để ra trường, rồi tìm một công việc liên quan để đi làm. Bạn cũng sẽ tìm được việc đó, rồi cũng làm được việc đó. Nhưng, một năm, hai năm hay ba năm, khả năng bạn chán nản rồi từ bỏ là rất cao. Vì đơn giản thôi – có yêu mới có thể đi dài được, còn không thì trước sau cũng sẽ mỗi người mỗi ngã, bạn đi đường bạn, ngành đi đường ngành.

Để giải quyết được chuyện này thì rõ ràng thời điểm quan trọng nhất là ở ngay lúc chọn ngành, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn phải chọn được đúng một ngành triển vọng và đồng thời phải là ngành mà bản thân mình thích và phù hợp, khi đó sẽ giảm thiểu khả năng chán nản về sau.

Nhưng mà nếu, bạn đã lỡ chọn ngành mà mình không thích và quyết định sẽ đi làm một công việc khác hoặc các điều kiện hiện tại buộc bạn phải làm việc trái với ngành được học thì làm sao? Thì… phải chấp nhận. Quan trọng là công việc trái ngành mà bạn sắp làm phải phù hợp với bạn và đúng là công việc mà bạn thích. Bạn đã sai một lần thì cố gắng đừng để sai một lần nữa.

Vấn đề lớn nhất mà bạn sẽ gặp phải lúc này đó là kiến thức và kinh nghiệm hiện tại của mình không phù hợp với công việc mới – công việc trái ngành, vậy thì phải làm sao để nhà tuyển dụng chọn mình đây?

Chuẩn bị để “nhảy”

 

Quan trọng nhất là ở CV (Curriculum Vitae). CV phải chứng minh được cho nhà tuyển dụng thấy là dù bạn tốt nghiệp ngành kia, bạn đã đi làm trong ngành kia, bây giờ bạn chuyển sang ngành mới không liên quan nhưng bạn hoàn toàn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể làm tốt được công việc mới này. Chứng minh như thế nào?

Trước tiên bạn cần tìm hiểu về job mới này:

– Từng đầu mục công việc cụ thể là gì?
– Tính chất của công việc này như thế nào?
– Yêu cầu một người như thế nào?
– Mình có thật sự thích việc này không?
– Mình có thật sự phù hợp không?

Nếu thích và phù hợp, bạn sẽ cần lọc ra tất cả những mảng kiến thức, những công việc, kinh nghiệm từng trải của bạn có liên quan tới job mới này và show ra hết trong CV của mình.

Ví dụ bạn học ngành tài chính ngân hàng nhưng sau khi ra trường đi làm vài năm bạn thấy không phù hợp và tự nhiên bạn lại thích viết lách, thích làm nội dung và muốn làm một content writer. Vậy thì làm sao? Tốt nhất là trong khoảng thời gian làm công việc hiện tại, bạn nên tìm hiểu trước về content writer và bạn thử tập viết, thử làm blog, v.v. Nói chung là bạn nên có trải nghiệm trước và có sản phẩm hoặc có brand luôn thì càng tốt. Khi đó, bạn sẽ có nhiều thứ để ghi vào CV của mình và khả năng trúng tuyển của bạn sẽ tăng lên.

*Lưu ý: ví dụ này nhắc tới vị trí content writer trong một doanh nghiệp, không phải freelance content writer.

Những kiến thức ngành mà bạn được học hoặc những kinh nghiệm làm việc đã từng trải của bạn sẽ không phải là hoàn toàn bỏ đi. Có thể những kiến thức và kinh nghiệm đó không liên quan trực tiếp đến công việc mới nhưng đó sẽ là vốn sống của bạn, biết đâu trong cuộc sống bạn lại cần dùng đến hoặc ai đó cần bạn tư vấn về các vấn đề chuyên môn này hoặc có khi bạn có thể dùng chính những kiến thức và kinh nghiệm này để phục vụ cho công việc mới của bạn. Ở ví dụ trên, trong danh mục content của bạn có thể có một góc nhỏ cho mảng Tài chính, bạn viết về tài chính, chia sẻ về tài chính cá nhân chẳng hạn.

Kiến thức và kinh nghiệm có ở nhiều lĩnh vực thì càng tốt, không có gì là phí cả nên đừng quá lo lắng tới chuyện tốn tiền ăn học rồi đi làm việc trái ngành nhé.

Vậy thôi, tạm thời đó là những gì mình muốn chia sẻ, hoàn toàn dựa trên những trải nghiệm và quan điểm cá nhân nên nó có thể đúng, có thể phù hợp với bạn, hoặc không. Tuy vậy, hi vọng phần nào đó sẽ có ích cho các bạn.
 
Được chia sẻ bởi Superteo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn