Ba điểm đáng lưu ý trong đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”

Xây dựng một xã hội học tập là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời, đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư.” Đề án này có thể hiểu đơn giản là mọi người đều có cơ hội được học tập và mọi người đều có thể đóng góp cho nền giáo dục nước nhà dưới bất cứ hình thức nào.

 

 

Trên thực tế, việc xây dựng xã hội học tập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ rất lâu và trong giai đoạn 2012 – 2020, đề án cơ bản đã hoàn thành được hai mục tiêu quan trọng:

 

1. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó nòng cốt là cơ sở giáo dục thường xuyên được phát triển và mở rộng. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ – tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

 

Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục cũng tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá. Trong 8 năm qua, có 8,4 triệu học viên đã tham gia các lớp học của những trung tâm này; riêng học viên ngoại ngữ là 7,1 triệu người. Mạng lưới cơ sở đào tạo thực hiện phương thức đào tạo từ xa, các cơ sở học tập thường xuyên của cơ quan, tổ chức, công ty… để bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động cũng đã được hình thành và phát triển.

 

2. Phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

 

Theo đó, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 1; 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2; 3 tỉnh là: Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở ở mức cao nhất – mức độ 3.

Về xóa mù chữ, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó, 34/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300 nghìn người trong độ tuổi 15-60.

 

Trên đây là 2 mục tiêu lớn cơ bản đã được ngành giáo dục và toàn thể người dân chung sức thực hiện, đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần sự nỗ lực lớn để tiếp tục phát triển: 

 

  • Nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức. 

 

  • Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. 

 

  • Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. 

 

  • Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế…

 

Ngoài những hạn chế kể trên, công cuộc “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để đẩy nhanh sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. 

 

Trong đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những phân tích kỹ lưỡng, và trên cơ sở này, chúng ta sẽ điểm lại 3 nhiệm vụ chính, trọng tâm nhất. Từ đó, tất cả các cá nhân liên quan (giáo viên, người học) hay các tổ chức liên quan (trường học, trung tâm, học viện) sẽ có cái nhìn tổng quát nhất để nỗ lực cùng nhau thực hiện.

 

1. Đến 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao

 

 

Công dân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những công dân học tập. Trong một gia đình, những thành viên nào không là công dân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Cũng như vậy, một cơ quan, doanh nghiệp, trường học… mà người lao động làm việc trong đó không tham gia học tập thì ta không thể có đơn vị học tập.

 

Để làm được điều này, chúng ta cần xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học). Ngoài ra, cần tạo điều kiện để đông đảo người học tiếp cận các mô hình giáo dục chất lượng cao. Mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế

 

Đáng chú ý, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 3.

 

2. Nhấn mạnh “học tập suốt đời”

 

Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), học tập suốt đời (HTSĐ) là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc đời của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trong thời đại chu kỳ thay đổi khoa học – công nghệ ngày càng rút ngắn và tuổi thọ ngày càng cao thì HTSĐ là tất yếu.

 

Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của công dân. Công dân có quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của mình để nâng cao tri thức, hiểu biết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; học để có nghề nghiệp, có việc làm hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc; học để cống hiến được nhiều hơn, để làm cho mình và mọi người hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại.

 

Trên thế giới, các quốc gia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng một “hệ thống giáo dục mạnh”. Trong đó, HTSĐ được đặc biệt chú trọng, bởi lẽ HTSĐ cung cấp khung vững chắc để phát triển nguồn nhân lực bền vững, từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân theo đuổi cơ hội học tập ở mọi giai đoạn của cuộc đời.

 

Thực tế ở nhiều quốc gia phát triển cho thấy, HTSĐ đã thực sự góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực chung cho sự phát triển, cải thiện về môi trường kinh tế – xã hội cho cộng đồng, thay đổi diện mạo văn hóa cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ HTSĐ, mỗi cá nhân đều được nâng cao khả năng thích ứng, hòa nhập và phát triển nhân cách. Với những đối tượng nhạy cảm, như trẻ em gái, phụ nữ, người dân tộc thiểu số,… HTSĐ có ý nghĩa rất to lớn trong việc hỗ trợ về cơ hội, tạo ra động lực giúp họ học tập để cập nhật kiến thức, kỹ năng, cải thiện năng suất lao động, tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi thân phận và địa vị xã hội, góp phần tạo ra sự bình đẳng và tiến bộ hơn. 

 

Để phát triển nền giáo dục cả trong hiện tại và tương lai, xây dựng xã hội học tập là nền tảng, là cốt lõi, trong đó xây dựng cơ hội HTSĐ vừa là phương châm, vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu của sự nghiệp giáo dục. Nghĩa là cần phải xây dựng một hệ thống giáo dục sao cho bất cứ công dân nào có nhu cầu học tập đều tìm thấy cơ hội học tập thuận lợi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong những thời gian và không gian khác nhau.

 

Vì những lý do trên có thể thấy rõ xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội HTSĐ đang là xu thế tất yếu, là mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới.

3. Áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, nhất là với giáo dục

 

 

“Một trong những thành quả Đề án cần đạt được trong giai đoạn tới là việc hình thành mô hình công dân học tập có những năng lực cần thiết để xây dựng nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của nền sản xuất kỹ thuật số và hội nhập quốc tế”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, Đề án phấn đấu 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên. Phấn đấu đến năm 2030 có 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số. 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.

 

Về nhiệm vụ và giải pháp triển khai, Đề án tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

 

Thực tế cho thấy trong giai đoạn 2012 – 2020, Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội. Chắc chắn trong 10 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy thành quả của kinh tế với điểm tựa giáo dục đang ngày một vững chắc.

 

Bài viết được SunUni tổng hợp từ một số nguồn báo và thông tin chính phủ.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn