Tôi chắc rằng, khi câu hỏi “Bạn đã thực sự kiên trì trong việc học?” được đặt ra, sẽ có khá nhiều bạn trẻ ngập ngừng và không thể trả lời ngay. Vì kiên trì trong bất cứ việc gì chưa bao giờ là một việc đơn giản. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng thảo luận về sự kiên trì trong học tập và liệu có cách nào đạt được khả năng này hay không.

Kiên trì là gì?

“ Kiên trì” là một phẩm chất và kỹ năng của một người không ngừng theo đuổi và hoàn thiện mục tiêu của mình trong cuộc sống. Đó là sự nỗ lực cố gắng hết mình, luôn vững vàng, ý chí nghị lực không bỏ cuộc giữa chừng dù có đó là những thử thách gian nan thậm chí là thất bại cũng không buông bỏ và quyết tâm đến cùng. Sự kiên trì là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong công việc cũng như cuộc sống. 

Trong việc học tập cũng vậy, sự kiên trì giúp bạn có thể vững tâm theo đuổi đến những mục tiêu cao hơn, không ngừng hoàn thiện và ra tăng kiến thưc của mình để ngày một hoàn thiện hơn. 

Tuy nhiên, để rèn luyện lòng kiên trì không phải là một việc làm đơn giản. Chúng cần có sự tích lũy qua ngày tháng và một sự quyết tâm cao độ. Người xưa học tập trước sau đều xem trọng thực tiễn, coi trọng sự liên tục không biết mệt mỏi, học quý ở chỗ bền chí, kỵ nhất là bữa đực bữa cái. Điều này có nghĩa là việc gì cũng cần có sự đều đặn, nỗ lực mới có thể thành hình.

kiên trì

Những hiểu lầm thường thấy về sự kiên trì trong việc học

Kiên trì là phẩm chất bẩm sinh

Đây là sai lầm thường thấy nhất. Rất nhiều người cho rằng việc một ai đó có kiên trì hay không là tính cách bẩm sinh của người đó. Nhưng trên thực tế, việc kiên trì không phải là tính cách bẩm sinh của một người, không phải ai đó trông có vẻ trầm tĩnh là người đó sẽ có sự kiên trì, cũng như không phải ai nhìn nóng nảy thì có nghĩa là họ không biết theo đuổi mục tiêu.

Sự kiên trì rèn luyện dần qua những lần chúng ta tự đề ra mục tiêu cho mình để theo đuổi, và cố gắng hết sức để hoàn thành những mục tiêu đó. Dù có khó khăn, sự kiên trì hoàn toàn có thể rèn luyện được.

Cứ học nhiều có nghĩa là kiên trì học tập?

Đây là một nhận định sai lầm phổ biến. Thực ra, nếu bạn học tập hay làm việc không có kế hoạch thì đây cũng không thể coi là kiên trì. Tôi từng thấy có một trường hợp, bạn trẻ này đầu tư cho việc học tiếng Anh rất nhiều, học qua đến vài trung tâm tiếng Anh khác nhau. Có thể bạn nghĩ rằng kết quả của bạn đó sẽ rất tốt, nhưng trên thực tế thì không phải. Dù đã học tới trung tâm thứ 3, thứ 4, nhưng trình độ của bạn vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sơ cấp.

Không phải cứ học càng nhiều thì sẽ là kiên trì. Bạn phải để cho bản thân mình có những khoảng thời gian và không gian để phát triển. Bạn cứ cắm đầu vào học, nhưng cảm thấy chưa như ý lại tìm một người dạy khác, một môi trường khác, trí não của bạn chưa kịp làm quen với những cái mới đã lại chuyển sang trạng thái làm quen lại từ đầu. Việc học như thế hoàn toàn không phải kiên trì, thậm chí đó còn là sự nóng vội và thiếu đi kiên nhẫn, đối với cả việc học và bản thân bạn.

kiên trì

Kiên trì là mặc kệ những ý kiến xung quanh

Nhiều người hay nhầm lẫn rằng kiên trì là bỏ ngoài tai những ý kiến xung quanh mà chỉ chuyên tâm vào việc của mình thôi. Cái này không hẳn sai hoàn toàn nhưng nếu nói đúng thì cũng không phải. Đôi khi người ngoài cũng sẽ có những cái nhìn sáng suốt từ những góc độ khác so với bạn và bạn hoàn toàn có thể cân nhắc những ý kiến đó.

Nên nhớ rằng, sự kiên trì sẽ thể hiện ở việc bạn có đạt được kết quả cuối cùng mình mong muốn và đã đề ra hay không chứ không phải trong quá trình bạn bất biến như thế nào. Việc cân nhắc những góp ý và đóng góp của người khác mà giúp ích được cho mục tiêu của bạn cũng là cần thiết để bạn có thể tiến gần hơn đến những điều mình mong muốn.

Vì sao chúng ta thường không duy trì được sự kiên trì của mình

Nguyên nhân chủ quan

Việc chúng ta không thể duy trì sự kiên trì phần lớn đến từ chính bản thân chúng ta. Trong đó việc không xác định rõ được bản thân là nguyên nhân lớn nhất. Nghe thì khá mơ hồ nhưng đó là việc bạn đánh giá quá thấp những nỗ lực của bản thân hoặc tự nuông chiều bản thân quá nhiều.

Việc đánh giá thấp bản thân làm bạn cảm thấy tự ti, rụt rè hoặc làm bao nhiêu cũng cảm thấy chưa đủ tốt. Việc này dẫn đến tình trạng bạn sẽ cảm thấy chán nản nhanh chóng và bỏ cuộc giữa chừng, đồng thời ngại với việc tiến lên thử thách chính mình ở những mốc cao hơn.

Bên cạnh đó, việc tự nuông chiều bản thân, cho rằng mình đã làm quá tốt rồi sẽ khiến bạn sinh ra tâm lý chây ì, ỷ lại. Về lâu về dài nảy sinh sự lười biếng, đến lúc bạn gặp phải những thử thách ví dụ như những bài tập khó hay học lên những cấp học cao hơn sẽ dễ dàng bỏ cuộc vì bạn đã quen sống với thói quen nuông chiều bản thân và thiếu kỷ luật.

Nguyên nhân khách quan

Nguyên nhân khách quan cũng đóng một phần không hề nhỏ trong việc làm giảm bớt ý chí và sự kiên trì của bạn. Mạng xã hội và những nội dung ngắn hiện nay chính là thứ gián tiếp làm chúng ta mất đi tính kiên trì và sự tập trung. Những nội dung ngắn dễ dàng thỏa mãn trí tò mò của bản thân bạn, đến khi ngồi vào bàn học, việc đòi hỏi sự tập trung cao độ khiến bạn thấy khó khăn, giảm cảm giác hứng thú học hành. Về lâu về dài tạo thành ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả học tập của bạn nói riêng và những mục tiêu khác của bạn nói chung.

kiên trì

Ngoài ra, hiệu ứng đám đông hoặc những ý kiến ngoài luồng cũng có thể ảnh hưởng đến bạn nếu bạn không có một tâm lý vững vàng. Việc nhiều người bàn tán và đánh giá những gì bạn làm với mục đích khiến bạn bỏ cuộc cũng là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng chán nản về tâm lý. Nguyên nhân này hầu như không thể tránh khỏi trên con đường tiến tới mục tiêu. Nếu bạn quá để tâm đến ý kiến của người khác mà không tập trung vào mục tiêu của mình, bạn chắc chắn không đạt được sự kiên trì.

4 bước giúp bạn có thể nâng cao được sự kiên trì?

Xác định mục tiêu

Điều đầu tiên cần phải làm chính là phải biết và xác định mình muốn làm gì. Bởi chúng ta không thể đi xa khi không biết mình phải đi đâu. Và ước mơ là “kim chỉ nam” để bạn lên kế hoạch cụ thể từng bước cần phải làm gì. Chúng ta cần phải biết đích đến mới có thể giữ vững quyết tâm và bền bỉ để theo đuổi nó.

Mục tiêu ở đây là những gì bạn muốn đạt được trong một thời gian cụ thể. Việc vạch ra mục tiêu giúp bạn có định hướng rõ ràng hơn. Và giúp bạn nỗ lực trau dồi, sắp xếp thời gian và nguồn lực để đạt được nó.

Bạn có thể đặt mục tiêu ngắn hạn để từng bước đạt được mục tiêu trong dài hạn. Việc này sẽ giúp bạn không cảm thấy nản chí và mệt mỏi, mà sẽ nỗ lực ngày qua ngày để đạt cái nhỏ trước, sau đó là mục tiêu lớn hơn.

Ví dụ, mục tiêu lớn của bạn là đi du học, bạn sẽ không thể cắm đầu vào học và làm vì sẽ rất nhanh nản. Bạn cần đặt ra mục tiêu nhỏ hơn như đạt được bảng điểm thế nào, cải thiện trình độ tiếng Anh ra sao. Dưới mỗi mục tiêu nhỏ đó lại là các mục tiêu nhỏ khác cho từng môn học, hoặc kỹ năng cụ thể.

Bạn có thể tham khảo thêm về cách thức đặt mục tiêu tại ĐÂY.

Vạch ra kế hoạch cụ thể

Khi đã xác định được mục tiêu, ta cần có một kế hoạch cụ thể và chi tiết. Bạn có thể tham khảo ở bài viết. Kế hoạch lập ra để chúng ta không bị đi lạc giữa chừng, bạn chỉ có động lực từ mục tiêu mà không có kế hoạch chi tiết thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái tự chiều chuộng bản thân rồi quên đi việc mình đang làm là gì. 

Tuy nhiên hãy có sự linh động trong kế hoạch từng thời điểm để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé. Ví dụ như bạn đang cảm thấy tiếng Anh phần nghe – nói còn yếu, nên tập trung cho phần đó nhiều hơn, nhưng khi đã cải thiện rồi bạn nên có sự cân bằng lại giữa các kỹ năng sao cho phù hợp để tăng tốc và đạt được mục tiêu đã đề ra đúng hạn nhé.

kiên trì

Tạo động lực cho bản thân

Quá trình chinh phục mục tiêu không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Sẽ có lúc bạn cảm thấy nản lòng và muốn từ bỏ. Cũng giống như câu chuyện học tập, đôi khi học một thứ mới bạn cần có khoảng thời gian và không gian để những thứ đó bám rễ và nảy mầm, quá trình này sẽ diễn ra chậm rãi nhưng không phải không có kết quả. Bạn hãy tiếp tục học tập, gắng hết sức mình cũng như hiểu được rằng sự cố gắng của mình sẽ được đền đáp một ngày không xa.

Hãy chấp nhận rằng không phải lúc nào cũng sẽ luôn có người bên cạnh để động viên và cổ vũ bạn. Quan trọng là ở chính bản thân mình. Hãy tự động viên mình vượt qua và không từ bỏ nó. Bạn sẽ ngày càng trở nên kiên trì hơn với mục tiêu của mình.

Tạo thói quen và lối sống kỷ luật

Việc rèn bản thân vào thói quen và lối sống kỷ luật sẽ giúp ta bám sát theo kế hoạch và định hướng đã vạch ra. 

Một người kỷ luật bản thân tốt thường ít khi xao nhãng bởi tác nhân bên ngoài. Họ sẽ không bao giờ đầu hàng hay bỏ cuộc cho dù gặp khó khăn, thử thách. Vậy nên khi sống có kỷ luật, bạn sẽ rèn luyện được tính kiên trì. Vì kỷ luật sẽ “giữ” bạn lại khi có ý định buông bỏ.

Việc rèn kỷ luật này không có phương pháp cụ thể nào cả, bạn càng rèn luyện nhiều thì sẽ tạo thành thói quen cho bản thân, vì cuối cùng thì chỉ có chính bản thân bạn mới có thể tự trợ giúp cho chính bản thân mình mà thôi.

Tạm kết

Kiên trì không chỉ là một phẩm chất, đó còn là kỹ năng mà bất cứ ai trong chúng ta cần rèn luyện để có thể tiến gần hơn đến với mục tiêu của mình. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có một định hướng rõ rằng hơn và cảm thấy kiên định hơn với những con đường mà mình đã quyết tâm lựa chọn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn