Đã bao giờ các bậc phụ huynh đã từng đặt câu hỏi “Con mình cần gì sau khi tốt nghiệp cấp 3” hay chưa. Nếu sau này, chúng lại rẽ theo một hướng khác hay quên hết những kiến thức đã được học thì liệu chúng sẽ thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau?

 

Chúng ta không biết trước được tương lai quá xa, nhưng hoàn toàn có thể chuẩn bị cho một tương lai gần hơn, thực tế hơn. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn học sinh sẽ quên đi những bài toán khô khan, những lời dạy trong cuốn Giáo dục công dân hay những bài văn mẫu chẳng giống với đời thường. Thứ các em cần là các kỹ năng chuyển đổi – những kỹ năng thiết thực cho quá trình học và làm việc sau này. 

 

 

Kỹ năng chuyển đổi (Transferable Skills) là các kỹ năng được phát triển trong một tình huống mà có thể được sử dụng cho nhiều tình huống khác. Hiểu nôm na là những kỹ năng đó được áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Chẳng hạn với kỹ năng giao tiếp, các em có thể nói chuyện vui vẻ với bạn bè đồng thời vận dụng vào bài thuyết trình trên lớp hay xa hơn là trao đổi thông tin trong công việc.

 

Chúng ta có thể ví việc phát triển năng lực chuyên môn như xây một cái nhà đẹp, còn phát triển kỹ năng chuyển đổi tương tự như tạo ra mái ngói bền đẹp, những khung thép vững chắc,… có thể dựng nên nhiều ngôi nhà đẹp khác hay thậm chí là cả khu biệt thự. Những kỹ năng đó nên được chú trọng càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là sau lễ tốt nghiệp cấp 3.

 

Dưới đây là 5 kỹ năng rất quan trọng mà các tân sinh viên cần biết:

 

1. Kỹ năng làm việc nhóm (Team Work)

Khi làm việc nhóm, mục tiêu cuối cùng của nhóm luôn cần đặt lên trên tất cả. Một người biết làm việc nhóm cần có những tố chất như: Biết vì mục tiêu chung, biết hi sinh, hoàn thành tốt phần việc của mình đồng thời đóng góp giải pháp để nhóm vận hành một cách tốt nhất.

 

Để thực hành kỹ năng này, các bạn sinh viên có thể tham gia hội nhóm tình nguyện; các lớp đào tạo về tư duy, thuyết trình hay cơ bản nhất là làm bài tập nhóm trên giảng đường Đại học. 

2. Động lực cá nhân, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian (Personal Motivation, Organisation và Time Management)

 

Sau kỳ thi THPT, thi Đại học, rất nhiều tân sinh viên sẽ phải xa gia đình để lên nhập học trên các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… Trong thời gian đầu, chắc chắn các em sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, thiếu thốn tình cảm, thậm chí sốc văn hoá bởi cuộc sống xa nhà, sống ở đô thị là rất khác biệt.

 

Muốn nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới, trước tiên, các em cần có nội lực vững chắc để không bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ, sự thiếu tự tin, thiếu động lực. Nhiều sinh viên cũng biết điều này nhưng để có được nội lực tốt là không hề đơn giản. Vòng quay của cuộc sống liên tục hối thúc, những điều mới mẻ liên tiếp xuất hiện sẽ làm lu mờ đi sự tỉnh táo trong con người.

 

Đầu tiên, các em cần xác định tâm lý, lên đại học không phải để chơi, để xả hơi mà là để tiếp tục học, để đối diện với những thử thách lớn của chính mình. Sẽ không có cha mẹ, thầy cô hay những người bạn thân ở bên. Các em sẽ phải làm mọi thứ từ đi tìm phòng trọ, cơm nước, giặt giũ, học tập và hàng tá các vấn đề khác.

 

Đó là lý do sinh viên năm nhất cần kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian cả trong cuộc sống lẫn trong học tập. Đừng để tái diễn những việc như đi chơi khuya, ngủ đến sáng mới dậy, bỏ học đi chơi game, thức thâu đêm trong quán Net. Hãy luyện cho mình thói quen sinh hoạt và học tập lành mạnh hàng ngày. Tất nhiên sẽ có những lúc mọi chuyện không như ý hay chính mình cũng không nghe lời mình. Các em cần xác định sẽ có những khoảng thời gian như vậy để nỗ lực vượt qua, tránh bị chìm trong khủng hoảng.

 

 

3. Kỹ năng lắng nghe (Listening)

 

Lắng nghe ở đây không chỉ là nghe bài giảng trên giảng đường mà còn là lắng nghe bạn bè, lắng nghe người thân. Tại sao các em học sinh cần làm được điều đó? Chính là bởi khi rời xa trường cấp 3, bước qua cánh cổng đại học, cao đẳng hoàn toàn là một trang mới của cuộc đời. Qua một quá trình phải học tập quá lâu, phải ở bên gia đình quá lâu, nhiều bạn trẻ sẽ có tâm lý thoả mãn, muốn thể hiện cái tôi đồng thời không chịu lắng nghe người khác.

 

Bắt một cô, cậu sinh viên năm nhất luôn lắng nghe người khác là điều gần như không thể khi đó là giai đoạn bùng lên của cái cá tính mạnh mẽ. Lời khuyên ở đây là các em cần những khoảng thời gian sống chậm lại, quan sát cuộc sống, nghĩ tới cha mẹ và những người mình thương yêu để dần dần để ý tới những chi tiết nhỏ và rồi biết lắng nghe người khác. 

Lắng nghe rất quan trọng. Người nói phải có người nghe đúng không? Một xã hội mà toàn người muốn nói, không ai chịu lắng nghe thì thực sự rắc rối. Nó không chỉ giúp các em hiểu con người, hiểu cách vận hành của cuộc sông để có tư tưởng đúng đắn mà còn hướng tới việc tiếp thu kiến thức hiệu quả, thậm chí làm việc hiệu quả khi các em tốt nghiệp đại học.

 

4. Kỹ năng giao tiếp – Thuyết trình (Communication & Presentation)

 

Khi đã lên đại học, các em phần nào có xu hướng điều chỉnh hành vi giao tiếp của mình bởi xung quanh là một môi trường mới, bên cạnh không còn là cha, mẹ – những người sẵn sàng bỏ qua cho lời nói của mình. Những bạn nhanh nhẹn có lẽ không cần đề cập đến nhiều. Những người cần lời khuyên ở đây có lẽ là các bạn còn rụt rè hay một số bạn mắc nhiều lỗi khi giao tiếp.

 

Thứ nhất, hãy cứ nói, đừng ngại thể hiện mình, đừng ngại sai, đừng ngại người khác chê trách. Khi ấy, bạn mới thoát được ra khỏi vùng an toàn của mình, nhận ra được những lỗi sai để dần dần sửa.

 

Thứ hai, nói chậm lại và rõ ý. Tán gẫu thì có thể nói nhanh, có thể sai nhưng khi thuyết trình hay thi vấn đáp, bạn hãy nói với tốc độ vừa phải. Vừa nói, vừa suy nghĩ như vậy mới nói rõ ý, ít mắc lỗi và nói được hết ý. 

 

Thứ ba, sửa những lỗi hệ thống như ngọng “L”, “N”, nói lắp, nói không có mở đầu

 

Thứ tư, luyện nói có nhấn nhá vào những từ quan trọng. Đó thường là danh – động – tính từ nổi bật trong câu, giúp người khác dễ ấn tượng, dễ ghi nhớ và dễ hiểu câu nói của bạn.

 

Thứ năm, nói có logic

Vấn đề nhiều sinh viên gặp phải, kể cả khi đã ra trường là khi giao tiếp, khi trình bày không biết bắt đầu từ đâu. Việc này cần có thời gian, kinh nghiệm và cả sự luyện tập.

 

Hãy bắt đầu bằng việc nói có trình tự: 

 

a – Tổng quan trước, chi tiết sau 

 

 

b – Ý chính (luận điểm) trước, ví dụ minh hoạ sau

 

c – Khi trình bày một vấn đề có thể theo thứ tự sau:

 

  • Mở: Đặt vấn đề (tại sao tôi muốn nói đến vấn đề đó)Các nội dung sẽ trình bày

 

  • Thân: Chi tiết từng nội dung và ví dụ minh hoạChú ý các nội dung cần có sự liên kết với nhau

 

  • Kết: Tóm tắt ý chính đã trình bày hoặc ngắn gọn về quan điểm cá nhân và cảm ơn

 

5. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích (Research and Analytical)

 

Phải nói rằng đây là kỹ năng mà hầu hết học sinh, thậm chí cả sinh viên Việt Nam rất yếu. Nguyên nhân đầu tiên đến từ lịch học dày đặc, các em phải hoàn thành nhiều bài vở trên lớp rồi đến học thêm khiến thời gian dành cho việc tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài rất hạn chế. Còn với sinh viên, việc thiếu kỹ năng đa phần do tâm lý mải chơi, bệnh lười. Tất nhiên, chúng ta không nên đánh đồng tất cả bởi có nhiều sinh viên có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất tốt.

 

Các bước cơ bản để nghiên cứu về một đề tài cụ thể:

 

  • Bước 1: Làm rõ những điểm cần nghiên cứu và các bước thực hiện

 

  • Bước 2: Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn. Có thể từ các bài nghiên cứu trước, thông tin trên mạng, thông tin từ giảng viên, thông tin thực tế qua các bản khảo sát,…

 

  • Bước 3: Phân tích từ tổng quan và tiến đến cá nhân hoá góc nhìnViệc tự đánh giá là rất quan trọng bởi nó thể hiện bạn hiểu vấn đề và có cách tiếp cận riêng, có sự chăm chút cho nội dung nghiên cứu.

 

Lên đại học, sinh viên có rất nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng này. Cơ hội đến từ việc nghiên cứu các bài giảng trên lớp, làm việc nhóm, tham gia các chiến dịch cộng đồng,… Hãy cố gắng đi tìm kiếm và tận dụng cơ hội của chính mình nhé. 

 

Admin sẽ có bài viết chi tiết về từng kỹ năng giúp các bạn sinh viên dễ tiếp cận nhất. Hi vọng bài viết hữu ích cho mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn