Chúng ta đều biết rằng tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới và được nhiều người ví von như tấm vé thông hành tốt nhất để phát triển sự nghiệp. Chính vì vậy, người người nhà nhà đổ xô đi học tiếng Anh với mong muốn sử dụng thành thạo tiếng Anh để tăng cơ hội việc làm cho bản thân. Thế nhưng, đời không như mơ khi có rất nhiều người học tiếng Anh mãi nhưng vẫn tệ. 

Hãy cùng SunUni Academy tìm hiểu xem lý do nào khiến bạn học tiếng Anh mãi mà không tiến bộ nhé!

Luôn mang trong đầu suy nghĩ “Tiếng Anh rất khó” 

Có những bạn luôn mang trong đầu suy nghĩ: “Tiếng Anh khó lắm, những ai học giỏi chắc hẳn được đầu tư từ bé hoặc là người có năng khiếu đặc biệt về việc học ngoại ngữ, chứ giờ mình mới bắt đầu học thì làm sao theo được”. Những người có suy nghĩ như vậy, chỉ cần nhắc đến tiếng Anh sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu đến mức dị ứng với nó. Mỗi khi học tiếng Anh, thay vì cởi mở bản thân để tiếp thu kiến thức thì họ lại tự tìm kiếm những lý do rằng học tiếng Anh rất khó như: Học từ mới vừa dài vừa khó, hay nghe tiếng anh như là cơn ác mộng khi người ta nói quá nhanh,…

Đôi khi, những người có cùng suy nghĩ “học tiếng Anh khó lắm” lại tụm năm tụm ba nói về việc học tiếng Anh khó khăn ra sao. Nếu bạn cũng góp một phần ý kiến vào những cuộc bàn tán này, bạn sẽ chẳng bao giờ học được. Bởi trong đầu bạn sẽ luôn suy nghĩ rằng học tiếng Anh thật nhàm chán và khó hiểu. 

Không có mục tiêu rõ ràng 

Nhiều người bắt đầu học tiếng Anh đơn giản chỉ vì họ thấy bạn bè ai cũng đi học, nên họ cũng đăng ký một khóa học cho bằng bạn bằng bè. Cũng chính vì vậy, họ không có một mục tiêu nào rõ ràng cho việc học của mình. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người học tiếng Anh không bao giờ đến đích.

Mục tiêu không rõ ràng có nghĩa là người học nhầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích. Mục đích học là để trở nên thành thạo với tiếng Anh, nhưng mục tiêu là thành thạo ở mức độ cụ thể nào: ví dụ đạt 7.5 trong bài thi IELTS, hay nắm vững toàn bộ 99 mô hình câu tiếng Anh và 3.500 từ vựng để đạt trên 900 điểm trong bài thi TOEIC và giao tiếp hoàn toàn độc lập, thành thạo trong môi trường thương mại quốc tế? Phần lớn người học tiếng Anh không đặt mục tiêu bằng con số cho mình, và vì vậy họ không xác định được khối lượng kiến thức cần học và số giờ rèn kỹ năng cần phải đầu tư.

Chính vì thế mà họ không thể chia khối lượng kiến thức và số giờ đó vào mỗi tuần hay mỗi ngày để biến thành chỉ tiêu phải hoàn thành cho từng ngày hay từng tuần. Những người học tiếng Anh theo “trường phái không mục tiêu cụ thể” này sẽ thường bỏ học giữa chừng vì động lực học tập bị mất đi rất nhanh. Sự hào hứng với suy nghĩ ban đầu về một phần thưởng là sử dụng sử dụng được một ngoại ngữ toàn cầu, sẽ nhanh chóng biến mất khi khó khăn trong việc học tiếng Anh kéo đến. Việc bỏ học giữa chừng là điều thường thấy ở những người không có mục tiêu học tập cụ thể này. Và kết quả là những người theo nhóm này sẽ thường học đi học lại các khóa học tiếng Anh ở một trình độ rất thấp và họ vẫn sẽ lại bỏ cuộc.

Quá chú trọng vào ngữ pháp

Từ khi bắt đầu làm quen với học tiếng Anh ở trường tiểu học hay trung học cơ sở, bạn đã được nhồi nhét rất nhiều ngữ pháp từ sách giáo khoa. Có thể thấy ngữ pháp rất quan trọng trong thời gian bạn mới bắt đầu làm quen với kiến thức. Nhưng nếu quá sa đà vào làm bài tập ngữ pháp, bạn sẽ không thể giao tiếp tiếng Anh lưu loát được và có khi đánh mất khả năng phản xạ trong giao tiếp. 

Có phải bạn thường viết ra một danh sách các công thức riêng lẻ, chép đi chép lại để ghi nhớ? Bạn có thể đưa lượng ngữ pháp tiếng Anh ấy vào trí nhớ ngắn hạn nhưng sau một thời gian ngắn bạn sẽ quên hết. Bạn nhớ cấu trúc nhưng không thể áp dụng để nói, khi giao tiếp bạn không nhớ nổi mình đã học cái gì. Học tiếng Anh, biết nhiều về tiếng Anh mà là nghe không hiểu được là điều đáng buồn nhất. Nếu đang ở trong tình trạng như trên, bạn hãy nhanh chóng thay đổi cách học, đừng để ngữ pháp học rồi lại quên.

Không để ý đến cách phát âm

Phát âm là nền tảng cốt lõi của việc phát triển một ngôn ngữ. Hãy quan sát một đứa trẻ đang học nói, nó phải lắng nghe rồi bắt chước, rồi góp nhặt cách phát âm từng từ, lặp đi lặp lại. Cứ thế, đến một lúc nào đó, khi đã góp nhặt đủ một lượng từ, nó sẽ bật ra thành câu hoàn chỉnh. Học tiếng Anh cũng vậy, bạn cần để ý đến những gì người bản xứ phát âm, lắng nghe, chú ý đến từng chi tiết về trọng âm, âm cuối, âm nối,… để có thể bắt chước chính xác và lặp đi lặp lại biến thành của mình.

Nếu chịu khó cập nhật các bản tin hàng ngày, bạn sẽ thấy rất nhiều người Việt, kể cả những người nổi tiếng, gặp vấn đề về khả năng ngoại ngữ chỉ vì không biết cách phát âm tiếng Anh. Bạn sẽ được gì nếu bạn hiểu được mấy chục ngàn từ vựng và có vốn kiến thức ngữ pháp uyên thâm, nhưng mở miệng ra nói thì chẳng ai hiểu được bạn đang nói cái quái gì? Cho nên, hãy để ý cách phát âm của người bản xứ, quan sát khẩu hình miệng của họ, tập bật từng âm rõ ràng và hơn nữa tìm cho mình một người thầy giỏi để luyện phát âm chính xác.

Tóm lại là bạn nghe giọng gì nhiều thì bạn sẽ “sản xuất” ra đúng như những gì bạn nghe thấy. Và học tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn chịu khó xem các chương trình có người bản xứ thì khả năng phát âm của bạn cũng được cải thiện hơn. 

Sử dụng mắt nhiều hơn tai

Rất nhiều người học tiếng Anh, có xu hướng sử dụng mắt (nhìn và đọc) hơn là sử dụng tai để nghe, ghi nhớ và lặp lại. Chính vì vậy, họ có thể đạt điểm khá cao trong các bài thi đọc viết, nhưng khi thả họ vào các tình huống giao tiếp thực tế, họ hoàn toàn bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười không biết phải làm gì khi giao tiếp tiếng Anh.

Trong giao tiếp tiếng Anh thực tế, phản xạ nghe và nói nhanh nhạy mới là điều quan trọng. Khả năng sử dụng tốt các cấu trúc câu giao tiếp, vốn dĩ chẳng bao giờ xuất hiện trong các bài kiểm tra ngữ pháp cầu toàn. Tuy nhiên điều đó mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công hay thất bại của việc sử dụng tiếng Anh. Và sau nhiều năm được điểm cao trong các bài kiểm tra ngữ pháp, những người chợt thấy mình lúng túng và kém cỏi trong giao tiếp thực tế. Lúc này, họ luôn có nhu cầu chuyển đổi những thành tựu ngữ pháp thành lời nói. Nhưng việc này hoàn toàn không dễ dàng, và phải mất nhiều thời gian thực sự luyện nghe và nói nữa thì họ mới có thể vận dụng tốt cái vốn ngữ pháp của họ để nói tiếng Anh được thực thụ.

Học thật nhiều từ vựng đơn lẻ

Một trong những thói quen học từ vựng tiếng Anh của chúng ta là học từng từ đơn lẻ. Có nhiều người còn chăm chỉ học thuộc lòng các danh sách từ vựng có sẵn. Đã từng có lúc nào bạn bắt gặp những từ vựng mới và chăm chỉ chép vào sổ tay nhưng lại quên bẵng ngay cuốn sổ sau một thời gian mải mê với những công việc khác?

Chính thói quen học không hiệu quả này khiến chúng ta gặp khó khăn khi áp dụng những từ vựng đã học (thậm chí đã nhớ) vào thực tế. Bởi lẽ một từ vựng đôi khi có rất nhiều nghĩa khác nhau, trong mỗi cụm từ lại tạo thành những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Nhưng trong giao tiếp thì ta lại nói ý, nghe ý, hiểu ý… mà mỗi ý thường được hình thành tối thiểu bằng một cụm từ, hoặc đầy đủ hơn là một câu.

Tùy vào bối cảnh thực tế mà chúng ta sẽ cần chọn lọc từ ngữ để diễn đạt ý sao cho phù hợp. Nếu như bạn chỉ học từng từ riêng lẻ, không hề quan tâm đến ngữ cảnh thì sẽ rất khó khăn trong việc hiểu ý người đối diện muốn nói, cũng như việc chọn đúng từ trong đúng tình huống giao tiếp.

Một lý do khác khiến cho việc học từng từ riêng lẻ không mang đến hiệu quả cho người học là bởi vì chúng ta có xu hướng quên những thông tin mới tiếp nhận chỉ sau một thời gian ngắn nếu thông tin mới đó không liên kết với bất kỳ một thông tin cũ nào. Tương tự, những từ vựng đơn lẻ chứa ít thông tin, chưa tạo được một bức tranh có ý nghĩa, nên thường thiếu sự liên kết, và khiến chúng nhanh chóng bị lãng quên sau một thời gian không ôn tập lại. 

Ngại nói tiếng Anh

Rất nhiều người trong chúng ta ngại khi giao tiếp với người khác. Chúng ta thà dành một buổi tối yên tĩnh để đọc sách hơn là ra ngoài hay đi party. Có thể là sợ giao tiếp với người lạ hoặc là người hướng nội. Dù là nguyên do gì thì việc không chủ động trò chuyện với người khác sẽ là một hạn chế khiến khả năng nói tiếng Anh khó được cải thiện.

Bên cạnh đó cũng có một số người, học tiếng Anh đã có được một vốn kiến thức căn bản về phát âm, từ vựng và ngữ pháp, nhưng lại sợ sai và rất ngại nói. Họ cứ sợ rằng sẽ bị cười chê vì mình nói không chuẩn. Dần dà, họ trở nên kém tự tin và không thể giao tiếp tiếng Anh một cách trôi chảy. Hãy suy nghĩ một chút, nếu một đứa trẻ học nói cũng sợ sai và không dám nói như bạn, chắc rằng khi lớn lên nó sẽ chẳng bao giờ nói chuyện như một người bình thường được. Cho nên, hãy tự tin nói tiếng Anh, hãy chấp nhận nói sai để bản thân và người khác sửa lỗi cho bạn, bạn sẽ cảm nhận được sự tiến bộ nhanh chóng.

Học tùy hứng, lúc nào thích thì học, không kiên trì

Khẳng định 100% rằng không ai thể giỏi tiếng Anh chỉ sau dăm bữa nửa tháng. Bạn cần phải trải qua quá trình học và sử dụng thường xuyên. Một số bạn thất bại khi học tiếng Anh không phải do họ không có khả năng, mà là do họ bỏ cuộc quá sớm. Nhiều bạn mới chỉ học vài tháng, vài tuần nhưng lại mong đợi kết quả có thể đạt được sau 1 năm. Xong từ đó thấy nản rồi bỏ cuộc.

Một số bạn có thói quen hỏi một cách tùy hứng. Có thể hôm nay nếu cảm thấy hứng thú, sẽ dành đến ba bốn tiếng để học tiếng Anh. Rồi sau đó, vì bận rộn, hoặc vì mất hứng, họ bỏ bê tiếng Anh đến cả tuần, thậm chí cả tháng. Khi đó, kiến thức mới chưa kịp tích lũy được bao nhiêu thì kiến thức cũ đã vội ra đi cuốn theo chiều gió. Và đây cũng là một trong số lý do khiến bạn học tiếng Anh mãi vẫn dở.

Thay vì nhồi nhét tiếng Anh hàng giờ đồng hồ liên tục rồi lại nghỉ giải lao một thời gian, bạn hãy làm quen với việc tiếp xúc và sử dụng nó hàng ngày. Mỗi ngày 10 phút, 20 phút hay 30 phút học, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn dồn lại học vài tiếng một tuần. Đừng học một cách tùy hứng như vậy nữa, hãy kiên trì học và lặp đi lặp lại, khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn sẽ cải thiện một cách tự nhiên và đáng kinh ngạc đấy.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về lộ trình cải thiện tiếng Anh tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn