Học tập, làm việc đều là những hoạt động thiết yếu với mỗi cá nhân. Bất kể là học sinh hay người đi làm cùng luôn cần dành thời gian để rèn luyện hàng ngày. Khi còn là học sinh, bạn học các môn học trên lớp, học để chuẩn bị cho tương lai. Khi đã đi làm, bạn cần trau dồi thêm về chuyên môn, các kỹ năng cần cho công việc, học để theo đuổi đam mê hay nhiều mục đích khác. Trong quá trình học tập, hầu hết mọi người đều sẽ dành những khoảng thời gian nhất định cho việc học ở nhà. Có những người cảm thấy điều đó là hết sức bình thường nhưng cũng không ít người thường xuyên cảm thấy nhàm chán, thiếu động lực dẫn tới không thể tập trung khi học. Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nhàm chán đó, đồng thời có những sự điều chỉnh tích cực giúp việc học tập ở nhà trở nên hiệu quả nhất.

 

Đây là tâm lý mà hầu hết chúng ta sẽ gặp ít nhất một vài lần trong quá trình học hay làm việc ở nhà. Có người dễ dàng vượt qua nhưng cũng nhiều người bị sự nhàm chán đánh gục. Biết được những nguyên nhân sâu xa, chúng ta sẽ có cách để chủ động giải quyết triệt để vấn đề này.

 

Vượt qua bệnh lười

 

“Lười” thực sự là căn bệnh nan y khó chữa nhất trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống. “Lười” dùng để ám chỉ việc có ít hoạt động nào đó: Lười suy nghĩ, lười làm việc, lười học, lười giao lưu,… Khi tìm hiểu sâu hơn, các khoa học chuyên nghiên cứu về loài chuột đã phát hiện một mối liên kết thú vị về thông tin di truyền. Đầu tiên, họ chọn ra một tập hợp những con chuột, sau đó chia thành 2 nhóm, nhóm 1 là các con chuột có thói quen thường xuyên chạy bộ trên bánh xe, trong khi nhóm 2 là những con chuột lười biếng khi vận động ít hơn đáng kể.

 

Trải qua 10 thế hệ, cháu chắt của nhóm chuột chạy bộ thường xuyên có tần suất vận động nhiều hơn 75% so với nhóm còn lại, và sau 16 thế hệ, nhóm thứ nhất có thể chạy được hơn 11 cây số mỗi ngày, trong khi nhóm chuột còn lại trung bình mỗi ngày chỉ chạy được khoảng 6.4 km. Dường như động lực thôi thúc nhóm chuột thứ 1 vận động nhiều hơn có mối liên kết nào đó với vật chất di truyền. 

 

Đối với loài người, chúng ta cũng thừa hưởng các gen chịu trách nhiệm cho những đặc điểm khác nhau, từ tính bốc đồng, thích trì hoãn cho đến sự lười biếng. Việc chúng ta lười biếng hơn người khác về bản chất là do gen, hay nói đúng hơn là xảy ra một đột biến nào đó ở gen điều hòa mức độ vận động. Gen này đóng vai trò tạo ra một loại thụ thể dopamine và nếu không có nó, bạn nhiều khả năng sẽ thích ngồi một chỗ và lười hơn so với những người có gen bình thường.

 

Thế nhưng, bạn đừng lấy đó làm lý do nhé. Để trị dứt điểm bệnh lười, chúng ta cũng cần nỗ lực không kém các thiên tài. Với bất cứ việc nào bạn muốn làm, hãy thực hiện từng chút, từng chút cho đến khi bạn cảm thấy đã “thoát lười”. Chẳng hạn như bạn cảm thấy quá thiếu kiến thức vì lười đọc sách, hãy chọn cuốn sách bạn thích “ngay từ cái nhìn đầu tiên” và bắt đầu đọc từng trang, mỗi ngày. Vâng, là “đọc từng trang mỗi ngày” chứ không chỉ là đọc nhiều trang trong vài phút. Việc này giúp bạn dễ làm quen với cường độ nhẹ để tiến tới cường độ mạnh hơn. Sau khi cảm thấy đọc từng trang mỗi ngày là quá chậm, bạn có thể nâng lên 2-3 trang một ngày và tiếp tục duy trì. Cứ như thế, bạn sẽ không cảm thấy quá nhàm chán để rồi dần dần, bản thân chăm chỉ hơn, kiên nhẫn hơn với việc đọc thì bệnh lười dần dần sẽ bị loại bỏ.

 

Điều quan trọng là cải thiện vấn đề tâm lý. Khi bạn đã có một thói quen nào đó, dù là nhỏ, tâm trí bạn sẽ được thả lỏng bởi bạn vẫn đang hoạt động hàng ngày mà không cần quá cố gắng. Nếu cố gắng thực hiện một việc nào đó quá nhanh, bạn sẽ bị tâm lý đè nặng, dễ nản, nghĩ đến đã chán và lại “lười”.

 

Có những khoảng thời gian ta cảm thấy chán nản, chênh vênh?

 

Có lẽ, tất cả những người đang đọc bài viết này đều từng trải qua cảm giác chán nản, thậm chí chán chẳng buồn đọc bài viết này. Điều này khá dễ hiểu, bởi sau mỗi niềm vui thường là khoảng thời gian “nhàm chán”. Có nhiều nguyên nhân gây nên sự nhàm chán:

 

  • Chúng ta phải làm quá nhiều thứ lặp đi lặp lại hàng ngày như học tập, nấu ăn, rửa bát, thậm chí là sự giải trí quá đều đặn cũng có thể gây ra nhàm chán.

 

  • Bạn phải làm điều gì đó quá khó hoặc quá dễ. Quá dễ sẽ không tạo ra hứng thú còn quá khó sẽ khiến bạn nản chí.

 

  • Không thể tập trung học tập hay kể cả xem một bộ phim mà mình yêu thích. Đang xem mà người cứ như trên mây, không nhớ cả nội dung vừa xem.

 

  • Bản thân tẻ nhạt. Có những người dù khá chăm chỉ ở trường, ở công ty nhưng về nhà lại không biết cách tự tạo ra thú vui cho bản thân, cả thèm chóng chán. 

 

  • Bạn gặp vấn đề về chuyện học hành, công việc, chuyện tình cảm. Đó là những nguyên nhân rất dễ gây chán nản khiến tâm lý bị mắc kẹt trong thời gian dài.

 

Và có một thực tế là khi xã hội càng phát triển, con người càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn, nhàm chán nhiều hơn. Biểu hiện là văn hoá làng xóm không còn như trước, nhà nào biết nhà nấy; những bộ phim hay những bài hát đang khai thác nhiều hơn những khoảng trống trong lòng mà chúng ta ít bộc lộ;…

 

Vậy thì phải giải quyết thế nào nhỉ?

 

Đầu tiên, hãy thật sự hiểu rằng “nhàm chán” là một phần của cuộc sống, thậm chí nó rất dễ xảy đến với những người nhạy cảm. Hiểu và chấp nhận được cảm giác ấy, đôi khi bạn còn mong muốn mình có những khoảng trống, có những sự cô đơn để thực sự hiểu mình hơn, hiểu người khác hơn. 

 

Trong quãng thời gian này, vì dịch bệnh mà chúng ta phải ở nhà quá nhiều, chỉ học tập, làm việc và sinh hoạt hàng ngày loanh quanh trong nhà thôi khiến cảm giác bí bách bao trùm lên tâm trí nhiều người. Bạn hãy chấp nhận điều đó, và hiểu rằng rồi nó cũng sẽ qua rất nhanh, để khi hết dịch ta ngồi nhớ lại, đó có khi lại là một kỷ niệm thú vị. Và nếu bạn còn chưa thực sự chấp nhận được, khi hết dịch hãy thử những chuyến đi đến những vùng còn hoang sơ, khó khăn của đất nước. Một số huyện đảo thậm chí không có điện, không đủ nước ngọt để sinh hoạt, và chẳng có gì nhiều để giải trí. Người dân ăn bữa tối từ rất sớm, khi ánh nắng chưa tắt hẳn, rồi bắt đầu những công việc “quá nhàm chán” như đun bồ kết để gội đầu, hong sá sùng để ngày mai đem ra chợ bán. Lũ trẻ có ít bài tập, chẳng có bạn bè chơi cùng nên 7-8 giờ tối đã đi ngủ. Khi bạn đặt mình vào những hoàn cảnh như vậy, thậm chí éo le hơn, bạn sẽ có sự đồng cảm, bạn sẽ thấy mình còn rất nhiều may mắn cũng như cuộc sống chẳng hề nhàm chán như bạn nghĩ. Và từ đó, bạn nhanh chóng vượt qua sự bí bách để bắt nhịp lại với việc học, việc sinh hoạt trong tình trạng thiếu thốn.

 

Trên đây chỉ là một ví dụ để các bạn dễ cảm nhận và hình dung ra bản chất tâm lý “nhàm chán” của mình. Để giải quyết dứt điểm, không phải ngày một ngày hai mà làm được. Nó đòi hỏi sự trải nghiệm cuộc sống và đúc kết ở 4 chữ “nuôi dưỡng tâm hồn”. 

Tại sao “Nuôi dưỡng tâm hồn” lại quan trọng?

 

 

Đây là việc mà chúng ta cần làm hàng ngày, hàng giờ để thích nghi với xã hội ngày càng phát triển. Sẽ có rất nhiều thứ tác động kể cả tích cực lẫn tiêu cực khiến ta thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thậm chí là chán ngay cả trong lúc đáng ra phải vui.

 

Nuôi dưỡng tâm hồn là khi bạn luôn nỗ lực để hiểu bản thân, hiểu cuộc sống; là khi bạn sống chậm lại để ngắm nghía ngôi nhà của mình, sống chậm để ngắm nhìn con đường tới trường hàng ngày, chậm lại một chút để lắng nghe lời cha mẹ. Việc này hầu hết chúng ta đã từng được học qua môn “Đạo đức” hay “Giáo dục công dân” nhưng vì áp lực từ những môn học khác, áp lực của cuộc sống mà ta quên mất rằng những kiến thức đó sẽ giúp ta rất nhiều trong cuộc đời. 

 

Có nhiều cách để bạn thấu hiểu cuộc sống như:

 

  • Đọc sách, đọc báo, nhất là những câu chuyện liên quan đến cuộc sống thường ngày

 

  • Đi du lịch kết hợp tìm hiểu văn hoá của các địa phương

 

  • Khám phá cuộc sống và con người ở quê bạn

 

  • Xem phim

 

  • Nghe nhạc

 

  • Tìm hiểu về đạo Phật

 

 

Nếu bạn để ý thì tất cả mọi thứ xung quanh đều có thể là nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn vững chắc hơn. Nuôi dưỡng tâm hồn giúp bạn hiểu cuộc sống, hiểu con người xung quanh, biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, biết lắng nghe hơn, và đối với bản thân là hiểu được chính mình, có nội lực vượt qua những biến cố để luôn sống một cách tích cực. Tâm hồn chúng ta như cái cây có thân, có rễ. Rễ đâm càng sâu, càng tìm được nhiều nguồn nước thì cây càng phát triển càng tươi tốt, bám sâu vào đất để đứng một cách vững chắc.

 

Và trên đây là tất cả những gì bài viết muốn đưa đến người đọc, mà chủ yếu là với các bạn trẻ, cái công thức để vượt qua sự nhàm chán. Tất nhiên, mỗi người có một cách làm riêng, có tư duy riêng để sống cuộc sống của mình. Nhưng chung quy lại, với hầu hết mọi người, chúng ta đều cần 2 bước để thực sống chung với sự nhàm chán hay vượt qua sự nhàm chán. Đó là: Vượt qua bệnh lười và nuôi dưỡng tâm hồn. 2 việc trên chủ yếu nhằm cải thiện tâm lý con người. Khi đã có tâm lý vững chắc, đồng thời áp dụng một số phương pháp để nâng cao hiệu quả học tập và làm việc thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

 

 

Hi vọng bài viết hữu ích cho các bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn