Ngay từ khi còn nhỏ, khi bắt đầu được đi học ở trường, chúng ta đã được cha mẹ, thầy cô nhắc nhiều đến việc tư duy… “Con thử nghĩ xem cách giải bài đó thế nào? Con thấy sự việc đó đúng hay sai?”. Cùng với thời gian, sự phát triển của bản thân cũng như hiểu biết về thế giới xung quanh, chúng ta gần như tư duy hàng ngày, hàng giờ bởi mọi thứ trong cuộc sống thường đi theo chiều hướng phức tạp dần lên. Vậy, chúng ta có thể hiểu cụ thể về tư duy, về logic được hay không và đâu là cách để phát triển tư duy logic?

Một vài định nghĩa về tư duy

“Tư duy là từ ngữ chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho con người có nhận thức đúng đắn về sự vật xung quanh đồng thời có cách ứng xử với nó, là sự phản ánh quá trình nhận thức ở trình độ cao, sự nhận thức một cách khái quát, tích cực, gián tiếp và sáng tạo về thế giới qua các khái niệm, phán đoán.”

“Dưới góc độ sinh lý học, tư duy được hiểu là một hình thức hoạt động của hệ thần kinh thể hiện qua việc tạo ra các liên kết giữa các phần tử đã ghi nhớ được chọn lọc và kích thích chúng hoạt động để thực hiện sự nhận thức về thế giới xung quanh, định hướng cho hành vi phù hợp với môi trường sống.

Dưới góc độ tâm lý học, tư duy là quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong, có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.” 

 

Vậy, có thể hiểu đơn giản như sau:

“Tư duy là một quá trình nhận thức giúp chúng ta hiểu được bản chất, cách vận hành của sự vật, hiện tượng nào đó mà ta chưa được chứng kiến trực tiếp (không có hình ảnh, video, âm thanh ghi lại).

Ví dụ như: Bạn đã suy nghĩ rất nhiều để giải được một bài toán khó. Tất cả chỉ là tưởng tượng, là quá trình diễn ra trong đầu bạn chứ không hiện hữu ra ngoài. Bạn dựa trên những dữ liệu có sẵn và nhận thức của bản thân để thực hiện điều đó.

 

Tư duy logic là gì?

Trong tiếng Hy Lạp cổ, logic hay lí luận học có nghĩa nguyên thuỷ là từ ngữ, hoặc điều đã được nói, (nhưng trong nhiều ngôn ngữ châu Âu đã trở thành có ý nghĩa là suy nghĩ hoặc lập luận hay lý trí). Hiểu một cách đơn giản, logic chính là cách lập luận hợp lý để giải đáp những suy nghĩ khúc mắc trong não bộ của con người.

Từ đó, ta có thể định nghĩa tư duy logic chính là quá trình con người sử dụng suy luận, phán đoán, nhận thức của bản thân trong việc nhận định, đánh giá để phản ánh hiện thực khách quan nhằm tìm hiểu sự vật. Tư duy logic giúp con người hệ thống lý luận một cách nhất quán để đi đến hành động và đưa ra kết quả.

Ngoài những định nghĩa và diễn giải trên, để hiểu sâu hơn về tư duy, các chuyên gia còn đề cập tới các tính chất của tư duy, nổi bật là 3 tính chất sau:

  • Tính có vấn đề

Tư duy chỉ xuất hiện khi gặp những hoàn cảnh, tình huống có vấn đề. Muốn giải quyết vấn đề đó con người phải tìm cách thức giải quyết mới. Tức là con người phải tư duy.

Chẳng hạn như bạn muốn câu được thật nhiều cá, bạn phải tư duy xem câu ở đâu, dùng gì để câu, và câu như thế nào. Có nghĩa là bạn cần mất thời gian suy nghĩ, phán đoán, đánh giá,… để làm được điều đó. Còn trong trường hợp bạn đã hiểu toàn bộ vấn đề, bạn chỉ việc vác cần câu đến đúng chỗ đó, dùng đúng loại mồi đó,… để câu cá thì “tư duy” không xuất hiện.

  • Tính gián tiếp

Tính gián tiếp phần nào đó đã được đề cập ở định nghĩa. Được giải thích là trong quá trình tư duy, bạn dựa vào các dữ liệu được cung cấp để tư duy về vấn đề chứ bạn không trực tiếp tri giác vấn đề.

Để dự báo thời tiết, chúng ta cần dựa vào những số liệu đo đạc qua máy móc và suy luận về hình thái thời tiết tiếp theo. Hay như việc chạy quảng cáo Facebook, các bạn cũng dựa trên phán đoán của bản thân về hành vi của khách hàng để đưa ra quyết định viết content thế nào, target những đối tượng nào,…

  • Tính trừu tượng và khái quát

Trừu tượng hiểu nôm na là bạn có thể dùng khả năng nhận thức của mình để hiểu các đối tượng đơn lẻ, tách chúng ta để gộp vào một nhóm chung.

Chẳng hạn như bạn biết con cá có mang để thở, có vây để bơi, có vảy như lớp da,… Bạn hiểu tất cả những cá thể như vậy được gọi chung là “cá”. Nhờ sự tưởng tượng đó, khi nhắc đến “cá”, bạn phần nào “khái quát hóa” và nghĩ ngay đến những cá thể có cấu tạo tương tự như vậy (hình dung trong đầu là vậy). 

Trên đây là toàn bộ định nghĩa và diễn giải giúp các bạn hiểu một cách sơ lược nhất về Tư duy logic. Có thể thấy, tư duy logic giúp chúng ta vượt qua giới hạn của nhận thức thông thường để hướng tới tư duy ở mức độ cao, dùng những kiến thức có sẵn để rút ngắn thời gian tìm hiểu và ra quyết định. Khi bạn hiểu về khái niệm rồi, bạn sẽ đi đúng hướng trong việc phát triển tư duy của mình. Và bây giờ, hãy đến phần tiếp theo, chúng ta cùng trả lời câu hỏi “Làm thế nào để phát triển tư duy logic?”.

 

Lắng nghe và quan sát

Đây là 2 kỹ năng vô cùng quan trọng, có thể dễ dàng rèn luyện nhưng chúng ta thường bỏ qua. Ngay từ khi còn nhỏ, khi thế giới còn rất mới mẻ với chúng ta, tất cả đều được cảm nhận qua hình ảnh, âm thanh. Những đứa trẻ hỏi rất nhiều, luôn “Wow” lên trước những điều mới lạ. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bị thu hút bởi những chiếc điện thoại, máy tính hay có nhiều điều phức tạp phải suy nghĩ nên thường xuyên bỏ qua việc lắng nghe và quan sát thế giới xung quanh mình. 

Có thể nói rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có những điểm tương đồng, có những cách vận hành chung nên quan sát và lắng nghe giúp ta mở rộng tâm trí mình. Tưởng tượng tốt hơn, phán đoán tốt hơn, nhiều kinh nghiệm được tích lũy hơn là những điều tuyệt vời để phát triển tư duy của bạn.

Đọc sách

Sách chứa đựng những kiến thức, nghiên cứu của những người đi trước, có đúc kết kinh nghiệm, trải nghiệm của rất nhiều thế hệ. Chúng ta đã nói không ít về điều này nhưng số lượng người đọc sách tại Việt Nam và số sách được đọc vẫn rất ít. 

Ngoài ra, chúng ta còn cần bàn thêm về cách đọc sách. Đọc không chỉ để tiếp thu kiến thức từ sách mà đọc cần có chọn lọc… Mình sẽ tiếp nhận những gì, phần nào mình chưa hiểu, những thứ mình có thể phản biện. Chứ chúng ta không nên bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi tư tưởng của những người viết sách vì dù sao, đó cũng là những nghiên cứu trong quá khứ, có thể không còn đúng ở hiện tại. 

Tranh luận, làm bài thuyết trình

Trong các cuộc trò chuyện hay tranh luận, để bảo vệ ý kiến của bản thân, bạn sẽ phải đưa ra các lập luận, dẫn chứng, phản biện để một vấn đề trở nên logic và khiến nó thuyết phục đối phương. Điều này vô tình sẽ rèn rũa được khả năng tư duy của bạn. Việc bản thân xây dựng ý kiến cá nhân và bảo vệ nó sẽ giúp bạn phát triển được khả năng phản xạ nhạy bén trước mọi vấn đề, nâng cao khả năng ngôn ngữ và xác định được hướng tư duy.

Ngoài ra, với việc lắng nghe các quan điểm của đối phương cũng giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích, dễ dàng nhận định được quan điểm của họ trước khi đánh giá và phản biện lại.

Tương tự vậy, quá trình chuẩn bị và thuyết trình cũng khiến bạn phải đương đầu với những thử thách, phải tìm hiểu nhiều kiến thức mới. Đồng thời, thuyết trình giúp bạn sắp xếp và diễn đạt mọi thứ theo trình tự logic, khiến tư duy vừa được mở rộng, vừa thêm chuyên sâu.

Giải trí (chơi game, xem phim, đánh cờ vua,…)

Nếu bạn biết tận dụng, có rất nhiều hoạt động giải trí không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm xúc mà còn mang đến sự phát triển lớn về tư duy.

Các tựa game phổ biến hiện nay như PUBG, Liên quân Mobile, Liên minh huyền thoại,… đã được công nhận ở rất nhiều quốc gia. Các tuyển thủ được đào tạo chuyên nghiệp, được phát triển tư duy (Macro, Micro, làm việc nhóm, thậm chí cả giao tiếp trong game), được trải qua nhiều tình huống bất ngờ buộc họ phải đưa ra quyết định trong một thời gian ngắn.

 

…to be continued

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn