Trong thời gian gần đây, hàng loạt các đơn vị báo chí và một số cơ quan thông tin của nhà nước đã phải vào cuộc sau vụ b.ạ.o lực học đường xảy ra tại một trường Quốc tế (tạm gọi là trường I) ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi một học sinh nữ, được cho là, có hành động b.ạ.o lực khi đánh 4 học sinh khác.

Câu chuyện đúng sai có lẽ chúng ta chưa vội vàng kết luận. Nhưng, đông đảo công chúng có vẻ như nghiêng hẳn về phía một vị phụ huynh sau khi chị tiến hành các Livestream chia sẻ về vụ việc.

Rõ ràng, chúng ta nhận thấy uy tín của trường học đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mang danh một trường Quốc tế nhưng lại xử lý vụ việc một cách lúng túng, thiếu nhất quán và thiếu quy trình. Đó là những gì công chúng nhìn nhận và trên thực tế, không phải trường học không có những cái đúng nhưng nó không đủ để bù đắp cho thiếu sót của họ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng phân tích vấn đề của các bên để có cái nhìn khách quan hơn cũng như có được những bài học sâu sắc trong việc ứng xử với các vấn đề học đường và kiểm soát “khủng hoảng truyền thông giáo dục” sau này.

Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận thấy, trường Quốc tế hoạt động theo mô hình hoàn toàn độc lập, tự chủ. Các mô hình này khác hoàn toàn so với trường công lập. Nếu như các hoạt động, định hướng của trường công được các cơ quan Quản lý giáo dục đôn đốc, nhắc nhở thì trường Quốc tế được quyền tự quyết các vấn đề của riêng mình. Cũng giống như một người làm chủ doanh nghiệp, bạn sát sao, tuân thủ các quy định, có định hướng tốt thì công ty hoạt động tốt, còn ngược lại, bạn quản lý lỏng lẻo, quy trình không rõ ràng, xử lý vấn đề yếu kém thì tổ chức rất dễ bị loạn.

Và trong vụ việc trên, sự đổ vỡ trong quan hệ giữa nhà trường – phụ huynh đến từ một số nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nhà trường bộc lộ sự yếu kém trong việc kiểm soát các vấn đề của học sinh. Ở một trường Quốc tế, chắc chắn phụ huynh sẽ kỳ vọng về những tiêu chuẩn cao hơn, quy định chặt chẽ hơn để tạo nên môi trường học tập lý tưởng cho con em mình. Đồng thời, giáo dục đạo đức cho học sinh càng phải được coi trọng.

Vậy nhưng, trên thực tế, bạo lực đã diễn ra ngay trong trường học. Việc để các hành động bạo lực diễn ra chắc chắn đã gây nên sự hoang mang, suy giảm niềm tin của phụ huynh vào nhà trường. Bạn hãy thử tưởng tượng, khi bạn cho con học tại một trường Quốc tế, dù là chỉ một vụ việc như thế diễn ra, bạn sẽ nhìn nhận thế nào về an toàn trường học, bạn có nghi ngờ rằng còn tồn tại những vấn đề tiêu cực khác nữa chứ? Trong khi số tiền bạn bỏ ra để con được học tại đó là không hề nhỏ…

Thứ hai, sự thiếu chuyên nghiệp ở cả phụ huynh và nhà trường

Nhà trường thiếu chuyên nghiệp trong việc đón tiếp phụ huynh, thiếu chuyên nghiệp trong cách làm rõ vụ việc, chậm trễ trong xử lý và hòa giải dẫn đến những hiểu lầm ngày càng lớn. 

Có thể nhận thấy, ở các nước phương Tây, việc xử lý khủng hoảng diễn ra tương đối chậm bởi họ cũng có những nguyên tắc, có thời gian nhất định để hiểu và đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, dường như các phụ huynh ở Việt Nam có xu hướng đòi hỏi phải giải quyết vấn đề nhanh hơn, bớt các quy trình đi. Chính sự khác biệt đó khiến phụ huynh phát sinh rất nhiều suy nghĩ tiêu cực về cách giải quyết của nhà trường. Giải quyết chậm là không có quy trình, là lúng túng, là thiếu tôn trọng, là bao che cho bạo lực,… Chính bởi vậy, những bức xúc đã chuyển hóa thành hành động không hợp tác, kêu gọi cộng đồng tẩy chay, livestream đả kích trường học. 

Đứng về phía phụ huynh, chúng ta có thể hiểu hành động của phụ huynh là cần thiết để bảo vệ con, để nói lên “sự thật”, để giải tỏa bức xúc,… Dù vậy, một vài hành động phát sinh trong lúc nóng giận là chưa thực sự đúng mực.

Thứ ba, nhà trường có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, thiếu đồng cảm

Dễ dàng nhận thấy, nhà trường không có ý định rõ ràng rằng “chúng tôi sẽ là trung gian hòa giải” mà chỉ nghe riêng từ hai phía, không có bất cứ buổi gặp mặt chung nào để chủ động hòa giải căng thẳng giữa hai bên. 

Trong một vài ngày đầu, trường nói lý do không tổ chức gặp mặt chung là do sợ xô xát giữa hai bên, không cho gặp học sinh vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, sau đó, nhà trường dường như chỉ “tỏ vẻ muốn hòa giải” và để hai bên gia đình tự giải quyết với nhau. Đó là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, đem con bỏ chợ, một điều không ai mong đợi khi cho con học tại “trường Quốc tế”. Thậm chí, nhà trường còn có nước đi khó hiểu hơn khi để vụ việc cho phía công an giải quyết. Mọi việc có lẽ chỉ nên dừng lại ở việc hòa giải giữa học sinh với học sinh, giữa phụ huynh với phụ huynh. Như vậy sẽ nhẹ tâm lý cho cha mẹ và các con hơn rất nhiều so với việc để công an vào cuộc khiến chuyện to lại càng thêm khổng lồ. Và hậu quả là các con không dám đến trường, phụ huynh mất niềm tin và xã hội lên án.

Chính vì thiếu đồng cảm, không đặt mình vào vị trí của phụ huynh, của học sinh mà nhà trường đã có những quyết định hoàn toàn sai lầm trong giải quyết vụ việc. Vậy, câu hỏi đặt ra là những triết lý giáo dục, những khẩu hiệu của nhà trường ở đâu trong hoàn cảnh này? Họ có phải những người đang làm giáo dục hay không khi chính họ đang không hiểu giáo dục là gì?

Tất cả những phân tích trên là bài học sâu sắc cho bất cứ tổ chức giáo dục nào trong việc xử lý khủng hoảng. Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện xử lý bạo lực học đường là giáo dục được nhân cách, cách hành xử, ứng xử của học sinh, chứ không phải là câu chuyện phủi bỏ trách nhiệm hay ai thắng ai thua.

Và nhân tiện đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số bước giải quyết khủng hoảng của những người nổi tiếng và cả các thương hiệu lớn, có thể áp dụng với các tổ chức giáo dục:

Bước 1: Ngăn chặn sự lây lan – Bằng cách khóa comment các nền tảng truyền thông, khóa fanpage,…. Đây là điều mà trường I đã làm ngay sau khi nhận thấy khủng hoảng đang leo thang quá nhanh. Thực hiện bước này để tránh các hành động tiêu cực lây lan mất kiểm soát.

Bước 2: Phản hồi nhận trách nhiệm và thể hiện tính nhân văn ra bên ngoài

Dù sớm hay muộn nhưng đây là hành động cần thiết thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, lấy lại một chút nào đó sự đồng thuận dù là nhỏ nhất từ phía công chúng. Nếu không phản hồi đồng nghĩa với việc nhận sai hoàn toàn về mình, rất khó lấy lại hình ảnh sau này.

Bước 3: Xử lý khủng hoảng theo cách hợp tình, hợp lý nhất

Mỗi bên sẽ có một cách xử lý riêng. Nếu tổ chức chưa có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, cần tham khảo ý kiến chuyên gia để không mắc phải những lỗi không đáng có.

Bước 4: Xây dựng chuỗi các biện pháp để tránh lặp lại sự cố tương tự

Các biện pháp ở đây cần phải đi từ gốc rễ giáo dục đạo đức, lối sống cũng như tổ chức các hoạt động lành mạnh cho học sinh. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ, nhìn nhận thấu đáo những vấn đề phát sinh trong trường học để không biến những thói quen tiêu cực nho nhỏ thành hành động bột phát thiếu kiểm soát. 

Sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ để loại bỏ những mầm mống bạo lực.

Bước 5: Seeding tăng niềm tin trở lại

Sau một thời gian ngắn, vụ việc có thể lắng xuống nhưng danh tiếng của nhà trường đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Để gây dựng lại niềm tin của phụ huynh sẽ mất một khoảng thời gian tương đối dài. Và việc cần làm trong lúc đó là hoàn thiện và kiểm soát chặt chẽ nội quy của nhà trường, đồng thời có những hoạt động mang tính nhân văn để bớt đi những định kiến trong lòng phụ huynh, học sinh.

 

 

Chia sẻ từ Học viện SunUni

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn