Đã có rất nhiều sách và bài viết về tư duy cầu tiến (growth mindset). Vậy tư duy cầu tiến là gì? Gồm những năng lực cụ thể nào? Phần viết này sẽ có trong cuốn sách thứ ba của Thu Hồng chuyên về giáo dục cảm xúc xã hội.
Nhóm năng lực tư duy cầu tiến gồm:
1. Mạo hiểm có trách nhiệm [Taking responsible risks]
2. Siêu nhận thức [Metacognition]
3. Tư duy linh hoạt [Thinking flexibly]
4. Bền bỉ/Bền chí [Persistence]
5. Biết đặt câu hỏi [Asking questions]
Hãy nghĩ về một thử thách gần đây nhất mà bạn phải vượt qua hoặc một thử thách bạn muốn thực hiện. Đó có thể là leo lên núi không có dây chằng hỗ trợ, hay học một điệu nhảy mới, hay lắp ráp chiếc xe đạp… Bạn có nghĩ là bạn sẽ thành công không? Tại sao có và tại sao không? Bạn nghĩ bạn cần làm gì để thực hiện thành công? Bạn cảm thấy thế nào trước và sau khi thực hiện thử thách?
Và câu hỏi mấu chốt xuyên suốt phần viết về tư duy cầu tiến này là “Tại sao cách bạn học cũng quan trọng như những gì bạn học?”
Điều gì sẽ xảy ra nếu hồi cấp ba Michael Jordan bỏ cuộc khi không được vào đội tuyển? Rất may anh ấy đã không bỏ cuộc vì nếu không chúng ta đã không có một nhà vô địch.
Theo bà Carol Dweck, tác giả của cuốn sách “Tư duy: Tâm lý học mới của Sự Thành công”, người có tư duy cầu tiến là người tin rằng hầu hết những khả năng cơ bản đều có thể phát triển thông qua sự chăm chỉ và cống hiến. Trí óc và tài năng chỉ là những điểm khởi đầu. Cách nhìn này tạo ra tình yêu đối với việc học và sự kiên định/kiên cường cần thiết để đạt được thành tựu. Hãy để bộ não của chúng ta luôn tập luyện, làm việc. Chúng ta sẽ biết nhiều hơn, làm được nhiều việc hơn.
Trong bài viết tựa đề “Nhìn lại Tư duy cầu tiến” đăng trên tạp chí Education Weekly số 35 (*) (trang 20-24), bà cũng nhấn mạnh rằng: Tư duy cầu tiến không chỉ là sự nỗ lực mà còn cần có việc học tập và cải tiến. Đặc biệt các em học sinh cần được trang bị hàng loạt những chiến thuật khác nhau và biết cách hỏi ý kiến người khác khi thấy khó khăn.
Vậy Tư duy cầu tiến cụ thể ra sao? Tư duy cầu tiến gồm những năng lực tư duy sau:
1. Mạo hiểm có trách nhiệm [Taking responsible risks]
Chấp nhận những mạo hiểm và rủi ro đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Thử cũng nghĩ về những câu hỏi sau: Những lợi ích của việc chấp nhận rủi ro là gì? Tại sao biết là rủi ro mà chúng ta vẫn làm? Thường lĩnh vực nào bạn sẽ sẵn sàng hoặc không sẵn sàng chấp nhận rủi ro? áp dụng việc chấp nhận rủi ro trong tư duy cầu tiến như thế nào?
Theo trang GoodTherapy (https://www.goodtherapy.org/…/risks-adrenaline-benefits… ) thì việc thực hiện những hành vi mạo hiểm, rủi ro (với liều lượng vừa phải và có trách nhiệm) tạo ra sự thay đổi đối với não bộ và có tác động tích cực đối với não bộ và sức khỏe tinh thần, như tạo sự hưng phấn, giảm sự nhàm chán, tuyệt vọng, làm mới các mối quan hệ và tạo ra những thành công mới.
Trong phạm vi cuốn sách này, Thu Hồng chỉ bàn về những rủi ro học thuật, đặc biệt là tại sao chấp nhận rủi ro hay mạo hiểm có trách nhiệm là điều tốt. Nếu chúng ta không mạo hiểm và thử làm những điều mới mẻ, chúng ta có thể bỏ lỡ rất nhiều những điều tuyệt diệu! Bằng cách mạo hiểm làm những điều đúng đắn, chúng ta khiến bản thân trở nên thông minh và mạnh mẽ hơn. Như hãy thử giải một bài toán theo phương thức bạn chưa thử bao giờ; hãy thử thay những nguyên vật liệu mới, khác cho một thí nghiệm khoa học cũ hay quen thuộc; hãy thử đề xuất một lựa chọn câu chữ khác trong bài viết; hãy thử làm câu thêm câu khó để được cộng điểm (bonus questions for extra credit/point)… Đó cũng chính là những mạo hiểm đúng đắn và có trách nhiệm, trái ngược với những mạo hiểm và rủi ro vô trách nhiệm như để trống vài câu trả lời trong bài kiểm tra, đoán mò/đoán đại câu trả lời mà mình không hề biết và không dùng suy luận hay kiến thức đã học…
• Thế nào là mạo hiểm/rủi ro có trách nhiệm? Là khi hệ quả tiêu cực nếu có không đặt bạn hay người khác vào sự nguy hiểm. Và khi những lợi ích có thể có sẽ nhiều hơn những hậu quả có thể có. Nếu bạn không biết chắc mạo hiểm đó là có trách nhiệm hay không thì hãy hỏi xin ý kiến của người lớn hay người bạn tin cậy.
• Trong lúc học, trước khi mạo hiểm, hãy tự đặt câu hỏi: Mình có thể làm gì để mạo hiểm trong tình huống này? Nếu mạo hiểm, giá trị/điểm thưởng/điểm cộng nếu có là gì?
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến các bạn nhỏ lớp 3 của mình đã hào hứng, hạnh phúc thế nào khi thành công sau khi mạo hiểm chấp nhận thử thách viết văn trên cuốn vở điện tử (digital notebook) của nền tảng Google classroom. Trước đó các em vốn hay chỉ viết trong cuốn vở giấy trắng với bút chì thông thường. Sau khi thử nghiệm, các em đã rất thích thú sử dụng những công cụ online như thay đổi hình ảnh nền, tạo hiệu ứng hình ảnh, chèn hình ảnh vào bản text… Các bạn đã không sợ sai, sợ xấu. Kết quả là thay vì hình thức bài văn thông thường với giấy trắng chì đen trên những dòng kẻ đều thẳng tắp đơn điệu, chúng tôi đã có những bài viết với hình thức trình bày vô cùng phong phú, đẹp mắt như hình động, hình ẩn, hiệu ứng âm thanh và màu sắc…
2. Siêu nhận thức [Metacognition]
Giả định bạn phải vẽ bức tranh một ngôi trường của bạn, trong tranh có ít nhất 3 địa điểm bạn cho là quan trọng nhất trong trường. Bây giờ hãy nghĩ lại quá trình bạn tư duy từ lúc trước khi đến trong khi và sau khi vẽ xong. Khi vừa nhận đề bài ngay lập tức óc bạn nghĩ gì? Bạn có phác ra trong đầu ý tưởng hay kế hoạch gì không? Bạn nghĩ gì khi đang vẽ? Sau khi vẽ xong bạn có nghĩ gì không?
4 câu hỏi này chính là ví dụ của siêu nhận thức: suy nghĩ hay tư duy về tư duy. Chính là khi bạn lên trước kế hoạch, khi thực hiện thì cân nhắc và xem xét quá trình cũng như các bước, hay nhìn lại sự thành công của mình sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bộ não của chúng ta có sức mạnh độc đáo là phân tích những gì chúng ta đang làm và nghĩ. Nhưng không phải ai cũng sử dụng khả năng đánh giá suy nghĩ này.
• Tại sao siêu nhận thức lại quan trọng? Bởi vì năng lực tư duy này giúp chúng ta làm tốt hơn trong tương lai. Chẳng hạn như việc đánh giá và nhìn nhận: ví dụ khi bạn viết báo cáo về một cuốn sách hay truyện (book report) và bị điểm kém. Cô nhận xét rằng bạn quên không có phần viết mô tả nhân vật. Điều này chứng tỏ cách bạn làm không hiệu quả vì bạn bỏ sót một chi tiết quan trọng. Bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu về chi tiết này và rút kinh nghiệm cho những báo cáo lần sau.
Đọc mỗi tình huống sau và cân nhắc 2 câu hỏi này:
– Kế hoạch của bạn có hiệu quả không?
– Bạn sẽ làm gì lần sau?
#1: Bạn phải viết một bài luận so sánh 2 nhân vật trong cùng một cuốn sách. Khi đọc, bạn tóm tắt từng chương và gạch chân đặc tính của những nhân vật mà bạn phải so sánh. Bạn không lên khung cho bài luận và đến sát ngày nộp mới viết. Bạn nộp bài và nhận điểm thấp. Thày giáo nhận xét là chứng cứ thì nhiều và mạnh nhưng bài viết yếu về cấu trúc và có nhiều lỗi chính tả.
#2: Bạn phải viết tóm tắt một bài báo về những khám phá vũ trụ mới. Trong lúc đọc, bạn ghi chú bên lề và gạch chân những chi tiết quan trọng. Bạn được điểm tuyệt đối.
Bạn đã sử dụng cùng một chiến thuật cho 2 tình huống trên nhưng không mang lại kết quả như nhau. Vậy điều gì bạn cần thay đổi và làm khác đi?
Trong bối cảnh trường học, các bạn nhỏ ở Mỹ thường xuyên được có cơ hội để nhìn nhận, đánh giá quá trình học tập hay thực hiện một bài tập, dự án. Hay khi học một chủ đề nhất định, các bạn luôn được giới thiệu những cách tiếp cận và chiến thuật khác nhau, tạo thành một “repertoire” (kho dự trữ) và khi áp dụng vào từng câu hỏi hay nhiệm vụ cụ thể, các bạn sẽ có khả năng lựa chọn ra phương pháp hay chiến thuật phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
• Có phải khả năng tư duy siêu nhận thức chỉ áp dụng trong bối cảnh trường học hay học thuật? Hoàn toàn không phải như vậy. Trong thực tế đời sống hàng ngày, áp dụng khả năng siêu nhận thức sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều. Như khi lên kế hoạch truyền thông cho một dự án hay chuẩn bị thành lập công ty, siêu nhận thức sẽ giúp chúng ta tìm ra chiến thuật phù hợp hơn, chọn được giải pháp tiết kiệm hơn, hay sắp xếp nhân lực hiệu quả hơn. Cha ông xưa đã có câu “Thua keo này ta bày keo khác”. Để có thể bày được keo khác tốt hơn, đáng giá hơn thì rất cần khả năng đánh giá, nhìn nhận của tư duy siêu nhận thức.
3. Tư duy linh hoạt [Thinking flexibly]
Bạn là người suy nghĩ linh hoạt hay cứng nhắc? Hãy trả lời trung thực 7 câu hỏi sau (bằng cách chọn những câu mô tả đúng với bạn nhất) để có câu trả lời nhé:
1. Bạn thường bực mình khi kế hoạch thay đổi đột ngột
2. Bạn coi mình là người sáng tạo
3. Bạn rất hay đổi ý
4. Bạn nghĩ thường chỉ có một cách đúng khi làm mọi chuyện
5. Bạn dễ dàng tìm ra rất nhiều giải pháp cho các vấn đề khó khăn
6. Có nhiều người sẽ mô tả bạn là bướng
7. Bạn dễ dàng đặt mình vào vị trí của người khác
Đáp án:
– Nếu bạn nói có với đa số các câu 2, 3, 5, 7, bạn là người có thiên hướng suy nghĩ linh hoạt
– Nếu bạn nói đúng với hầu hết các câu số 1, 4, 6 thì ban thường có suy nghĩ cứng nhắc
Theo giáo sư Art Costa, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Habits of Mind (Những Thói quen của Tư duy), suy nghĩ linh hoạt trái ngược với việc lúc nào cũng khăng khăng theo ý của mình. Suy nghĩ linh hoạt là cân nhắc đến và lắng nghe những quan điểm, ý kiến khác biệt, tìm hiểu xem khác như thế nào, sự khác biệt đó có ý nghĩa ra sao với mình. Ông cũng cho rằng đây là yếu tố cơ bản để làm người- chúng ta có thể tồn tại được là vì chúng ta có khả năng thích nghi và có khả năng thay đổi cách nhìn, quan điểm.
Hãy suy nghĩ về những tình huống đơn giản hàng ngày như khi bạn hay con bạn đi chơi xa đâu đó, hay bắt đầu ở một môi trường mới, đồ ăn trưa không có món bạn hay con quen và thích ăn. Nếu bạn hay con bạn cứ khăng khăng đòi món ăn quen thuộc, không chịu thử món có sẵn, chắc chắn bạn hay con bạn sẽ bị đói.
Làm thế nào để khuyến khích suy nghĩ linh hoạt? Hãy thử cùng luyện vài tình huống sau:
1. Tìm cách nối các chấm tròn với nhau để tất cả các chấm đều được nối với ít nhất một chấm khác (trong hinh)
-> Hãy luôn nghĩ ra hơn một cách để nối chấm tròn, để giải quyết vấn đề. Hãy thử thay đổi, kết hợp, đảo ngược, xoá bớt.
2. Khi gặp bất cứ hình ảnh với cảnh tượng bạn cho là bí ẩn, hãy thử ghi lại cảm nhận đầu tiên của bạn về điều gì đang xảy ra khi bạn nhìn thấy hình ảnh đó. Sau đó, liệt kê ra 4 cách giải thích khác nhau cho cảnh tượng bạn thấy.
-> Hãy luyện suy nghĩ sáng tạo và tư duy tưởng tượng bằng cách thử đặt mình vào vị trí người khác, kết nối với những kinh nghiệm và kiến thức sẵn có, và đặt giả thuyết. Khi nhìn thấy một sự vật hiện tượng, không ngay lập tức đưa ra một kết luận duy nhất mà hình dung ra vài tình huống khác nhau.
• Suy nghĩ linh hoạt trong môi trường học thuật: được thể hiện vô cùng phong phú qua các bài học, các hoạt động học tập, cũng như các hoạt động tương tác xã hội khác giữa các thành viên trong nhóm, lớp và trường ở các không gian, địa điểm khác nhau của trường. Đó có thể là các em học sinh sẵn sàng lên kế hoạch mới khi kế hoạch đi tham quan bị hoãn; có thể là kể ra được những cảm xúc, tâm trạng của một bạn khi bị lỡ cú sút trong giờ thể dục; là vẽ tạm vào giấy có dòng kẻ hay giấy đã dùng một mặt khi giấy trắng để vẽ bị hết; là bài học về các quan điểm/cách nhìn khác nhau (different points of view) trong môn đọc; là thay thế vật liệu này bằng vật liệu khác sẵn có trong giờ hoá học; là khi thấy bạn nói hay làm điều gì mình thấy có vẻ sai trái phật ý thì phải tìm hiểu kỹ và giả định vài nguyên nhân khác nhau…
4. Bền bỉ/Bền chí [Persistence]
Bền chí hay bền bi là không từ bỏ ngay cả khi đối diện với khó khăn, tìm ra những cách khác nhau để đạt được mục tiêu. Như nhiều yếu tố khác đã bàn ở trên, bền chí là một trong những tố chất đóng góp cho sự thành công của một người.
Hãy thử thực hiện ma trận sau (trong hinh):
• Miêu tả những gì bạn trải qua khi phải hoàn thành ma trận: bạn thấy dễ hay khó? Có lúc nào bạn thấy bực bội? Muốn bỏ cuộc? Bạn đã cố hết sức?
Hãy thử điểm lại những thứ hay những môn học nào làm bạn dễ bực bội và bỏ cuộc nhất. Liệu đó có phải là môn toán, môn đọc, viết, hay thể thao, hội họa? Rồi sau đó hãy viết về một lần bạn đã không bỏ cuộc khi đối mặt với thử thách và thất bại. Điều gì là động lực để bạn đã không bỏ cuộc? Bạn đã nghĩ về những gì mình có thể làm được? Bạn đã tự động viên mình hay có người động viên bạn? Bạn đã nghĩ về kết quả tuyệt vời sau khi bạn vượt qua thử thách?
Nếu bạn có câu trả lời cụ thể cho từng câu hỏi trên, tôi chắc chắn rằng bạn có sự bền bỉ.
5. Biết đặt câu hỏi [Asking questions]
Bạn có phải là người không hay đặt câu hỏi? Sợ đặt câu hỏi lúc trong lớp? Hay đặt câu hỏi khi không ở trường, lớp học? Chỉ hay đặt câu hỏi lúc ở trường? Đặt rất nhiều câu hỏi mọi lúc mọi nơi?
Có một câu ngạn ngữ Trung Hoa đã nói rằng: “Người đặt câu hỏi chỉ ngốc trong 5 phút; người không đặt câu hỏi mãi mãi là người ngốc”. Còn Tony Robbins (nhà văn Mỹ) nói: “Người thành công biết cách hỏi và kết quả là họ thường có những câu trả lời hay hơn”.
Những người thành công thường xuyên đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi vô cùng quan trọng vì kỹ năng này giúp chúng ta tìm hiểu được chữ “tại sao” (why) của vấn đề, hiện tượng. Từ đó có những đầu mối để đưa ra giải pháp, đáp án. Đối với trẻ em, các em vốn có tính tìm tòi, khám phá của một thám tử nên việc đặt câu hỏi (nhất là câu hỏi hay và đúng/trúng) lại càng trở nên quan trọng trong việc giúp các em thành công trong học tập và cuộc sống sau này.
Sau đây là một vài bí kíp (tips) cho việc đặt câu hỏi:
1. Đừng sợ đặt câu hỏi: rất nhiều người giữ yên lặng không đặt câu hỏi vì sợ mình tỏ ra ngu ngốc trước mắt mọi người. Vậy vượt qua nỗi sợ này thế nào? Hãy tạo một môi trường an toàn để trẻ cảm thấy sẵn sàng đặt câu hỏi: thày cô hay người lớn động viên hỏi han; bạn cùng lớp khuyến khích, không phán xét; đưa ra gợi ý, phần đầu/mẫu câu hỏi (sentence stems)
2. Luôn tò mò: hãy đánh thức đứa trẻ lên ba trong con người bạn và hỏi về mọi thứ xung quanh. Sẽ luôn luôn có những điều bạn có thể học về một chủ đề, một con người, một tình huống, hay một kỹ năng.
++++ Phần viết sau về Đặt câu hỏi như một chiến thuật đọc hiểu được trích từ cuốn sách đầu tay của tôi – Học kiểu Mỹ tại nhà
Đặt câu hỏi giúp các em hiểu sách/truyện hơn và đi sâu được vấn đề/ thông điệp của cuốn sách.
Việc đặt câu hỏi cũng là kỹ năng cần có cho các môn học khác, không chỉ môn đọc. Đặt câu hỏi, ngoài việc giúp các em hiểu sâu, còn kích thích sự đào sâu nghiên cứu. Và giống như những phương pháp đọc hiểu khác, đặt câu hỏi có thể áp dụng đối với bất cứ sách nào, bằng ngôn ngữ nào, hay người đọc nào.
Đặt câu hỏi giúp các em tăng kỹ năng sống và học tập nói chung. Đặt câu hỏi cũng giúp các em khả năng suy nghĩ mang tính phân tích, đánh giá, phản biện (analytical and critical thinking).
Các em nhiều khi sốt ruột hỏi ngay từ đầu lúc mới vào truyện là “tại sao, thế nào…” Tôi luôn nói với các em rằng cứ tiếp tục đọc đi, nhiều khi câu trả lời ở đoạn/phần/chương tiếp theo.
Lưu ý rằng không phải lúc nào cũng tìm được câu trả lời cho các câu hỏi các em đặt ra ngay trong cuốn sách ấy. Nhiều khi phải đọc thêm, xem thêm ở những chỗ khác, sách khác mới có câu trả lời. Và như thế lại thành hay vì em có thêm niềm hứng thú tìm hiểu, học hỏi, và ham đọc nữa.
Về các cách đặt câu hỏi, ngoài mở đầu bằng 5W+H, còn những cách bắt đầu khác như:
+I wonder…? (Mình băn khoăn rằng…)
+I was curious…? (Mình tò mò là…)
+I don’t know why…? (Mình không biết tại sao…)
+Will it…? (Liệu…)
Các câu hỏi chia thành 3 dạng chính như sau:
– Trước khi đọc, có thể hỏi những câu đơn giản như: Truyện/sách này về cái gì? (What is this book about?) Liệu cái kết sẽ thế nào? (What’s the ending like?) Chủ đề truyện/sách là gì? (What’s the topic? What’s the theme? What’s the main idea?)
– Trong khi đọc, chủ yếu hỏi về những diễn biến/thông tin trong sách/truyện. Dùng tất cả các mẫu câu hỏi mở 5W+H và câu hỏi đóng đúng.
– Sau khi đọc xong, chủ yếu nói sách này hay vì điểm gì? (What do I like most about the book? Phần yêu thích nhất trong sách là phần nào? (What’s my most favorite part?) Còn chỗ nào mình chưa hiểu không? (Is there anything else that I didn’t get or understand?)
Hãy luôn đặt nhiều câu hỏi nhé. Đừng sợ đặt câu hỏi và cũng đừng sợ nếu chưa có câu trả lời.
______
(*) Dweck, C. (2015) Carol Dweck Revisits the ‘Growth Mindset’. Education Week. Retrieved from: Edweek
Chia sẻ từ Ms. Thu Hồng