Trong quá trình lớn lên và trưởng thành của mỗi người, khoảng thời gian mà hầu như ai cũng nuối tiếc, mong muốn được trở lại, chính là từ khi chào đời đến khi bắt đầu manh nha hiểu về cuộc sống (cứ cho là từ 0 đến 18 tuổi nhé các bạn). Đó là giai đoạn chúng ta tích lũy về cả thể chất lẫn tâm hồn, đồng thời mặc định một sự “chưa hoàn hảo”. 

Hồi nhỏ, bạn được cha mẹ, ông bà nuôi nấng, dạy dỗ. Bạn đặt ra vô vàn câu hỏi về thế giới xung quanh, đôi khi là ngớ ngẩn, vì mọi thứ còn quá mới, cuộc sống đó là lần đầu với bạn. Lớn lên, bạn được đến trường và tiếp tục hỏi thầy cô về kiến thức hay bạn vẫn thắc mắc “Tại sao phải học?”, “Tại sao chơi vui hơn mà người lớn không thích chơi?”. Và khi đó, dù câu trả lời có đúng hay sai thì bạn chưa thể có đủ hiểu biết để phân biệt, để có nhận định riêng cho mình. Vì thế, bạn, phần nào đó, nếu không muốn nói là phần lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục xung quanh mình. Môi trường đó có cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè,… Và trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đề cập đến những thiếu sót trong cách giáo dục của những người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các bạn trẻ. Đó là cha mẹ và thầy cô.

Cha mẹ đã đối xử tệ với mình?

 

Không thể phủ nhận, cha mẹ luôn là những người vô cùng quan trọng trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ. Đứa trẻ có khôn ngoan, có thông minh, mạnh khoẻ hay không phần lớn nhờ công nuôi dưỡng của bậc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong mắt nhiều học sinh, cha mẹ nhiều khi chính là cản trở lớn nhất, mang lại nhiều tổn thương nhất cho chúng. 

Cha mẹ đã không đúng như thế nào? 

Đầu tiên là giáo dục theo cách hà khắc như thời trước. Nhiều người vẫn quan niệm rằng đòn roi là công cụ hữu hiệu nhất để răn đe, uốn nắn một đứa trẻ. Dạy con không nghe, mang stress ở công ty về gia đình hay thích dùng roi vọt để dạy con,… Có vô vàn lý do để những ông bố, bà mẹ biện minh cho cách làm của mình. Con sai, con giải thích là thành cãi cha mẹ. Con bị điểm kém, bị cô giáo nhắc nhở là không thể chịu nổi, muốn quát tháo ngay lập tức. Thậm chí, con chưa biết làm việc nhà, chưa biết chào hỏi cũng sẵn sàng mắng con trước mặt mọi người. 

Với những cha mẹ như vậy, họ hầu hết luôn cố chấp, luôn cho rằng việc đánh, mắng là cần thiết, thậm chí làm một cách công khai thì mới khiến đứa trẻ “nể, sợ” mà thay đổi. Tuy nhiên, họ không thấy được, đằng sau những lần bị cha mẹ la mắng như thế là mỗi lần tâm hồn con cái bị tổn thương sâu sắc. Chúng có thể có nhiều phản ứng như chống đối ngầm, thu mình lại hay tệ hơn là bỏ nhà đi bởi chẳng chịu nổi cha mẹ nữa. Và thế là, khi chúng lớn lên, hoặc là chuyện cãi vã với cha mẹ diễn ra như cơm bữa, hoặc không khí gia đình vô cùng yên ắng vì chẳng ai nói với ai câu nào. Câu chuyện còn đi xa hơn khi chính vì bị la mắng nhiều nên giới trẻ trở nên “miễn nhiễm” với việc này. Học hành vẫn chểnh mảng, chơi vẫn cứ chơi, tật xấu thì vẫn còn đó cho dù có bị rầy la đến mức nào. 

Trên đây là một phần những thiếu sót của một bộ phận những người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, ở một góc nhìn nào đó, chúng ta có thể cảm thông với họ. Có một đoạn khi bố Duk Sun trong phim Reply 1988 ngồi tâm sự với Duk Sun mới biết sống trên cuộc đời này, khó nhất là làm vai cha mẹ. Đâu phải ai sinh ra cũng đã làm cha làm mẹ. Đâu phải ai cũng có đủ đầy trải đời để không phải mắc chút lỗi lầm.
 

“Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”. 

Ví như con cái lỡ có lỗi chi, ba mẹ cũng gánh hết hổng thì bỏ qua. Rồi ví như ba mẹ lỡ có mắc lỗi chi, họ không màng giải thích mà nuốt ngược vô trong, im lặng chịu đựng như nuôi thêm bao nếp nhăn dưới mí mắt. Sao mà thương chi đâu. Tới bây giờ, dám chắc hỏi bao mẹ cha một câu hỏi “Ước mơ của cha/mẹ là gì” dám chắc mớ câu trả lời đó là “ước chi, chỉ mong tụi con hạnh phúc là được rồi”.
 
Thầy cô cũng không phải hoàn hảo

 

Khi còn học tiểu học, hầu hết chúng ta cho rằng những gì thầy cô dạy là đúng, đó là những điều thực sự chuẩn mực. Chẳng hạn như việc luyện chữ đẹp. Câu nói mà chúng ta hay nghe nhất là “nét chữ, nét người”. Tâm hồn đứa trẻ cũng cho rằng chữ đẹp thể hiện mình là người tốt, là con ngoan trò giỏi trong mắt người lớn. Và thầy cô giáo hay cả nền giáo dục cũng củng cố cho quan điểm đó khi dạy cho các bạn nhỏ chỉnh chu từng nét chữ. Điều đó là rất đáng ghi nhận, là việc cần làm với thế hệ trẻ. Nhưng, một lần nữa nhìn lại khi ta lớn lên, câu nói “nét chữ, nét người” trở nên không hoàn toàn đúng. Chúng ta có ít thời gian để nắn nót hơn, chúng ta coi trọng việc ghi chép đủ thông tin hơn một cuốn vở đẹp. Và dần dần, những điều thầy cô dạy hồi nhỏ cũng không còn phù hợp nữa vì khi chúng ta lớn, nhận thức cũng đổi thay từng ngày. 

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ về việc những điều thầy cô dạy sẽ không còn đúng bởi lý do khách quan. Thế còn về phía giáo viên thì thế nào?

Có hai thứ cần để ý tới. Đó là kiến thức và kỹ năng giảng dạy. Hai yếu tố này tạo nên chuyên môn của người thầy.

Về mặt kiến thức: Trong nhiều năm gần đây, có một thực trạng là điểm đầu vào của ngành sư phạm rất thấp. Trái ngược với các ngành công an, quân đội, hay kinh tế… điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng thì các trường sư phạm, nơi đào tạo các thế hệ thầy cô tương lai lại có điểm chuẩn “chạm đáy”. Nhiều năm trước đã có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Sau một số năm ngành sư phạm có chính sách không phải đóng học phí thì kết quả khả quan hơn. Nhưng cùng với việc ra trường khó xin việc, thu nhập thấp nên những năm gần đây ngành “thầy, cô” khó lựa chọn được thí sinh giỏi. Năm 2016, một thầy giáo ở TP HCM lo lắng: Có thể thống kê được cả chục trường SP hiện nay lấy điểm chuẩn chỉ 15. Sinh viên học Sư phạm Toán nhưng chưa chắc điểm thi Toán đạt ngưỡng 5 thì ra trường dạy thế nào? Cùng với chế độ đãi ngộ thấp nên đa phần học sinh có học lực giỏi hiếm người theo đuổi con đường sư phạm, nên nhân tài phục vụ cho giáo dục càng ít đi. Không thu hút được nhân tài, liệu chất lượng giáo dục có được nâng cao?

Và hệ luỵ là không ít thầy cô giáo, nhất là với các bậc học thấp như tiểu học hoặc ở vùng sâu, vùng xa, có kiến thức chuyên môn rất hạn chế. Điều đó dẫn đến tình trạng phụ huynh thi nhau đưa con vào lớp chọn để được học thầy cô dạy giỏi hay cho con học thêm để có kết quả tốt hơn. Đó là thực trạng mà ngành giáo dục đã mất nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết được.

 

Về kỹ năng giảng dạy: Có một thực tế đáng buồn là không ít các thầy cô thiếu kỹ năng giảng dạy. Giảng dạy ở đây không chỉ là nêu lên kiến thức trong sách, không chỉ là ép học sinh chép bài, làm bài tập đầy đủ mà bao gồm những phương pháp, thủ thuật để thực sự truyền tải được kiến thức đến với học trò. 

Cha mẹ có con học ở các trường mầm non, tiểu học quốc tế hay những trung tâm ngoại ngữ chất lượng hẳn sẽ biết giáo viên vất vả thế nào khi giảng bài. Họ phải kết hợp các phương pháp, biện pháp khác nhau, sử dụng trang thiết bị dạy học một cách hợp lý trong suốt một buổi giảng dạy. Chẳng hạn như để trẻ nhớ một vài từ tiếng Anh, giáo viên cần áp dụng Mô hình đa giác quan bao gồm cho học sinh nghe và nhắc lại, cho học sinh viết, xem hình ảnh, thậm chí tạo ra ngữ cảnh để học sinh thực hành ngay trên lớp. Những chuỗi hoạt động đó tạo nên phương pháp giảng dạy chất lượng, giúp học sinh thực sự hiểu và ghi nhớ dù tuổi các bé còn rất nhỏ. Công việc này khác xa với lớp học truyền thống của chúng ta, nơi thầy cô chỉ biết đọc chép, giải thích, giao bài mà nhiều khi không biết học sinh có nắm được hay không. Và vậy là nhiều học sinh chỉ biết gật gù khi thầy cô hỏi “Em đã hiểu bài chưa?”. Không hiểu thì bị coi là khả năng tiếp thu kém, bị so sánh với các bạn trong lớp. 

Qua tất cả những điều kể trên, chúng ta cũng đồng cảm phần nào với các bậc phụ huynh, các thầy cô – những nhân tố quan trọng trong môi trường giáo dục của bất cứ đứa trẻ nào. Tất nhiên, không ai là hoàn hảo cả, nguyên nhân cũng một phần đến từ cách dạy của những người đi trước, một phần đến từ nhận thức của toàn xã hội. Vậy nhưng, cũng không phải vì thế mà chúng ta cứ vẫn giữ mãi những tồn đọng, những thiếu sót đó. Xã hội phát triển khi từng người ý thức được trách nhiệm của mình, có ý chí vươn lên, tiếp thu cái mới. Với cha mẹ, đó là học cách làm cha, làm mẹ, bỏ lại đòn roi mà hướng đến những cách dạy con ưu việt hơn, thân thiện hơn. Với các thầy cô, đó là việc tự nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, học không ngừng nghỉ và dám thay đổi để bước ra khỏi khuôn khổ lạc hậu đã đeo bám nhiều thế hệ làm nghề giáo. Chúng ta hãy đặt mình là những đứa trẻ, suy nghĩ như suy nghĩ của một đứa trẻ để hiểu chúng hơn, thay đổi chính mình vì thế hệ mai sau. 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn