Đại dịch Covid-19 buộc học sinh nhiều nước trên thế giới phải học trực tuyến ở nhà. Điều này gây ra không ít khó khăn cho học sinh lẫn các bậc phụ huynh. Bố giúp con làm bài tập về nhà.Bố giúp con làm bài tập về nhà.
Được biết, nhiều bố mẹ phải bỏ việc cơ quan để ở nhà giúp con học bài, nhưng vì thiếu kinh nghiệm sư phạm và kiến thức môn học nên học ảm thấy rất lúng túng. Sau đây là bài viết của ông Efim Schuhman (người Đức) nói về kinh nghiệm giúp con học trực tuyến hiệu quả.
️Những ngày đầu khó khăn
Ở Đức, có những trường phổ thông (ví dụ, Trường Trung học kỹ thuật ở Nuremberg), nơi giáo viên chia học sinh thành các nhóm nhỏ và dạy trực tuyến thực sự có kết quả. Thậm chí nhà trường còn phát máy tính bảng và máy vi tính cho những học sinh con nhà nghèo.
Rất tiếc, trường phổ thông ở Cologne, nơi các con tôi học, vẫn chưa đạt sự hoàn thiện công nghệ như vậy. Giáo viên gửi bài tập qua email. Sau đó, phụ huynh có thể liên hệ lại với giáo viên hoặc chát qua mạng trực tuyến.
Các bài tập đã hoàn thành được gửi trở lại cho giáo viên qua e-mail. Đôi khi chúng tôi phải scan trước khi gửi đi. Nhưng vấn đề không phải ở đấy, mà ở chỗ khối lượng bài tập của giáo viên giao rất khác nhau.
Một số giáo viên gửi bài tập làm trong hai hoặc ba ngày, số khác ra bài tập cho hai tuần liên tục. Phụ huynh buộc phải phân phối, rất khó khăn nếu không có kinh nghiệm sư phạm và kiến thức môn học.
Sách giáo khoa cũng không giúp được gì ở đây. Con gái tôi đã khóc nức nở khi thấy một cô giáo “đánh đố” học sinh như vậy. Sau đó, cháu viết thư chia sẻ với các bạn cùng lớp. Tất cả cùng khóc để giải tỏa căng thẳng.
️Đừng biến mình thành giáo viên
Nhân tiện xin nói, liên hệ với các bạn cùng lớp là điều rất quan trọng và các bậc cha mẹ nên khuyến khích các con bằng mọi cách. Khi kết hợp với nhau, các em có thể hiểu tốt hơn những bài học mà bố mẹ đã quên từ lâu.
Tất nhiên, cần hạn chế ngồi lâu trên mạng xã hội, nhưng không phải khi học sinh học trực tuyến. Ví dụ, con gái tôi và các bạn cùng lớp của cháu rất dễ dàng tìm thấy những bài học về chủ đề cần thiết trên Youtube. Ở đấy, người ta giải thích dễ hiểu hơn sách giáo khoa, thậm chí hơn giáo viên.
Các em đã lập một nhóm đặc biệt trên WhatsApp (bên cạnh nhóm đã tồn tại trước đó) để giúp nhau làm bài tập về nhà và đặt tên là nhóm “Corona”.
Kinh nghiệm quan trọng tôi rút ra sau một thời gian giúp con học trực tuyến là bố mẹ không tự biến mình thành giáo viên và không được cho điểm. Ít nhất đó là lý do tại sao bạn cần tiết chế sự hăng hái của mình và giảm mức độ kỳ vọng.
Trong hoàn cảnh hiện tại, bạn không thiếu thời gian và không nhất thiết phải ép trẻ học 30 từ tiếng Anh trong một ngày, chỉ cần 10 từ là đủ. Để phần còn lại cho ngày mai hoặc ngày kia. Tốt nhất là ôn lại những từ đã học với trẻ thường xuyên hơn.
Càng nắm vững từ mới, trẻ càng thích học. Đừng quá ham học bài mới, hãy cho các connghỉ ngơi nhiều hơn. Và không nhất thiết phải đợi đúng 45 phút mới cho giải lao.
️Học lịch sử một cách vui vẻ
Nếu có thể, bạn hãy cố gắng nói chuyện với con về từng bài tậpmột cách lý thú. Nhà trường nhiều khi tước mất niềm vui học vật lý, hóa học và văn học của học sinh. Còn bạn là bố mẹ, ở đây bạn có nhiều kinh nghiệm. Hãy đánh thức hứng thú của con bạn!
Ví dụ, nếu con học môn quang học, hãy nói cho con biết tại sao bầu trời lại có màu xanh lam. Nếu học về cơ học, hãy hỏi con: Có đúng là xe trượt tuyết dễ kéo hơn đẩy không? Và tại sao lại như vậy?
Một lần, tôi hốt hoảng khi nhìn thấy tài liệu giáo khoa được gửi cho đứa con trai học lớp sáu của tôi về chủ đề “Lịch sử La Mã cổ đại”. Gần một trang mô tả chi tiết về các cuộc cải cách của anh em nhà Gracchi (Tiberius và Gaius) và các bộ luật mà Gaius Gracchi muốn ban hành, nhưng về lý do tại sao Julius Caesar bị giết thì chỉ có mỗi hai câu. Tất nhiên, con trai tôi hoàn toàn không thích thú điều này.
Đành phải can thiệp. Tôi có biết đôi chút, có đọc đôi chút về La Mã cổ đại, nên nhắc lại với con rằng, chúng tôi đã đến La Mã và thậm chí đã thăm chính nơi mà Julius Caesar bị giết.
Sau đó tôi chơi một trò chơi với con: Đố xem ai nhớ nhiều từ La Mã cổ (Latinh) đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hiện nay của chúng ta (“cộng hòa”, “hạ viện”, “nghị viện”, “vô sản” …). Và điều kỳ diệu đã xảy ra! Cậu bé bắt đầu đọc một cách say mê về các cuộc cải cách của anh em nhà Gracchi!
️Xem xét lại văn hóa dạy học
Rất nhiều bậc cha mẹ ở Đức phàn nàn khi họ gặp khó khăn trong việc động viên con cái, rằng tài liệu giáo khoa mà giáo viên gửi đến là nhàm chán, khô khan và nhiều khi khiến học sinh chán ghét môn học.
Một số giáo viên cũng nói về điều này với một tinh thần tự phê đáng trân trọng. Ví dụ, bà Caroline Treier, hiệu trưởng một trường trung học, cho biết trong một bài trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Đức (Deutschlandradio): “Chúng ta cần những bài tập về nhà hấp dẫn đến mức không phải bắt học sinh ngồi vào bàn để làm, những bài tập mà các em thực hiện một cách vui vẻ và thích thú. Chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ văn hóa dạy học”.
Có một đặc điểm tích cực của dạy học từ xa so với dạy học trực tiếp ở trường là có thể giải trí. Bạn hãy hình dung: Khi có một anh chàng cầm máy ghi âm di động đi ngang qua nhà, mở to bài hát của câu lạc bộ bóng đá quê hương chúng tôi “Cologne” để mọi người ra ban công và hát theo.
Phải chăng lúc đó bạn có thể cấm con trai mình vứt bỏ mọi thứ và chạy ra ban công hát với mọi người? Đằng nào nó cũng dỏng tai lên nghe, ngay cả khi ngồi bên bàn học!
️Các con muốn đến trường
Theo tôi, ở đây điều quan trọng không phải là những bài học ở trường, cũng không phải là chương trình dạy học, mà là giữ được hòa khí trong gia đình, sự yêu thương và kính trọng của con cái. Điều đó không có nghĩa là chúng ta quá nuông chiều các con, cho phép chúng làm bất cứ điều gì.
Không, tất nhiên các con phải học ở nhà, và chúng ta cần kiểm tra xem chúng học như thế nào. Nhưng đừng trở thành người giám thị. Bạn phải cư xử hòa nhã hơn với các con, chúng cũng vất vả. Sau một thời gian dài (và rất thành công) học tiếng Pháp với mẹ, con gái tôi bỗng nhiên hỏi đầy hy vọng: “Giá như được đến trường lúc này nhỉ?”.
Đây chính là hiệu quả tích cực nhất. Các con cảm thấy mệt mỏi vì những ngày nghỉ kéo dài, các con muốn đến trường.
Theo DW.com