Nỗ lực ảo chính là việc bạn đang đặt ra cho mình nhiều mục tiêu nhưng thay vì cố gắng kiên trì, bạn không tập trung làm đến cùng. Có thể bạn có làm nhưng lại không tới nơi tới chốn, bạn ôm đồm nhiều nhưng không thể hoàn thành. Cùng tìm hiểu nỗ lực ảo là gì và cách để vượt qua nó trong bài viết này cũng SunUni Academy nhé. 

1. Nỗ lực ảo – Vết trượt dài của sự trì hoãn

Có không ít người nhìn bên ngoài có dáng vẻ của người nỗ lực học tập, làm việc nhưng chẳng khi nào tiến bộ hay đạt được điều gì đó đặc biệt. Miệng luôn nói phải ham học hỏi, chăm chỉ rèn luyện nhưng kết quả thì chẳng thấy đâu. Bạn có đang mua hàng tá sách, chất đầy trên tủ nhưng chẳng đọc hết nổi 1 cuốn?

Bạn biết việc mình phải học hỏi thêm để nâng cao trình độ của bản thân nhưng mỗi khi về nhà lại nằm ườn và nghĩ vẫn còn ngày mai để thực hiện. Bạn mua nhiều khóa học online nhưng chỉ học vài tiết lại bỏ dở. Bạn cố gắng tham gia các hội nhóm, tải thật nhiều tài liệu, chụp tất cả những kiến thức bạn cho là bổ ích nhưng chẳng khi nào xem lại chúng. 

Bạn thích đi tham gia workshop để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, ở đó hừng hực quyết tâm nhưng khi trở về lại quên hết và không mảy may suy nghĩ đến. Đó chính là những biểu hiện của nỗ lực ảo. Bạn đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu nhưng chẳng thực hiện được mục tiêu nào trọn vẹn, có làm nhưng không tới nơi tới chốn

2. Nguyên nhân nỗ lực ảo

2.1 Ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài

Nguyên nhân đầu tiên kể đến đó là chúng mình bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt hơn cả là việc so sánh bản thân với người khác. Ví dụ, khi bạn thấy xung quanh có rất nhiều người học và thi IELTS. Bạn bị ảnh hưởng bởi điều này. Khi chưa hiểu rõ bản thân học để làm gì, lộ trình ra sao mà lại nhanh vội ấn vào nút “bắt đầu”.

Hệ quả là bỏ dở giữa chừng, tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Thứ nhất, các bạn cần hiểu rõ bản thân của chính mình. Trước khi làm bất cứ việc gì cũng cần nhớ tới mục đích.

so sánh bản thân

2.2 Chưa có mục tiêu rõ ràng

Thứ 2, bạn chưa có một mục tiêu rõ ràng, cụ thể và khả thi. Ví dụ đối với việc học tiếng Anh, nếu bạn thật sự yêu thích tiếng Anh và không có đích đến cụ thể nào thì mỗi ngày bạn đều có thể nạp kiến thức. Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng làm như vậy. 

Chỉ khi bạn có cho mình một mục đích, mục tiêu cụ thể như cần có 6.5 IELTS hay cần giao tiếp với người bản xứ… mới có lộ trình chi tiết để đạt được mục tiêu đó. 

2.3 Sự vắng mặt khi thực hiện

Cuối cùng là tác nhân khiến chúng ta vắng mặt đó, đơn cử là mạng xã hội. Ví dụ bạn có mục đích, mục tiêu cụ thể cho việc học IELTS và đưa ra lộ trình học cụ thể (mỗi ngày dành 3 tiếng học). Nhưng đến khi thực hiện bạn lại bị xao nhãng bởi Tiktok, Facebook, Youtube…

Đây là trường hợp mà không ít người khi học ngoại ngữ gặp phải, bạn nghĩ mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng thực chất bạn chỉ ở mức độ cố gắng hoặc thấp hơn thế

3. Cách thoát khỏi nỗ lực ảo

Để vượt qua nỗ lực ảo, bạn phải xác định mục đích trước khi học và tìm hiểu. Sau đó, tập trung làm và áp dụng. Hiểu một cách hời hợt và hành động nửa vời là điều mà chúng ta cần phải chấm dứt ngay ở thời điểm hiện tại. 

Xác định mục tiêu như thế nào? Cách tập trung trong học tập, làm việc? Hãy để SunUni giải đáp giúp bạn:

3.1 Đặt mục tiêu nhiều mốc (1-10 năm)

Phương pháp lập mục tiêu ngắn hạn, dài hạn có nhiều lợi thế. Hãy tưởng tượng cuộc đời của bạn như một vườn cây. Để chúng thường xuyên ra hoa, kết trái trong suốt một năm hay cả một đời, bạn cần phải thường xuyên chăm bón, trồng được những loại cây ngắn ngày, dài ngày. Dựa trên cuốn sách “7 Chiến Lược Thịnh Vượng & Hạnh Phúc” (Jim Rohn). Trong chương 3, có một bài tập hướng dẫn cách lập mục tiêu từ 1 – 10 năm. 

Khi bạn viết ra mục tiêu thúc đẩy bản thân, bạn sẽ đối diện với nỗi sợ của mình. Thực tế nếu có sai khác, bạn vẫn có thể chỉnh sửa lại. Mục tiêu của bài tập này sẽ giúp bạn đo lường, đánh giá những ước mơ của bạn. Bạn cũng biết bản thân đang ở đâu trên hành trình thực hiện ước mơ. Hãy mơ lớn và mơ trong khuôn khổ bản thân có thể thực hiện được.

Tham khảo template này https://ntn.so/muctieutemplate để cùng lên kế hoạch nhé. Có 3 bước trong bài tập này đó là ý tưởng, cân đối và hiện thực hóa:

Bước 1: Ý tưởng

  • Bước 1.1: Ghi nhanh xuống giấy trong 12-15 phút khoảng 50 mục tiêu mà bạn muốn thực hiện trong 1-10 năm tới (ví dụ: bạn muốn làm gì, trở thành ai, thấy gì, có gì, ở đâu, chia sẻ điều gì với ai)
  • Bước 1.2: Ghi con số năm bên cạnh mỗi mục tiêu trên: Ghi số 1, 3, 5, 10 (năm)

Bước 2: Cân đối

  • Bước 2.1: Cân đối lại các mục tiêu, làm sao để mình cân bằng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
  • Bước 2.2: Sau khi cân đối, chọn ra 4 mục tiêu cho mỗi mốc năm ( 4 mục tiêu 1 năm, 4 mục tiêu 3 năm, 4 mục tiêu 5 năm, 4 mục tiêu 10 năm = 16 mục tiêu tổng cộng)
  • Bước 2.3: Ghi lại bên cạnh mỗi mục tiêu trên (1) miêu tả cụ thể điều bạn muốn và (2) lý do tại sao bạn muốn mục tiêu này.

Bước 3: Hiện thực hóa

  • Bước 3.1: Để bảng mục tiêu này bên cạnh và xem lại thường xuyên (ví dụ: hàng tuần, cách tuần, hàng tháng)
  • Bước 3.2: Đánh giá

1/ Mục tiêu này có còn quan trọng với mình hay không?
2/ Mình có đang hành động tích cực để đưa mục tiêu tới hiện thực không?
3/ Có điều gì ở những mục tiêu này mình muốn thay đổi không?

Thời gian trôi qua rất nhanh, bạn cần hành động tích cực để đưa mục tiêu đến đích. Cuộc sống của mình như một vườn cây xanh, chúng mình cần phải thực hiện hàng ngày để chuẩn bị cho tương lai sau này, không chỉ cho bản thân và cho gia đình của mình.

3.2 Cách tập trung khi học tập và làm việc

Thứ nhất, tập trung có thể rèn luyện hàng ngày. Tập trung có thể luyện tập để cải thiện và duy trì hiệu quả. Thực tế, mỗi người đều có một thời điểm trong ngày mà họ làm việc tốt hơn cả hoặc phương pháp để giúp tập trung tốt nhất, không gian giúp duy trì sự tập trung. Do đó, bạn nên dựa vào điều này để thực hiện chu trình tập trung của riêng mình.

Thứ 2, tạo chu trình tập trung phù hợp. Nếu bạn là người làm việc, học tập hiệu quả vào buổi sáng thì tối hôm trước bạn nên viết ra danh sách các việc cần làm. Sáng hôm sau bạn chỉ cần ngồi vào bàn làm việc và thực hiện. Nếu bạn làm việc tốt trong môi trường yên tĩnh, bạn có thể đóng cửa phòng, cửa sổ hoặc đeo tai nghe, để điện thoại ở chế độ không làm phiền và sử dụng phương pháp Pomodoro.

Thứ 3, viết ra những suy nghĩ gây xao nhãng khi học tập và làm việc. Để tập trung trong thế giới ồn ào còn có nhiều cách hơn thế. Có bao giờ bạn đang làm việc, học tập nhưng trong đầu luôn nhảy ra rất nhiều luồng suy nghĩ. Những suy nghĩ này như “con khỉ” đang leo trèo trong đầu của bạn khiến bạn làm việc không hiệu quả. Thay vì vậy, bạn có thể ghi ra những suy nghĩ ra giấy ngay khi nghĩ đến và tập trung vào công việc của mình.

Thứ 4, giảm tối đa gián đoạn khi tập trung. Để tập trung tốt nhất, hãy giảm tối đa sự gián đoạn trong khi làm việc bằng cách như để tai nghe lên khi làm việc để người khác không làm phiền, để điện thoại ở chế độ không làm phiền. Khi có các yếu tố gây gián đoạn, bạn cần phải tìm ra và ngăn chặn ngay lập tức. 

Thứ 5, ngừng làm việc đa nhiệm là cách giúp tập trung tuyệt đối. Theo các nghiên cứu cho thấy, làm việc đa nhiệm không tốt cho sự tập trung và không mang lại hiệu quả như bạn đang nghĩ. Hãy chuyên tâm làm một công việc trong một thời điểm. 

Nỗ lực ảo là khi sự cố gắng chỉ là cảm giác. Hy vọng bài viết này đã “bắt mạch” được căn bệnh này nếu bạn đang mắc phải và từ đó loại bỏ nó một cách nhanh chóng nhất. “Nếu thật sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do”. Hãy cùng loại bỏ những nỗ lực ảo và tiến lên phía trước, đạt được mục tiêu của bản thân mình nhé.

> Xem thêm: Phương pháp Pomodoro – Quản lý thời gian và làm việc hiệu quả

(*Tham khảo chia sẻ từ The Present Writer, An Is Here.)

Bài viết được biên soạn bởi SunUni Academy, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn