Người đọc sách có tâm hồn phong phú hơn người không đọc sách?

Trong nhiều năm trở lại đây, văn hóa đọc luôn được chú trọng tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta đã tổ chức nhiều hơn những hội sách, mở nhiều hơn những thư viện hay nhà sách, đưa sách tiếp cận đến nhiều độc giả. Những người chăm đọc sách (dù không phải tất cả, nhưng cũng là con số không nhỏ), cho rằng “ít đọc sách làm cho bạn không có tâm hồn phong phú”. Thoạt nghe có vẻ đúng đó chứ, nhưng chúng ta hãy nhìn rộng hơn, tinh tế hơn để cùng thảo luận về quan điểm trên nhé.

Chúng ta đọc sách để làm gì?

  • Đọc sách để mở mang kiến thức

Chắc chắn rồi, đây là một trong những lợi ích, mục đích đầu tiên mà chúng ta nhắc đến khi nói về việc đọc. Khi bắt đầu biết đọc, chúng ta tìm đến sách để tích lũy kiến thức, khám phá về thế giới. Khi đã đi làm, chúng ta tìm đến sách để học cách quản lý, nhìn sâu hơn về kiến thức chuyên môn, thậm chí thay đổi mindset của chính mình. 

Đọc sách là một trong những cách tốt nhất để tự học ở mọi thời điểm trong cuộc sống, ở bất cứ công việc, ngành nghề nào đi chăng nữa.

  • Đọc sách để thư giãn 

Những người ít đọc sách có thể cho rằng sách khô khan, sách quá trừu tượng. Nhiều người không có đủ cảm hứng, không đủ kiên nhẫn với những dòng chữ xuất hiện liên tiếp. Nhưng ngược lại, người thường xuyên đọc sách, tìm được những cuốn sách phù hợp lại cho rằng đọc sách rất bổ ích. Nó không chỉ giúp họ nhìn nhận tốt hơn về cuộc sống, bổ sung những khiếm khuyết của con người mà còn là liều thuốc tinh thân thực sự bổ ích.

Đọc sách và nhâm nhi ly trà vào mỗi buổi sáng, đọc sách trước khi ngủ hay đọc sách ở giữa thiên nhiên khiến ta cảm thấy thực sự hứng khởi. Khi ấy, não bộ được thư giãn, chúng ta có cảm hứng mới, có ý tưởng mới và có thêm nhiều động lực cho chặng đường phía trước. Hoặc đơn thuần là thư giãn và không nghĩ thêm bất cứ điều gì khác.

  • Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn

Với rất nhiều bạn học sinh, dù còn nhỏ hay đã ở độ tuổi thiếu niên, việc nuôi dưỡng tâm hồn là điều đặc biệt quan trọng. Nhất là khi mới lớn, đã có trải nghiệm về cuộc sống, đã có suy nghĩ, đánh giá riêng của mình. Khi ấy, các em rất dễ phản ứng với những chuyện xảy ra không như mong muốn. Chính những lúc khó khăn ấy là lúc nội lực được thử thách. Các em có vượt qua được hay không cũng một phần là dựa vào tâm hồn, nội lực đủ tốt hay chưa. Và đọc sách sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng nội lực cho bản thân để biết cách ứng phó với những tình huống bất ngờ.

Sách chứa những kinh nghiệm của những người đi trước, những điều mà thế hệ trẻ chưa từng trải qua. Sách chứa những câu chuyện, những góc nhìn hoàn toàn mới. Chính nhờ đó, đọc sách giúp ta có thêm kinh nghiệm sống, thêm nội lực cho chính bản thân mình.

Nhắc lại một chút về lợi ích của việc đọc sách để hiểu rằng bài viết không có ý chê bai việc đọc hay cố tình gây tranh cãi. Bài viết nêu ra một thực trạng cũng như giúp mọi người có góc nhìn đa chiều hơn về việc đọc sách hay không đọc sách.

Tâm hồn

Khi nhắc đến tâm hồn có nghĩa là chúng ta đang nhắc đến khả năng tinh thần của một người bao gồm lý trí, tính cách, cảm giác, ý thức, trí nhớ, nhận thức, suy nghĩ,… Đó là định nghĩa phổ biến nhất. Vậy nếu không đọc sách, bạn có thực sự thiếu đi hay mất đi những thứ trên?

Với lý trí, đó là khả năng về ý thức để hiểu sự vật, sự việc, hiện tượng. Có thể hiểu nôm na gần giống tư duy logic. Lý trí có thể hình thành qua việc học trên lớp, tìm hiểu kiến thức qua các bài viết, xem video trên youtube, thậm chí từ những sự việc diễn ra hàng ngày. Thiếu đi sách không có nghĩa là không có lý trí, lý trí sinh ra trong quá trình chúng ta trải nghiệm cuộc sống và có góc nhìn riêng cho bản thân mình. Tương tự, đó là tính cách, ý thức, nhận thức,… những thứ tạo nên tâm hồn.

Một ví dụ rất dễ thấy là những bạn sinh ra ở nông thôn, ít được tiếp cận với sách nhưng nếu tiếp xúc nhiều, chúng ta có thể nhận ra rằng tâm hồn họ rất rộng mở. Các bạn ở nông thôn có cuộc sống rất gần gũi với thiên nhiên, nơi có những con sông thơ mộng, đồng lúa trải dài bát ngát, những con đường rợp bóng cây. Không những thế, các bạn còn có những trải nghiệm mà trẻ em thành thị không có được. Những trò chơi như Ô ăn quan, đánh cù,… Được lội ao bắt cá, thả diều, bẫy chim,… Dù họ không có điều kiện được tiếp xúc nhiều với sách nhưng chúng ta đâu thể nói họ có nội tâm không phong phú. Rộng mở ở những trải nghiệm, không bị bó buộc bởi cuộc sống ngột ngạt giúp họ có những cảm nhận hoàn toàn khác với những “người đọc sách”. 

Tiếp nữa nhé, chúng ta hãy cùng lấy ví dụ về những người sống ở thành thị. Trong bất cứ lớp học nào, bạn cũng sẽ thấy những cá tính khác nhau. Có người chăm học, luôn nỗ lực để đạt được điểm số cao, luôn muốn chinh phục các kỳ thi. Ngược lại, có những người lại thích thể thao, thích chơi game, thích những trò vui nhộn và khá ngại học. Đó là 2 cá tính khác nhau, 2 dạng tâm hồn khác nhau. Cùng 1 vấn đề, người tiếp xúc nhiều với sách vở có góc nhìn riêng, người ít tiếp xúc với sách có cái nhìn khác. Qua những góc nhìn, cảm nhận khác nhau, chúng ta có nội tâm khác nhau, có quyết định khác nhau.

Một điều nữa cần nhắc tới là sự khác biệt giữa tiếp cận vấn đề và ứng xử của người đọc sách và người không đọc sách. Khi đi dự một đám cưới, người không đọc sách ăn mặc giản dị hơn, nói chuyện suồng sã hơn. Còn người đọc sách chỉnh chu hơn, lịch sự hơn. Cả hai cá tính đều có những điểm hay và điểm không hay. Bạn ăn mặc đơn giản, bạn nói chuyện thoải mái giúp bạn gần gũi hơn, thân thiện hơn nhưng đôi lúc có thể bỗ bã quá khiến người khác chê cười hoặc nói nhiều khiến bộc lộ những điểm hạn chế. Bạn ăn mặc lịch sự, bạn nói chuyện từ tốn có thể rất phù hợp với bữa tiệc ở thành thị – nó giúp thể hiện bạn là người có ý thức điều chỉnh bản thân. Ngược lại, nếu ăn mặc như vậy về quê hoặc nói chuyện quá hình thức khiến bạn khó trở nên gần gũi. 

P/s: Ví dụ trên không phải đại diện cho tất cả người đọc sách và người không đọc sách các bạn nhé. Nó nêu lên phần nào sự khác biệt giữa 2 cá tính, còn trên thực tế có thể có những kiểu người khác nhau, thậm chí khá hoàn hảo ở nhiều tình huống.

Kết lại, chúng ta không nên cứng nhắc cho rằng “người ít đọc sách là người không có tâm hồn phong phú”. Tâm hồn của mỗi người phụ thuộc vào trải nghiệm, cách ứng xử và cách nhìn nhận vấn đề của họ trong cuộc sống. Dù không đọc sách nhưng nhiều người vẫn có những trải nghiệm và nét tính cách khiến ta thực sự ngưỡng mộ. Nếu bạn đọc nhiều sách, bạn hãy cứ tiếp tục với đam mê của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ra ngoài để trải nghiệm cuộc sống. Từ đó, cảm nhận của bạn sẽ được phát triển, bạn sẽ mở lòng hơn với những người lao động, những người ít có cơ hội tiếp cận với sách hoặc một vài người bạn không thích sách cho lắm ^^.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn